MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Tập Cận Bình chọn chỉ huy thiện chiến nhất cho cuộc chiến chip chống lại Mỹ

17-06-2021 - 20:10 PM | Tài chính quốc tế

Ông Tập Cận Bình chọn chỉ huy thiện chiến nhất cho cuộc chiến chip chống lại Mỹ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đổi mới chiến lược nhằm tự chủ trong ngành công nghiệp chip và Phó Thủ tướng Lưu Hạc được chỉ định phụ trách lĩnh vực này.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc là quan chức kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông có kinh nghiệm trong lĩnh vực giao dịch tài chính và công nghệ. Hiện tại, ông Lưu vừa được chỉ định phụ trách chiến lược phát triển chip thế hệ thứ 3 của Trung Quốc. Cùng với đó, ông Lưu Hạc cũng đang chỉ đạo xây dựng một loạt chiến lược hỗ trợ tài chính và chính sách cho phát triển công nghệ.

Công nghiệp bán dẫn thế hệ mới, vốn phụ thuộc nhiều vào vật liệu và thiết bị hơn so với silicon truyền thống. Hiện tại, chưa quốc gia hay doanh nghiệp nào có khả năng thống trị mảng này, mang đến cho Bắc Kinh một cơ hội tốt để vượt qua các rào cản mà Mỹ và đồng minh đang áp dụng với ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.

Các biện pháp trừng phạt, vốn được đưa ra dưới thời Tổng thống Donald Trump, đang bóp nghẹt ngành công nghệ của Trung Quốc. Nạn nhân của chúng bao gồm nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, từ nhà sản xuất điện thoại thông minh Huawei đến công ty sản xuất chip SMIC. Việc không thể tiếp cận các công nghệ có yếu tố Mỹ khiến Trung Quốc bị bỏ lại phía sau trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Tập Cận Bình chọn chỉ huy thiện chiến nhất cho cuộc chiến chip chống lại Mỹ - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Gu Wenjun, chuyên gia phân tích trưởng tại công ty nghiên cứu ICwise, cho biết: "Trung Quốc là nước sử dụng chip lớn nhất thế giới. Vì vậy, đảm bảo chuỗi cung ứng là ưu tiên hàng đầu. Không phải quốc gia nào cũng có thể kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng nhưng nỗ lực của cả một đất nước chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nỗ lực của một công ty riêng lẻ".

Việc ông Lưu Hạc được cử tham gia vào lĩnh vực này cho thấy tầm quan trọng của chiến lược chip mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Đã từ lâu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn chỉ định ông Lưu, một người được đào tạo ở Harvard, giải quyết các vấn đề được coi là ưu tiên của quốc gia. Phó Thủ tướng Lưu Hạc là người phụ trách đàm phán thương mại với Mỹ đồng thời cũng là Chủ tịch Ủy ban Phát triển và Ổn định tài chính của Trung Quốc. Ông Lưu chịu trách nhiệm kiềm chế rủi ro trong lĩnh vực tài chính trị giá 5.000 tỷ USD của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Vào tháng 5, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã chủ trì cuộc họp của một nhóm "đặc nhiệm công nghệ" nhằm thảo luận về cách phát triển công nghệ bán dẫn thế hệ tiếp theo. Vị Phó thủ tướng 69 tuổi của Trung Quốc, người từng lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm về cải cách công nghệ từ năm 2018, cũng đang giám sát các dự án có thể dẫn đến đột phá trong việc sản xuất chip truyền thống. Dự án này bao gồm phát triển phần mềm thiết kế chip của riêng người Trung Quốc cũng như các công nghệ in tiên tiến phục vụ cho lĩnh vực này.

Ông Tập Cận Bình chọn chỉ huy thiện chiến nhất cho cuộc chiến chip chống lại Mỹ - Ảnh 2.

Trong các cuộc đàm phán thương mại với Chính quyền của Tổng thống Trump, ông Lưu khiến người ta nhớ tới với việc ủng hộ tuyệt đối với chương trình nghị sự của Bắc Kinh. Hiện tại, ông Lưu đang phụ trách cải cách công nghệ, lĩnh vực quan trọng trong kế hoạch kinh tế 5 năm mới nhất của Trung Quốc.

Khoảng 1.000 tỷ USD đã được Chính phủ Trung Quốc chi cho việc phát triển các sáng kiến công nghệ. Một phần trong số đó được chính quyền trung ương và địa phương sử dụng để đầu tư vào một loạt các dự án chip thế hệ thứ 3. Các nhà sản xuất chip và các viện nghiên cứu hàng đầu đều đệ đơn Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin của Trung Quốc để được tham gia vào chương trình phát triển này.

Lịch sử cho thấy Trung Quốc từng rất thành công khi họ dồn toàn lực theo đuổi mục đích. Trung Quốc từng công nghiệp hóa thành công, nắm giữ công nghệ chế tạo bom nguyên tử, đoạt thành tích cao trong lĩnh vực thể thao cũng như phát triển thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Khi chiến tranh thương mại với Mỹ để lộ ra điểm yếu của Trung Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn, quốc gia đông dân nhất thế giới lại một lần nữa quyết tâm làm chủ công nghệ chip. Tuy nhiên, cần thời gian để biết tham vọng của Bắc Kinh có thành công hay không.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên