"Ông lớn" Vietcombank báo lãi trước thuế đạt hơn 27.300 tỷ đồng, vẫn là "quán quân" lợi nhuận hợp nhất toàn ngành
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với nhiều con số đáng chú ý.
- 28-01-2022Vietcombank hết "cô đơn" trên đỉnh lợi nhuận, một ngân hàng tư nhân khác vừa báo lãi gần 38 nghìn tỷ đồng trong năm 2021
- 26-01-2022Đẳng cấp ông lớn Vietcombank: Vốn hóa thị trường vừa cán mốc 20 tỷ USD, cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bỏ xa "á quân" Vingroup
- 24-01-2022Không phải Vietcombank, một ngân hàng vừa báo lãi trước thuế cán mốc 1 tỷ USD, tỷ lệ CASA lập kỷ lục toàn ngành với hơn 50%
Theo đó, năm 2021, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.376 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Theo đó, Vietcombank vẫn là "quán quân" về lợi nhuận hợp nhất trong hệ thống ngân hàng. Trong khi nếu xét về ngân hàng mẹ thì Vietcombank đạt 26.456 tỷ, đứng sau VPBank (hơn 38.000 tỷ) do VPBank ghi nhận khoản thu đột biến từ bán vốn FE Credit.
Tổng thu nhập hoạt động năm qua của Vietcombank đạt gần 56.900 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Trong đó, hầu hết các mảng kinh doanh đều có tăng trưởng khả quan.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 42.387 tỷ đồng, tăng 17%. Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 4.378 tỷ, tăng 12%. Ngoài ra, Vietcombank ghi nhận lãi từ mua bán chứng khoán đạt 189 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ vỏn vẹn 2 tỷ.
Lãi từ hoạt động khác cũng tăng mạnh 33% lên 2.393 tỷ đồng. Chỉ thu nhập góp vốn sụt giảm 72% xuống 130 tỷ đồng.
Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 12% đạt 7.407 tỷ đồng. Thu từ dịch vụ thanh toán vẫn là nguồn thu chính trong hoạt động dịch vụ của nhà băng này. Tuy nhiên, đây là năm thứ 2 liên tiếp Vietcombank ghi nhận thu từ dịch vụ thanh toán sụt giảm: 6.199 tỷ đồng năm 2019, 6.017 tỷ đồng năm 2020, 5.984 tỷ đồng năm 2021. Việc ngân hàng áp dụng các gói miễn phí dịch vụ 2 năm qua có thể là nguyên nhân dẫn đến điều này.
Chi phí hoạt động năm 2021 ở mức 17.574 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước. Tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập (CIR) được cải thiện, giảm từ 32,69% năm 2020 xuống còn 30,89% năm 2021.
Trước việc lo ngại nợ xấu do Covid-19, Vietcombank đã tăng cường trích lập dự phòng lên 11.760 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước.
Tại ngày 31/12/2021, Vietcombank có tổng tài sản đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,4% lên 960.750 tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng tăng 10% đạt 1,13 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng hơn 60.000 tỷ, tương đương 19,6% lên 367.149 tỷ đồng. Tỷ trọng của tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng đạt khoảng 35,7%.
Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) của Vietcombank tăng khá mạnh trong năm qua, tăng 332% lên 966 tỷ đồng. Trong khi nợ nhóm 3 tăng 11,3% lên 744 tỷ, nợ nhóm 5 chỉ tăng nhẹ 1,7% lên 4.411 tỷ đồng.
Theo đó, nợ xấu của ngân hàng cuối năm 2021 ở mức 6.121 tỷ đồng, chiếm 0,64% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này chỉ tăng nhẹ so với mức 0,62% cuối năm 2020.
Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của Vietcombank đã lên tới 25.975 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt kỷ lục ngành ngân hàng là 424%.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị