Ông Lê Mạnh Thường, Chủ tịch Tập đoàn TruMan Holdings: Trong nền kinh tế phẳng, doanh nghiệp không thể “chờ sung rụng”
Ông Lê Mạnh Thường có những chia sẻ đáng lưu ý về tiềm năng phát triển của một số ngành kinh tế trọng điểm trong những ngày cuối năm.
“Kinh tế Việt Nam 2018 có nhiều tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển. Bên cạnh đó, với sự nỗ lực cải thiện cơ chế chính sách, thủ tục hành chính… đã góp phần tăng xếp hạng của Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh. APEC cũng như những sự kiện hợp tác cuối năm 2017 đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ở đa dạng các ngành nghề, nhưng cũng là tiếng chuông nhắc nhở doanh nghiệp cần có những động thái đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới về công nghệ, mở rộng chuỗi giá trị để chuẩn bị cho bước tiến mới trong thị trường toàn cầu hóa cạnh tranh khốc liệt hơn”, đó là nhận định của ông Lê Mạnh Thường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn TruMan Holdings, trong những ngày cuối năm.
Xin ông chia sẻ đôi nét về cái nhìn lạc quan của mình đối với nên kinh tế qua APEC?
APEC tạo ra cơ hội hợp tác mạnh mẽ giữa Việt Nam với 20 nền kinh tế khác, định hình tương lai hợp tác sau năm 2020 vì mục tiêu tăng trưởng hiệu quả và bền vững. Trong đó, các nước APEC hiện chiếm gần 60% GDP và 49% giao dịch thương mại toàn cầu và đặc biệt là chiếm 78% FDI và 75% kim ngạch thương mại. Lãnh đạo các công ty APEC 2017 đến Việt Nam lần này đều lạc quan về triển vọng kinh doanh và mong muốn trở thành đối tác của Việt Nam. Rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy nhiều đối tác kinh doanh, đầu tư từ cánh cửa APEC.
Ngoài ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng sẽ tạo ra sự thay đổi chưa từng có trong doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn phù hợp, chủ động liên kết hợp tác với nhau, tham gia chuỗi cung ứng của khu vực tích cực hơn nhằm tận dụng các cơ hội từ thị trường.
Theo ông thì những ngành nào cần nhanh chóng đầu tư để đón những thay đổi từ thị trường?
Hầu hết các ngành đều phải tích cực thay đổi, nhưng tôi đặc biệt lưu tâm đến các lĩnh vực trọng yếu như thủy hải sản, dệt may, bất động sản… Năm thị trường hàng đầu nhập khẩu thủy sản Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Mỹ luôn là thị trường nhập khẩu tôm, cá tra, cá ngừ của chúng ta nhiều nhất, với hơn 21% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Năm nay, tỷ trọng của Mỹ tăng thêm 2%, trong khi của Nhật Bản tiếp tục giảm từ 16% xuống còn 15% và EU giảm từ 18% xuống còn 17%. Đáng lưu ý Trung Quốc hiện đang đứng đầu về gia công thủy sản cho nhiều thị trường, nhưng đang có xu hướng chuyển dịch hàng gia công thủy sản từ Trung Quốc sang các nước khác có điều kiện sản xuất và lao động thuận lợi hơn như Việt Nam.
Thị trường BĐS có nhiều khởi sắc nhờ nguồn FDI tăng mạnh. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2017, lượng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới và tăng thêm đạt xấp xỉ 25,5 tỷ USD, tăng khoảng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ sự hỗ trợ từ yếu tố chính sách, đặc biệt là Luật Nhà ở năm 2014 cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, BĐS đã thu hút dòng vốn lớn từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước trong những năm gần đây, nhất là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Trung Quốc...
Nhưng nền kinh tế phẳng cũng sẽ là bất lợi lớn cho nhiều doanh nghiệp trong nước, khi phải cạnh tranh với ngày càng nhiều ông lớn từ nước ngoài?
Đúng vậy. Trong khi các đối thủ vốn có trình độ phát triển khoa học - công nghệ cao, tốc độ tăng trưởng nhanh thì doanh nghiệp Việt Nam đa số có quy mô nhỏ và vừa với trình độ công nghệ còn hạn chế, phương thức quản lý chưa phù hợp, chiến lược kinh doanh thiếu chủ động. Vì vậy, doanh nghiệp không thể “nằm chờ sung rụng”, mà phải tự vươn lên các chuẩn mực quốc tế.
Chúng ta cần phải có sự đổi mới, tăng giá trị cạnh tranh và hướng đến các tiêu chuẩn phát triển bền vững mà vẫn giữ sự độc đáo, khác biệt của doanh nghiệp Việt. Chẳng hạn như ngành dệt may phải có quy tắc xuất sứ “từ sợi trở đi”, không thể cứ nhập khẩu nguyên liệu mãi được. Ngoài ra, một trong những điểm yếu hiện nay là chúng ta chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may, nên ngành có giá trị gia tăng thấp so với nhiều nước trên thế giới.
Truman Holdings đã chuẩn bị cho hội nhập sau APEC thế nào, xin ông chia sẻ đôi nét?
Truman Holdings Việt Nam chọn kinh doanh đa ngành, trải dài trong các lĩnh vực đầu tư, sản xuất và bất động sản. Các công ty thành viên, liên kết của Truman Holdings hầu hết đã hoạt động lâu năm, có chỗ đứng trên thị trường như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex - FTM), hơn 15 năm chuyên sản xuất xuất khẩu các loại sợi cotton chất lượng cao; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung (SPD), gần 40 năm chuyên chế biến và xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản đông lạnh chất lượng cao xuất. Công ty Cổ phần Long Hậu (LHG) có hơn 10 năm chuyên đầu tư phát triển và cho thuê khu công nghiệp, và một số công ty thành viên khác.
Mới đây, thành viên Fortex đã có bước đi quan trọng để tiến dần đến chuỗi sản xuất sợi-dệt-nhuộm-may khép kín khi ký kết hợp đồng mua bán thiết bị nhà máy dệt với Tập đoàn Tong He (Trung Quốc). Ngoài ra, Fortex sẽ tiếp tục đầu tư mạnh theo chiều sâu mở rộng quy mô, gia tăng biên lợi nhuận thông qua hoàn thiện chuỗi nhờ lợi thế về quy mô tại 3 nhà máy với tổng công suất 17.000 tấn/năm. Nhà máy thứ 4 đang được đầu tư 35 triệu USD, với công suất tương đương 8.700 tấn/năm.
Đặc biệt, nhờ việc ứng dụng mới và đồng bộ hóa các thiết bị, sản lượng nhà máy mới tăng gấp 2 lần nhưng số lượng lao động vận hành nhà máy chỉ tăng 50% so với các nhà máy trước... Điều này đã và đang là nỗ lực không ngừng của Fortex nói riêng và Truman Holdings nói chung nhằm mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng cho tiến trình hội nhập mạnh mẽ để đón đầu và tận dụng tốt các cơ hội phát triển có được từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh như hiện nay.