MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Donald Trump có gì trong tay nếu "châm ngòi" cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?

03-02-2017 - 09:08 AM | Tài chính quốc tế

Căng thẳng thương mại leo thang, nhưng vẫn có thể ngăn chặn chiến tranh thương mại.

Nhiệm vụ bảo vệ công nhân Mỹ trước các công nhân ngoại quốc “lừa đảo” của tân tổng thống Donald Trump đã bắt đầu. Tuy nhiên, trong hàng loạt cập nhật đầu tiên về chính sách và các mệnh lệnh điều hành của ông trên Twitter, Trung Quốc, mục tiêu yêu thích của ông Trump, lại không được đề cập tới.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump thường xuyên khai thác chủ đề Trung Quốc thao túng tiền tệ và khẳng định quốc gia này đã xâm phạm các quy định thương mại quốc tế; đồng thời, ông cũng đe doạ sẽ áp dụng mức thuế quan 45% với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Tất cả những động thái này đều nhận được sự ủng hộ từ đám đông. Và hiện nay, thế giới đang chờ đợi liệu ông Trump có thể làm được những gì.

Trước hết, lời hứa “gắn mác” thao túng tiền tệ cho Trung Quốc chưa hề được ông Trump nhắc lại. Theo một góc nhìn lạc quan, có lẽ ông Trump đã nhận ra lời hứa này không có cơ sở chắc chắn. Trung Quốc đã không còn “chèn ép” đồng tiền của mình nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh, mà thay vào đó, quốc gia này hiện đang đẩy giá đồng tệ lên.

Tuy nhiên, từ một góc nhìn tiêu cực, nguyên nhân có lẽ là do bộ trưởng tài chính của ông Trump, ông Steven Mnuchin, người chịu trách nhiệm thực hiện lời hứa này, vẫn chưa được thượng nghị viện thông qua.

Ông Trump hoàn toàn có khả năng khiến hoạt động thương mại quốc tế đảo lộn. Quyết định áp dụng mức thuế quan chung cao sẽ “cắt đứt” chuỗi cung ứng, gây tổn hại cho người tiêu dùng nước Mỹ và công khai chống đối các hệ thống quy định thương mại toàn cầu do Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO) giám sát.

Tuy nhiên, thay vì phá hoại hệ thống thương mại thế giới, ông Trump có lẽ sẽ lựa chọn “chiến đấu” với Trung Quốc. Dù không nhắc đến cái tên Trung Quốc, nhưng trang web của Nhà Trắng đã hứa hẹn sẽ “sử dụng mọi công cụ của chính phủ liên bang” nhằm giải quyết tình trạng lạm dụng thương mại.

Dù chưa chính thức trở thành bộ trưởng thương mại của ông Trump, nhưng ông Wilbur Ross khẳng định ông đã rút ra kinh nghiệm từ Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley với nội dung tăng hàng loạt loại thuế quan trong những năm 1930. Đạo luật này không hiệu quả trong quá khứ, và rất có thể hiện nay nó “cũng sẽ không hiệu quả”.

Chính sách do ông Ross đề xuất bao gồm đe doạ “trừng phạt” các quốc gia phạm luật. Cụ thể, bộ thương mại Hoa Kỳ sẽ bắt đầu hành động chống lại hành động bán phá giá của một số quốc gia khác. Ông Robert Lighthizer, ứng cử viên cho vị trí đại diện thương mại của Mỹ (USTR) trong chính quyền Trump và cũng là một luật sư thương mại kỳ cựu, nắm rõ các điều luật của WTO và luôn sẵn sàng tham gia vào nhiệm vụ này.

Kiện tụng để chống lại Trung Quốc sẽ không đem lại đột phá mới so với trước đây. Dưới thời tổng thống Barack Obama, USTR đã từng thách thức Trung Quốc 16 lần về các vấn đề như áp dụng thuế bất hợp pháp với thép và ô tô của Mỹ, hay bán phá giá và sử dụng hạn ngạch xuất khẩu với các loại đất hiếm, ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà nhập khẩu Mỹ. Chỉ trong tuần này, một vụ kiện lớn liên quan tới vấn đề Trung Quốc trợ giá nông nghiệp bất hợp pháp do chính quyền ông Obama tiến hành đã bắt đầu.

Đẩy mạnh căng thẳng có thể kích thích Trung Quốc trả thù. Vào năm 2009, nước Mỹ đã áp dụng thuế quan với lốp xe Trung Quốc khi lượng nhập khẩu mặt hàng này tăng mạnh; đổi lại, Trung Quốc đã chuyển sang nhập khẩu chân gà từ Argentina và Brazil thay vì Mỹ. Mục tiêu trả đũa lần này của Trung Quốc có thể sẽ gồm đậu tương và máy bay, hai loại mặt hàng chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.

Dù Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải tìm kiếm nguồn cung đậu tương mới; nhưng một nông dân trồng đậu tương tại Indiana, ông Kenny Cain, lo ngại rằng nếu Trung Quốc tìm được đối tác mới, giá đậu tương Mỹ sẽ giảm một phần ba. Bên cạnh đó, tuy Trung Quốc chưa thể sản xuất ra các dòng máy bay thương mại chất lượng cao, nhưng quốc gia này có thể chuyển sang hợp tác cùng Airbus của châu Âu.

Nguy cơ thứ hai là WTO có thể sẽ sụp đổ dưới áp lực của những vụ việc mới. Đứng trước giới hạn ngân sách và giới hạn nhân sự (chỉ gồm 640 nhân viên), WTO đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi xử lý số lượng tranh chấp ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Theo ông Chad Bown từ Viện Peterson về Kinh tế học Quốc tế, các quy định của WTO không đủ minh bạch. Ông Trump đã đúng về việc không phải lúc nào Trung Quốc cũng tuân thủ luật thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, ông Trump sẽ sớm nhận thấy rằng tuyên bố buộc Trung Quốc “chơi theo luật” là một vấn đề nói dễ hơn làm. Ví dụ, luật của WTO không định nghĩa chặt chẽ khái niệm doanh nghiệp nhà nước; vì vậy, rất khó để xác định và phản đối trợ cấp từ các ngân hàng nhà nước.

Chiến lược giải quyết vấn đề này của cựu tổng thống Obama là ký kết một hiệp định thương mại đa phương. Hiệp định này sẽ đưa ra định nghĩa về doanh nghiệp nhà nước, đồng thời, có một mục về thao túng tiền tệ và các chương quy định tiêu chuẩn lao động và môi trường, với mục đích bảo vệ công nhân Mỹ trước tình trạng cạnh tranh “không công bằng”. Đó chính là Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Dù Trung Quốc không phải là một trong những nước thành viên đầu tiên của TPP, nhưng trong tương lai, có thể Trung Quốc sẽ phải tham gia hiệp định này, và theo đó, buộc phải chấp nhận các quy định của TPP. Tuy nhiên, ông Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi TPP trong tuần vừa rồi.

Rõ ràng, chiến lược của ông Trump hoàn toàn khác biệt. Chỉ cần ông chống lại Trung Quốc theo đúng quy định của WTO, nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại sẽ không còn. Tuy nhiên, ngoài khuôn khổ của WTO, mọi thoả thuận trước đây đều không còn giá trị.

Quỳnh Mai

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên