MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông trùm giáo dục Trung Quốc "ngã ngựa": Từ biểu tượng được ngợi ca đến thời khắc sinh tồn của một trong những tập đoàn giáo dục lớn nhất thế giới

06-08-2021 - 19:12 PM | Tài chính quốc tế

Ông trùm giáo dục Trung Quốc "ngã ngựa": Từ biểu tượng được ngợi ca đến thời khắc sinh tồn của một trong những tập đoàn giáo dục lớn nhất thế giới

Câu chuyện của Yu chính là biểu tượng cho ước mơ của cả 1 thế hệ, rằng giáo dục sẽ là con đường để thoát khỏi nghèo đói.

Yu Minhong từng một lần chia sẻ rằng ước muốn của ông là khi về già sẽ ngồi trên xe lăn, tự đưa mình vào lớp học và dõng dạc tuyên bố trước các sinh viên: "Tôi là nhà sáng lập của ngôi trường này".

Tuy nhiên, ngay lúc này, ở tuổi 58, nhân vật được mệnh danh là "Bố già" của làng giáo dục Trung Quốc lại đang phải chiến đấu cho sự sinh tồn của đế chế mà ông đã gây dựng nên.

New Oriental Education đã được Yu "nuôi dưỡng" từ 1 lớp học nhỏ bé tọa lạc tại 1 tòa nhà cũ ở Bắc Kinh vào năm 1993 thành tập đoàn giáo dục tư nhân lớn nhất ở đất nước đông dân nhất thế giới . Nhưng công ty đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York hiện đang đứng trước nhiều sóng gió sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đẩy mạnh cải cách toàn bộ ngành giáo dục.

Theo đó Bắc Kinh yêu cầu hoạt động dạy thêm, gia sư cho học sinh cấp 1 và cấp 2 phải là hoạt động "phi lợi nhuận" – chính sách đánh thẳng vào "trái tim" mô hình kinh doanh của Yu. Lệnh mới đồng loạt khiến học sinh, giáo viên, các bậc phụ huynh và cả nhà đầu tư trên toàn thế giới sửng sốt. Giá cổ phiếu các công ty giáo dục lao dốc mạnh vì dự đoán lợi nhuận hàng năm của ngành gia sư sẽ giảm từ mức 100 tỷ USD hiện nay xuống còn chưa đến 25 tỷ USD.

Các nhà đầu tư cùng với bạn bè, đồng nghiệp của Yu có 2 câu hỏi quan trọng cần giải dáp. Tại sao công ty của Yu lại trở thành mục tiêu của chiến dịch mới? Và liệu Yu có thể trở lại hay không?

"Cách đây vài ngày Yu nói với tôi rằng ông ấy đang trở thành 1 người đàn ông nghèo vì tài sản bốc hơi quá nhanh. Nhưng đó không phải là điều quá to tát, cuộc đời trước đây của ông ấy cũng đã trải qua nhiều thăng trầm", 1 người thân cận với Yu chia sẻ với Financial Times.

Sự nổi lên của Yu có thể coi là 1 huyền thoại ở Trung Quốc: từ 1 cậu bé nông thôn gia cảnh nghèo khó đến ông trùm kinh doanh nổi danh với vụ IPO đình đám của New Oriental trên sàn NYSE năm 2006. Danh tiếng của ông càng tăng lên sau khi công ty chống chọi tốt với 1 cuộc điều tra từ Ủy ban chứng khoán Mỹ và bị nhà bán khống Muddy Waters tấn công với những cáo buộc gian lận kế toán.

Câu chuyện của Yu chính là biểu tượng cho ước mơ của cả 1 thế hệ, rằng giáo dục sẽ là con đường để thoát khỏi nghèo đói. Đó cũng là triết lý mà New Oriental thường xuyên quảng bá.

Tính đến tháng 5 vừa qua, tập đoàn có khoảng 70.000 nhân viên cùng với 12.000 giáo viên hợp đồng tại hơn 100 thành phố. Tổng cộng kể từ khi thành lập New Oriental đã có gần 65 triệu học viên. Trong các cuộc trò chuyện với sinh viên hay các bài phỏng vấn và phát biểu, Yu thường nói về những khó khăn mà ông đã vượt qua. Bố mẹ ông không biết chữ, ông cũng từng nhiều lần thi trượt, không có đủ tiền để theo học 1 trường đại học danh giá ở Mỹ.

"Ông ấy từng bị chủ nhà trọ đuổi đi vì không đủ tiền trả tiền nhà và phải ngủ ngoài trời. Đêm đó, ước mơ của ông chính là có được 1 căn hộ ở Bắc Kinh", Michael Li, 1 cựu sinh viên nói.

Nhiều sinh viên ngưỡng mộ quyết tâm của Yu. 1 người cho biết Yu chỉ đi muộn duy nhất 1 lần, mà nguyên nhân là do con gái ông vừa chào đời, khiến ông tới trễ 30 phút.

Điều làm nên khác biệt cho các khóa học của New Oriental là rất gần gũi với các bài thi thực tế. Yu gần như trở thành biểu tượng giáo dục và đã có một số người bắt chước ông. Ngoài ra Yu còn tận dụng rất tốt thời cơ từ làn sóng các nhà đầu tư quốc tế hào hứng rót vốn vào những công ty Trung Quốc đang "lớn nhanh như thổi".

Trước khi IPO năm 2006, các ngân hàng thực hiện bảo lãnh (Credit Suisse và Goldman Sachs) định giá cổ phiếu New Oriental vào khoảng 8 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên sau roadshow họ nâng mức định giá lên 15 USD.  

Mặc dù giàu lên nhanh chóng, Yu và vợ vẫn duy trì lối sống giản dị. "Chúng tôi không mua xe sang hay những chiếc du thuyền xa xỉ. Nếu muốn sử dụng du thuyền, tôi có rất nhiều bạn bè có du thuyền", ông nói năm 2009.

Yu cũng rất tích cực tham gia hoạt động từ thiện mà chủ yếu là trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc trẻ em. "Không giống như nhiều nhà từ thiện khác ở Trung Quốc thường muốn kiểm soát toàn bộ khoản từ thiện hoặc chỉ viết 1 tấm séc chi tiền rồi không cần quan tâm gì nữa, Yu sẽ không gắn vvafoddos cá điều khoản ràng buộc miễn là khoản chi đem lại những kết quả thực sự".

Chệch hướng

Tuy nhiên đôi lúc Yu cũng có những phát ngôn quá thẳng thắn, thậm chí nguy hiểm về chính sách của chính phủ và thực trạng xã hội Trung Quốc. Năm 2009, Yu nói rằng cả 1 thế hệ đang phải lớn lên trong môi trường "không hạnh phúc". "Các sinh viên Trung Quốc học tập rất chăm chỉ và đạt điểm số rất cao, nhưng họ không hạnh phúc". Năm 2018, hình ảnh của Yu trong mắt công chúng xấu đi sau những bình luận mang tính khiếm nhã về phụ nữ Trung Quốc được đào bới lại.

Bản thân Yu nhiều lần làm từ thiện cho Đoàn thanh niên và ông cũng là 1 thành viên của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, cơ quan cố vấn chính trị của Trung Quốc. Tuy nhiên, những người thân cận cho biết Yu thiếu đi mối liên hệ với những quan chức cấp cao hàng đầu. Nhiều người cho rằng xét theo bình luận được ông Tập đưa ra từ tháng 3 rằng lĩnh vực gia sư là "căn bệnh kinh niên" của hệ thống giáo dục Trung Quốc thì có lẽ đường lối kinh doanh của Yu đã đi chệch hướng so với phương châm của Chính phủ.

"Nhiều năm nay Yu đã tập trung vào cung cấp các dịch vụ giáo dục vì lợi nhuận và khá tách rời chính sách của nhà nước, điều đó không ổn", 1 cố vấn từng làm việc với Yu nhận xét. Dưới sự lãnh đạo của Yu, New Oriental cạnh tranh trực tiếp với hệ thống trường công cả về giáo viên và học sinh.

Tuy nhiên, theo giáo sư Yuen Yuen của ĐH Michigan, vấn đề rộng hơn là tình trạng tiếp cận không công bằng với giáo dục – điều mà ông Tập đang nỗ lực xóa bỏ. Bản chất của vấn đề là các gia đình giàu có đang được độc quyền tiếp cận các dịch vụ giáo dục cao cấp thông qua các hình thức gia sư, dạy thêm.

Giá trị của 12% cổ phần tại New Oriental mà Yu sở hữu đã giảm mạnh từ gần 3 tỷ USD xuống còn 500 triệu USD. Chưa rõ động thái tiếp theo của ông là gì. Tuần này New Oriental đã hủy bỏ buổi công bố kết quả kinh doanh, lấy lý do môi trường pháp lý không ổn định. Cả tập đoàn và Yu đều từ chối phỏng vấn.

Một số người cho rằng "không còn cửa nào để Yu trở lại", nhưng người khác lại tin rằng "Bố già" sẽ không dễ bị đánh bại như vậy. "Ông ấy sẽ viết lại toàn bộ khái niệm ngành gia sư với nhiều hành vi gắn liền với trách nhiệm xã hội hơn", 1 người bạn thân thiết của Yu nói với Financial Times.

Tham khảo Financial Times

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên