MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Park Hang-seo cấm học trò biện minh cho thất bại, thấy học trò viện lý do, ông dùng tay bịt miệng họ lại

03-09-2018 - 07:30 AM | Sống

Những tiết lộ thú vị về cách cầm quân của ông Park được trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa lần đầu tiết lộ.

ASIAD 2018 đã khép lại với một dấu mốc mới của thể thao Việt Nam nói chung và môn thể thao vua nói riêng. Lần đầu tiên trong lịch sử, đội bóng Olympic Việt Nam xưng ngôi "tứ cường châu lục". Đặc biệt, những thành công của đội tuyển Việt Nam luôn gắn với cái tên HLV trưởng Park Hang-seo.

Là người theo sát HLV Park từ khi đảm nhận cương vị thuyền trưởng của đoàn tàu bóng đá Việt Nam, trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa đã viết cuốn sách “Phong cách quản trị Park Hang-seo: Bí quyết thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc”.

Cuốn sách mới không chỉ kể câu chuyện vận hành đội bóng của Park Hang-seo tạo nên kỳ tích U23 Việt Nam mà còn mở rộng đặc tính quản trị của người Hàn Quốc. Thành công của đội bóng đá U23 Việt Nam tranh cúp AFC 2018 và ASIAD 2018 vừa qua để lại những giá trị và bài học kinh nghiệm sâu sắc từ nhiều góc nhìn khác nhau. Để đi đến thành công, có rất nhiều yếu tố, một trong số đó là cách tổ chức và vận hành, phong cách quản trị của tập thể.

Ông Park Hang-seo cấm học trò biện minh cho thất bại, thấy học trò viện lý do, ông dùng tay bịt miệng họ lại - Ảnh 1.

Chúng tôi xin đăng tải một phần nội dung của cuốn sách, giúp độc giả có cái nhìn chân thực, sâu sát hơn về cách vận hành, quản trị, khích lệ tinh thần của ông Park với những người học trò yêu dấu của mình.

Trong cuộc họp báo sau trận chung kết U23 châu Á, ông nói: "Chúng tôi không bao giờ lấy lý do thời tiết để bào chữa cho thất bại ở trận chung kết". Biết tính cách của cầu thủ Việt rất hay biện minh, ông tìm cách thay đổi.

Mỗi buổi sáng hay tối, sau buổi ăn trưa, ông thường đột xuất kêu một vài cầu thủ lại và hỏi bất ngờ một lý do nào đó, có cầu thủ thì trả lời rõ ràng, nhưng cũng có người biện minh lý do này lý do kia. Ông dùng tay bịt miệng họ lại, không cho nói. Không ít người nhìn ông ngơ ngác, ông gọi người ta lại để hỏi thì phải cho người ta giải thích, nhưng ông lại bịt miệng để không cho nói.

Tôi hiểu ngay ông không muốn cho cầu thủ đó thời gian để biện minh, thay vì biện minh, hãy tìm cách để khắc phục. Ngay trước trận với Qatar, ông tuyên bố: "Ngày mai, nếu thua trận, các anh đừng biện minh lý do gì cả, cũng đừng hối hận".

Khi thấy các cầu thủ chỉ đi giày móng nhựa, ông hỏi thì ai cũng nói sân bãi Việt Nam xấu nên sợ chấn thương, ông chỉ sang một vài cầu thủ đang đi giày móng sắt và hỏi: "Thế mấy cầu thủ kia cũng đi mà có chấn thương đâu?". Trời tuyết nặng hạt, cầu thủ chưa có giày đá tuyết, họ biện minh rằng ai đó chưa gửi tiền.

Ông nói đừng biện minh thế, giày là của các anh và phải tự sắm lấy, chơi bóng 10 năm nay rồi không có giày sao lại đổ lỗi tại ai. Khi biết chưa bổ sung kịp quần áo ấm, sợ các cầu thủ lạnh, ông nói: "Các anh đừng có ỷ vào người khác, các anh cần phải tự trang bị cho mình, Syria người ta nghèo đói, khó khăn, người ta cũng đá đầy quyết tâm kìa".

Khi thấy mọi người nói cầu thủ Đông Nam Á năng lực, thể lực yếu, chỉ đóng vai trò lót đường, ông nói: "Tôi và các bạn thi đấu là để chiến thắng, nếu chuẩn bị một trận đấu để thua thì tốt nhất chúng ta nên ở nhà". Khi ai đó trong ban huấn luyện đưa ra lý do này nọ, ông gạt đi hết, ông nói: "Chỉ vì các anh không chu đáo, không chịu thay đổi tư duy, không thực hiện trước nên nó thế thôi". 0

Tóm lại, chúng tôi không bao giờ cãi tay đôi với ông già, vì lý lẽ của ông luôn sắc bén và ông không bao giờ nhượng bộ cho sự biện minh. Với ông, những lời biện minh cho thất bại là điều không bao giờ được phép tồn tại.

