MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Mai Tiến Dũng: Kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng dù chịu tác động của Covid-19

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có những tín hiệu tích cực từ thị trường tín dụng, doanh nghiệp thành lập mới và nhập siêu được kiểm soát...

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Có thể kể đến như thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, tổng phương tiện thanh toán tăng hơn 13%, huy động vốn tăng tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái (tính đến ngày 20/2). Đồng thời, đã có 23 tổ chức tín dụng thông báo đã miễn, giảm lãi suất, khoanh, giãn nợ... cho 44.000 khách hàng với dư nợ tín dụng lên tới 222.000 tỷ đồng.

Ông Mai Tiến Dũng: Kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng dù chịu tác động của Covid-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô cơ bản tích cực, CPI tháng 02 giảm 0,17% so với tháng trước, xuất khẩu vẫn tăng trưởng và nhập siêu trong kiểm soát. Trong đó, xuất khẩu ước đạt gần 37 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt hơn 37 tỷ USD. Nhập siêu khoảng 176 triệu USD, chủ yếu do nhập nguyên liệu đầu vào để sản xuất, đầu tư và kinh doanh.

Đáng chú ý, các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; IIP ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng cả về số lượng và vốn; số doanh nghiệp giải thể giảm sau nhiều năm. Trong đó, có 17.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 364.000 tỷ đồng.

Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đang dự thảo Chỉ thị về những giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch.

Trong đó, chỉ thị đưa ra 6 nhóm giải pháp, trước tiên là giải pháp về vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử. Tiếp nữa, chỉ thị đặt mục tiêu cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chỉ thị cũng yêu cầu bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu. Ngoài ra, những giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển ngành du lịch cũng được chỉ thị đề cập tới. Thêm nữa, chỉ thị hướng đến thúc đẩy đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công. Cuối cùng, chỉ thị yêu cầu rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch.

Liên quan khó khăn về nguồn vốn triển khai các dự án kết cấu hạ tầng của 2 đơn vị thuộc siêu Ủy ban, tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có những lý giải chi tiết.

Ông Mai Tiến Dũng: Kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng dù chịu tác động của Covid-19 - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghị định 131 có hiệu lực từ 29/92018, Ủy ban Quản lý vốn nhận bàn giao nguyên trạng 19 tập đoàn, tổng công ty từ 5 bộ, với 259 nhiệm vụ dở dang. Trong đó, có nhiều nhiệm vụ đòi hỏi các đơn vị chủ sở hữu phê duyệt, thông qua trước 2017, nhưng các đơn vị này chưa thực hiện do đang trong quá trình bàn giao. Đáng chú ý, có những dự án rất lớn, thời gian triển khai kéo dài 10 – 20 năm đến nay nảy sinh những vấn đề mới. Cùng với đó, dù được bàn giao nguyên trạng nhưng các thủ tục hồ sơ của những dự án này không đầy đủ. Ngoài ra, ở thời điểm đầu sau khi thành lập, Ủy ban Quản lý cũng chưa thể kiện toàn được nhân sự cho đến 6/2019. 

Sau khi xem xét lại hồ sơ và thủ tục cho các dự án, Ủy ban thấy rằng, với những dự án đầu tư công, thủ tục hồ sơ đã tương đối rõ. Trong khi đó, với một số dự án sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước lại gặp vướng mắc do, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp hoặc Luật chuyên ngành. Chưa kể, khi phê duyệt dự án, có những dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, địa phương hoặc của đơn vị chủ sở hữu. Ngoài ra, với những dự án chưa làm rõ được tính hiệu quả của dự án đầu tư, Ủy ban đều yêu cầu các tổng công ty, tập đoàn phải làm rõ. Bởi nhiệm vụ quan trọng nhất của Ủy ban là đảm bảo hiệu quả đầu tư, bảo toàn và phát triển nguồn vốn, không được để thua lỗ.

Hiện có 5 tập đoàn, tổng công ty đang sử dụng vốn của nhà nước, trong đó có 3 đơn vị vẫn sử dụng nguồn vốn nhà nước bình thường, gồm Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Trong khi đó, 2 đơn vị còn lại Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) và Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có những khó khăn về nguồn vốn để triển khai các dự án kết cấu hạ tầng đường sắt.

Trước khi về Ủy ban hoặc thậm chí là năm ngoái, hai đơn vị này vẫn nhận dự toán ngân sách từ Bộ Giao thông vận tải. Năm nay, có hai luồng ý kiến về giao dự toán ngân sách cho VNR và VEC là tiếp tục giao dự toán như trước đây hoặc theo cơ chế đặt hàng.

Tuy nhiên, theo Nghị định 32, dù VNR có thuộc Bộ Giao thông hay ở Ủy ban thì vẫn phải thực hiện theo quy định các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan thuộc chính phủ đều có quyền đặt hàng các dịch vụ công ích để các đơn vị, doanh nghiệp và thậm chí là cá nhân chỉ cần có pháp nhân đều có thể tham gia đấu thầu để thực hiện.

Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông và Ủy ban quản lý vốn rà soát lại cơ sở pháp lý và có thể xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích lại cách triển khai thực hiện. Do trong Nghị quyết của Quốc hội vẫn ghi “tiếp tục giao vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt cho Bộ Giao thông như các năm trước”. Nếu như vậy, có thể hiểu, dự toán ngân sách các dự án kết cấu hạ tầng của VNR vẫn do Bộ Giao thông thực hiện.

Về vướng mắc của VEC, bà Hà thông tin, trước đây VEC dự kiến vay lại toàn bộ dự toán ngân sách để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng thay vì sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai thực hiện, nguồn vốn này không đủ để thực hiện các dự án, do suất đầu tư cao tốc rất lớn. Sau đó, Thủ tướng đã có quyết định cơ cấu là nguồn vốn cho VEC. Trong khi đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội chưa cho phép chuyển vốn vay lại thành vốn cấp. Do vậy, dù VEC có ở Ủy ban hay ở Bộ Giao thông thì cũng không được giao vốn ngân sách này.

Ông Mai Tiến Dũng: Kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng dù chịu tác động của Covid-19 - Ảnh 4.

Theo Ngọc Hà

Theo NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên