MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Ông trùm' gia vị Việt: Khởi nghiệp thành bại ở VỐN và CÁCH VẬN HÀNH, với 1,2 tỷ đồng ban đầu, đến nay vẫn chưa phải đi vay ngân hàng một đồng

02-05-2024 - 14:45 PM | Lifestyle

"Với tôi, ngày nào đi làm cũng thấy vui, dòng tiền ổn định, lương và hóa đơn trả đúng hạn, còn mong gì hơn", ông Nguyễn Trung Dũng hạnh phúc chia sẻ.

Khi khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, chúng ta nên sử dụng vốn sao cho hiệu quả? Đây luôn là câu hỏi muôn thuở, là bài toán học búa của các "start-up". Mới đây, ông Nguyễn Trung Dũng - CEO Dh Foods đã có những chia sẻ hữu ích về dòng vốn ban đầu, cách vận hành doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm bản thân, ông Dũng tin đây sẽ là kiến thức, bài học quý giá cho các "start-up" tránh mắc những sai lầm. 

"Ông trùm" gia vị Việt cho biết, vốn ban đầu của Dh Foods chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng. Ông Dũng cũng định khởi nghiệp như những lần trước đây: Thuê văn phòng, tuyển nhân sự, thuê xưởng sản xuất, thuê kho, mua xe tải và triển khai.

Nhưng lần này với số vốn không nhiều, ông Dũng chọn văn phòng mới xây, giá rẻ nhưng không xa trung tâm và chỗ ông ở. Tuy vậy hoàn thiện văn phòng cũng tốn hơn 100 triệu đồng. Về việc sản xuất, ông Dũng và đội nhóm tìm đối tác gia công chứ không tự sản xuất. Bao bì đầu tư làm khuôn loại hũ nhựa và dùng cho nhiều sản phẩm, dùng decal được thiết kế nội dung riêng cho mỗi loại sản phẩm khác nhau.

Song song đó, Dh Foods tìm phương án kho và vận chuyển. Ban đầu, ông Dũng và team cũng đi tìm kho khắp các quận huyện tại TP. HCM, ưu tiên kho giá rẻ. Về phương tiện vận chuyện ban đầu, ông cũng nghĩ phương án mua xe tải nhỏ và thuê 1 thủ kho, 1 tài xế, tính ra cũng ngốn vài trăm triệu đồng.

Vị CEO tâm sự: "Tình cờ một lần nói chuyện với 1 đối tác cũ, bạn nói người quen có mấy xe tải dư và cũng đang làm dịch vụ vận chuyển cho 1 số đối tác. Khi chúng tôi đặt vấn đề hợp tác để đối tác bao trọn dịch vụ kho và vận chuyển, không ngờ đối tác nhận lời ngay. Và như vậy, vấn đề lưu trữ, quản lý hàng hoá tại kho, khai thác đơn hàng, giao hàng đến các điểm bán tại TP. HCM và tỉnh đã được giải quyết.

Đối tác trước đó đã có kinh nghiệm giao hàng cho 1 số siêu thị nên hiểu các quy trình từ booking, dán tem phụ, giao hàng, hồ sơ chứng từ khi giao hàng. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra quy trình giao hàng siêu thị phức tạp, đặc biệt là mỗi hệ thống lại một quy trình khác nhau. Nhiều start-up sau bao nhiêu vất vả mới ký được hợp đồng nhưng theo tôi biết, vì thủ tục quá phức tạp nên không giao nữa, có start-up bị phạt rất nặng và từ bỏ hợp đồng với siêu thị, tự đóng lại con đường phát triển của mình".

'Ông trùm' gia vị Việt: Khởi nghiệp thành bại ở VỐN và CÁCH VẬN HÀNH, với 1,2 tỷ đồng ban đầu, đến nay vẫn chưa phải đi vay ngân hàng một đồng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trung Dũng.

Chấp nhận giao cả những đơn hàng giá trị chỉ 100.000 VNĐ

Ông Dũng tiếp tục tâm sự, thời ông khởi nghiệp năm 2012-2013 - kênh online chưa phát triển nên chỉ còn lựa chọn kênh truyển thống (GT) và kênh siêu thị (MT). Kênh GT tốn kém chi phí, chỉ bán sản phẩm giá rẻ hoặc đã có thương hiệu, đối với start-up thường khó triển khai. Chi phí kho tính theo m2 kho, chi phí vận chuyện tính theo khoảng cách (có thể có phụ phí nếu trọng lượng hay thể tích vượt quá quy định). Như vậy phí vận chuyển tới các cửa hàng tại TP. HCM gần như cố định, cho dù đơn hàng trị giá bao nhiêu.

Ban đầu có những đơn hàng giá trị nhỏ hơn phí vận chuyển, ông Dũng quyết định vẫn giao. Nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ xót tiền hỏi vị CEO tại sao làm vậy? Ông Dũng giải thích với các siêu thị không giao sẽ bị phạt, về lâu dài họ có thể cắt hợp đồng. Ngoài ra, giá trị đơn hàng chỉ 100.000 VNĐ nhưng về sau ông Dũng có niềm tin đơn hàng sẽ lên 1 triệu đồng hay thậm chí 10 triệu đồng, lúc đó chi phí vận chuyển sẽ không thành vấn đề. Và Dh Foods đã giao tất cả các đơn hàng nhận được, cho giá trị rất nhỏ. 

Thời gian đầu chi phí kho và vận chuyển chiếm tới 20% doanh số, sau giảm dần tới 10% và bây giờ về mức rất hợp lý. Đối tác theo ông Dũng nhiều năm, thay đổi kho nhiều lần, cho đến năm 2017, 2018, doanh số Dh Foods đã lên tới vài chục tỷ đồng, cần đầu tư kho chuyên nghiệp, mua thêm xe tải, tuyển thêm nhân viên,… thì đối tác thông báo không dám theo vì quy mô công ty chỉ dám làm nhỏ.

'Ông trùm' gia vị Việt: Khởi nghiệp thành bại ở VỐN và CÁCH VẬN HÀNH, với 1,2 tỷ đồng ban đầu, đến nay vẫn chưa phải đi vay ngân hàng một đồng- Ảnh 2.

Ông Trung Dũng nhớ lại: "Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi tìm và có đối tác lớn, kho hàng chục ngàn m2, xe tải hàng trăm và có mặt tại khắp các tỉnh thành. Dh Foods thông qua đối tác vận chuyển này có thể giao tới từng cửa hàng trên toàn Việt Nam. Hiện trên thị trường, tôi biết có nhiều công ty lớn nhỏ làm 'full' dịch vụ kho và vận chuyển, các bạn có thể chọn công ty phù hợp. 

Ban đầu chi phí vận chuyển tính trên doanh số sẽ cao nhưng qua trọng hơn là bạn không phải đầu tư số tiền lớn ban đầu, không lo tuyển nhân viên kho để quản lý tồn kho, quản lý xe, quản lý tài xế. Những việc đó không đơn giản chút nào và có thể lấy đi hết thời gian và năng lượng của bạn. Tôi nghĩ bạn nên tập trung thời gian, vốn và năng lượng cho những vấn đề quan trọng như tạo ra sản phẩm, marketing và bán hàng. Ngay cả dịch vụ marketing bây giờ cũng có thể thuê bên ngoài".

Chưa phải đi vay ngân hàng dù chỉ là một đồng

Với Dh Foods, cho dù đã cố gắng tiết kiệm nhiều nhất có thể, thuê các dịch vụ bên ngoài nhiều nhất có thể (sản xuất, lưu kho, vận chuyển, kế toán) vậy mà sau 2 năm đã tiêu hết số vốn ban đầu (1,2 tỷ đồng). Để công ty tiếp tục tồn tại và phát triển, chúng tôi cần thêm vốn. Ngân hàng sẽ không cho vay thì kết quả kinh doanh kém, vì không có thế chấp và nhiều vấn đề khác. Trong tình trạng này, nhiều người sẽ đi vay lãi nặng nhưng theo ông Dũng không nên làm vậy vì nhiều khi đó là gánh nặng lâu dài. Lợi nhuận  làm ra không đủ trả lãi xuất vay, chưa nói đến tiền gốc vay sẽ khiến các "start-up" chán nản. 

"Bạn có thể vay gia đình hay bạn bè thân vì đó là những người tin tưởng bạn tuyệt đối, không ép bạn vay lãi cao hay trả sớm (tất nhiên có những trường hợp đặc biệt). Quan trọng là doanh nghiệp của bạn minh bạch, phát triển đều, cơ hội vay tiền sẽ cao hơn. Dh Foods năm đầu tiên doanh số chỉ mấy trăm triệu đồng, sau lên mấy tỷ đồng, rồi 10 tỷ đồng, rồi lên mười mấy tỷ đồng,… 

Khi doanh số lên trên 30 tỷ đồng, chúng tôi bắt đầu cân bằng thu chi, ổn định về dòng tiền và bắt đầu chuỗi tăng trưởng bền vững. Trong 6 năm liên tục công ty tăng trưởng trung bình 50% năm. Cho đến ngày hôm nay, công ty vẫn chưa phải vay ngân hàng một đồng nào. Công ty có dòng tiền ổn định, đủ trả lương thưởng cho mọi người và đầu tư nhà xưởng cho tương lai. Ngay cả về cách đầu tư, chúng tôi cũng chọn phương án tối ưu nhất: Thuê xưởng, tiền tập trung cho hoàn thiện nhà xưởng và máy móc. Nếu chúng tôi mua đất, xây nhà máy hoặc phải vay nợ nhiều, hoặc sẽ không phát triển được nhanh. 

Với tôi, ngày nào đi làm cũng thấy vui, dòng tiền ổn định, lương và hóa đơn trả đúng hạn, còn mong gì hơn", ông Nguyễn Trung Dũng hạnh phúc chia sẻ. 

Nguồn: Facebook Trung Dung Nguyen

Theo Ứng Hà Chi

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên