“Ông lớn” xi măng LafargeHolcim rút khỏi Việt Nam, “bỏ túi” 580 triệu USD
Tập đoàn LafargeHolcim vừa ra thông báo bán toàn bộ 65% cổ phần tại liên doanh ở Việt Nam cho một doanh nghiệp Thái Lan với mức giá khoảng 580 triệu USD.
- 13-07-2016Xuất khẩu xi măng tăng
- 27-05-2016Một Tổng công ty lớn của Bộ Công Thương lỗ cả nghìn tỷ, âm vốn vì xi măng
- 12-05-2016Tiêu thụ xi măng nội địa ngày càng tăng
- 27-08-2008Holcim tăng gấp đôi công suất xi măng tại VN
Tập đoàn LafargeHolcim vừa ký một thỏa thuận bán toàn bộ 65% cổ phần của mình tại liên doanh LafargeHolcim Việt Nam cho công ty sản xuất xi măng của Thái Lan Siam City Cement (SCCC), theo một thông cáo đăng trên website của tập đoàn này phát ngày 4/8.
Theo thông cáo, dự án LafargeHolcim Việt Nam được định giá 867 triệu franc Thụy Sỹ (khoảng 890 triệu đô la Mỹ). Như vậy, Siam City Cement sẽ chi khoảng 580 triệu USD để mua lại số cổ phần nói trên.
LafargeHolcim cho biết thỏa thuận này sẽ cần được các cơ quan quản lý và cổ đông thông qua, và dự định hoàn thành vào quý IV năm nay.
Được thành lập năm 1994, Holcim Việt Nam có tổng vốn đầu tư ban đầu là 233,8 triệu USD (gồm cả nhà máy điện). Vốn đầu tư sau khi quyết toán là 441 triệu USD, trong đó Tập đoàn Holcim góp 65% vốn, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) nắm giữ 35% cổ phần còn lại.
Vào cuối năm ngoái, Công ty TNHH Holcim Việt Nam, thành viên của tập đoàn Holcim (Thụy Sỹ), và Công ty TNHH Lafarge Việt Nam, thuộc Tập đoàn Lafarge (Pháp) đã chính thức sáp nhập sau khi hai tập đoàn mẹ về chung “một nhà”.
Với việc sáp nhập này, LafargeHolcim trở thành nhà sản xuất xi măng có vốn ngoại lớn nhất Việt Nam, với tổng công suất xi măng lên đến 6,3 triệu tấn, vượt lên trên cả Nghi Sơn và Phúc Sơn.
Trong thông cáo, LafargeHolcim không nói rõ lý do rút khỏi Việt Nam sau 22 năm có mặt tại thị trường này.
Tuy nhiên, theo thông tin báo chí, việc “bán mình” nằm trong kế hoạch tái cơ cấu các hoạt động nước ngoài của tập đoàn này, nhất là khi công suất xi măng ở Việt Nam đã dư thừa, khiến ngành công nghiệp này không còn thuận lợi như trước.
Theo Bộ Xây dựng, tổng công suất thiết kế toàn ngành hiện vào khoảng 81,56 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng ước đạt 75-77 triệu tấn trong năm 2016, tăng 4-7% so với năm 2015, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 59-60 triệu tấn, xuất khẩu 16-17 triệu tấn.
SCCC là doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn thứ 2 ở Thái Lan, với doanh thu đạt 908 triệu USD năm 2015. Được thành lập năm 1969, công ty này đã vươn mình sang Indonesia, Campuchia, Bangladesh và Sri Lanka.
Bizlive