Ông Park Hang-seo cấm học trò biện minh cho thất bại, thấy học trò viện lý do, ông dùng tay bịt miệng họ lại - Ảnh 2.

Trước khi nhậm chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông yêu cầu Liên đoàn cung cấp thông tin chính xác cho ông về số đo chiều cao, trọng lượng cơ thể, tỷ lệ cân bằng cơ bắp và các chỉ số Inbody, số lần tham gia đội tuyển quốc gia, tính cách cá nhân của mỗi cầu thủ.

Kế hoạch của đội được vận hành chi tiết và ông không bao giờ thay đổi nếu không hợp lý, thậm chí dời lịch năm phút cũng không chịu. Trước mỗi trận đấu, khi họp chiến thuật, ban huấn luyện sẽ công bố đội hình chính thức và dặn từng cầu thủ chi tiết trong từng vai trò một.

Trong hầu hết trận đấu, Công Phượng đều được vào sân nhưng vai trò của Phượng liên tục thay đổi. Có khi, cậu được phân công đứng ngay trên sân đối phương để bắt hai hậu vệ của đội bạn không thể tấn công.

Lúc khác, ông bắt Phượng lùi về cánh trái để kèm cầu thủ cánh của họ. Phượng được giao nhiệm vụ như một con chim mồi khi tấn công và là một cầu thủ phòng ngự khi bị phản công. Thậm chí, nhiều trận, Phượng được lệnh đá loằng ngoằng để kiếm vài tình huống sút phạt cố định, thứ mà hiện nay Quang Hải có thể làm chính xác đến 98%.

Trên sân, ông phân công Xuân Trường và Quang Hải là hai người phụ trách sút phạt, một người bên phải, một người bên trái. Tuy nhiên, khi đá thì cả hai sẽ cùng chạy để gây rối cho thủ môn đội bạn vì không biết ai là người thực hiện. Huy sẽ là người tham gia tổ chức tấn công hoặc phòng ngự, vai trò của cậu sẽ được phân công tùy vào cầu thủ đội bạn.

Nhiều khi, Hải được đưa về đá tiền vệ vì đội đang cần người giữ bóng. Trường sẽ phải đổi cánh nhanh sang bên. Đức khi sang cánh trái sẽ phải tham gia phòng ngự hỗ trợ cho Xuân Mạnh vào cuối trận.

Trước trận đấu với Qatar, Đình Trọng được giao nhiệm vụ "bắt chết" cầu thủ số 19, vốn là chân sút châu Phi nhập tịch. Anh ta đã ghi đến sáu trong số bảy bàn thắng của đội bạn. Trọng cười vì cậu quá hiểu lối chơi của nhóm cầu thủ này và cậu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Một trong những thay đổi lớn nhất của đội tuyển lần này chính là phân tích đối thủ. Các cầu thủ của U23 Việt Nam sẽ được nghiên cứu chi tiết từng cầu thủ đối phương: lối đánh chủ lực, đặc tính, phạm vi hoạt động để hạn chế lối chơi của họ và tránh những sai sót không cần thiết.

Với trận gặp Hàn Quốc, nếu không có hai sai sót đơn giản, chúng ta đã có thể thắng vì các cầu thủ Hàn Quốc đều bị U23 Việt Nam bắt bài lối chơi. Trận gặp Iraq, cầu thủ số 5 hậu vệ đội bạn đã hai lần để mất bóng đầy nguy hiểm. Chúng ta hiểu rõ sự vụng về của anh này và tập trung khai khác.

Australia đã phải trả giá đắt vì không hiểu cầu thủ Việt Nam, họ quá coi thường đối thủ khi thay đến bảy chân sút trong đội hình chính. Sai sót này đã không kịp sửa khi Quang Hải tung cú sút chìm, trúng chân cầu thủ đội bạn, khiến bóng lăn vào góc. Biết Australia sẽ chơi bóng bổng vào 1/2 thời gian hiệp hai còn lại, cầu thủ chúng ta được yêu cầu dạt ra hai biên, lót và bắt bóng, không cho đội bạn chuyền thẳng vào giữa sân.

Trận đấu với Qatar là trận đấu được cảnh báo về vấn đề trọng tài. Trước đó, Qatar hạ Trung Quốc nhờ sự ưu ái của trọng tài. Tất cả các cầu thủ được căn dặn cẩn thận khi tranh chấp, bởi chỉ cần chạm nhẹ là chúng ta bị phạt. Nhưng nhờ sự chuẩn bị chi tiết kỹ càng đó, U23 Việt Nam đã chiến thắng.

(Trích sách "Phong cách quản trị Park Hang-seo: Bí quyết thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc" của tác giả Lê Huy Khoa Kanata, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM)

Theo PV

Trí thức trẻ

Trở lên trên