MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông hoàng Twitter Donald Trump: Ngoại giao trong 140 kí tự

12-12-2016 - 09:10 AM | Tài chính quốc tế

Nếu tổng thống đắc cử Donald Trump thực sự dùng Twitter để châm ngòi chiến tranh, thì rõ ràng, mạng xã hội này sẽ không còn là một công cụ giải trí nữa.

Nhiều người Mỹ đã và đang thay đổi thói quen đọc báo buổi sáng của mình. Thay vì truy cập vào các trang báo điện tử, họ vào Twitter, và không ít người tìm kiếm @realdonaldtrump để cập nhật thông tin về tổng thống đắc cử của nước Mỹ. Chiến lược Twitter của ông Trump có lẽ là một chiến lược tuyệt vời có thể tái định hình mối quan hệ giữa chính trị và truyền thông.

Tuy vậy, mặc dù Twitter hỗ trợ khá nhiều cho ông Trump, nhưng chiến lược này cũng có những nguy cơ nhất định. Khi cả thế giới đang chờ đợi các chính sách của chính quyền mới, thì những dòng cập nhật trên Twitter của ông Trump cho thấy ông không để tâm đến việc phải khéo léo trong ngoại giao, và có vẻ như ông cũng không quan tâm đến các rắc rối địa chính trị. Rõ ràng, tính giải trí của Twitter sẽ không còn nếu một dòng tweet giới hạn trong 140 ký tự không qua kiểm duyệt có thể châm ngòi một cuộc chiến ở đâu đó trên thế giới.

Trong nhiều tháng, Twitter được xem như một vũ khí nổi dậy hiệu quả nhằm phá vỡ các phương tiện truyền thông truyền thống. Ứng cử viên Trump trực tiếp nhắm tới công chúng, những người đang khao khát thay đổi. Mặc dù ông Trump áp dụng chiến thuật thật giả lẫn lộn, nhưng ông vẫn thành công thuyết phục cử tri Mỹ rằng ông đáng tin cậy hơn những hãng truyền thông đã được chứng thực.

Là tổng thống đắc cử, ông Trump đã và đang dùng Twitter nhằm đả kích nhiều nhà phê bình, bao gồm cả New York Times và CNN. Ông dùng Twitter tạo kịch tính khi lựa chọn ứng cử viên cho chính quyền của mình, khiến người Mỹ tò mò về những người chiến thắng cuối cùng.

Có lẽ, mục đích chuyển hướng dư luận trong những dòng tweet của ông Trump ít được chú ý hơn. Những lời đáp trả gay gắt của ông cho dàn diễn viên của vở nhạc kịch Hamilton vào tháng trước đã thống trị chu kỳ tin tức, che lấp một câu chuyện quan trọng hơn: ông Trump chấp nhận trả 25 triệu đô la để giải quyết những cáo buộc về khoá học bất động sản lừa đảo tại đại học Trump.

Đôi khi, những dòng tweet được kiểm soát và xem xét cẩn trọng có thể trở thành công cụ ngoại giao hữu dụng của một tổng thống. Ví dụ, nhiều dòng tweet đã đóng vai trò quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran trong các cuộc đàm phán về định mệnh của chương trình hạt nhân của Tehran. Dù vậy, tương tự như người nổi tiếng, các nhà lãnh đạo hoặc nên tránh xa Twitter, hoặc phải đảm bảo rằng tài khoản của mình được quản lý chặt chẽ.

Tuy nhiên, ông Trump thành công là nhờ các cuộc tranh cãi, và ông tự tin rằng mình là bậc thầy của một loại hình nghệ thuật mới. Ông từng khoe khoang rằng một người hâm mộ đã gọi ông là “Ernest Hemingway với 140 ký tự”. Mặc dù ông Trump không phải là một người giỏi công nghệ, nhưng ông đã tìm thấy một kênh giao tiếp phù hợp với tính cách và khả năng ngôn ngữ của mình trên Twitter. Theo nghiên cứu về các dòng tweet của ông Trump do Politico tiến hành đầu năm nay, ông dùng những từ như “vĩ đại”, “kẻ thua cuộc”, “người chiến thắng” và “ngu ngốc” nhiều gấp đôi các ứng cử viên tổng thống khác.

Liệu ông Trump có từ bỏ Twitter sau ngày nhậm chức? Trong buổi phỏng vấn với chương trình 60 Minutes của CBS, ông Trump cho biết nếu tiếp tục dùng Twitter, ông sẽ gặp nhiều hạn chế. Tuy nhiên, ông Trump rõ ràng không thực sự gặp nhiều hạn chế như những gì ông đã nói. Vào ngày Thứ hai vừa rồi, ông đăng tải trên Twitter của mình: “Nếu báo chí đưa tin về tôi chính xác và chân thực, tôi sẽ không có nhiều lý do để tweet nữa. Thật buồn, tôi không biết chuyện này liệu có thể xảy ra hay không”.

Quỳnh Mai

FT

Trở lên trên