MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trump đã để thua trong chiến tranh thương mại và khiến người Mỹ thiệt hại như thế nào?

12-01-2021 - 14:58 PM | Tài chính quốc tế

Ông Trump đã để thua trong chiến tranh thương mại và khiến người Mỹ thiệt hại như thế nào?

Mỹ đã tự nâng cao chi phí sản xuất hàng hóa của chính mình khi áp thuế lên các linh kiện và nguyên vật liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc.

Năm 2018, khi bắt đầu áp thuế lên khoảng 360 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có câu phát biểu nổi tiếng trên tài khoản Twitter rằng "chiến tranh thương mại là tốt và Mỹ sẽ dễ dàng chiến thắng". Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại có vẻ như cả 2 vế của nhận định trên đều sai.

Kể cả trước khi hàng triệu người dân Mỹ mắc Covid-19 và nền kinh tế rơi vào cuộc suy thoái nặng nề nhất kể từ Đại suy thoái, Trung Quốc vẫn đứng vững trước những "đòn" thuế quan của ông Trump xét theo mọi tiêu chí mà Tổng thống dùng để tính toán hiệu quả của chiến tranh thương mại. Và ngay sau khi Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh, nhu cầu về thiết bị y tế và những đồ dùng cần thiết để làm việc từ xa càng khiến thặng dư thương mại với Mỹ tăng lên bất chấp thuế quan.

Mặc dù không phải căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới bắt nguồn dưới thời Trump, ông đã mở rộng cuộc chiến với mức thuế quan cao chưa từng thấy và liên tiếp ký sắc lệnh trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên cách tiếp cận của ông càng cứng rắn thì câu chuyện càng không đi theo ý muốn. Điểm đáng chú ý nhất là những gì diễn ra trong 4 năm qua là những minh chứng hùng hồn để người kế nhiệm Joe Biden nắm được biện pháp nào sẽ tỏ ra hiệu quả, đối sách nào sẽ không hiệu quả khi đối phó với Trung Quốc.

"Trung Quốc quá lớn và quá quan trọng đối với kinh tế thế giới", Mary Lovely, giáo sư kinh tế tại ĐH Syracuse nhận định.

Thâm hụt thương mại tăng nhanh

Khi tranh cử năm 2016, ông Trump đã cam kết sẽ nhanh chóng "bắt đầu đảo ngược" thâm hụt thương mại với Trung Quốc, phớt lờ những cảnh báo từ các nhà kinh tế học rằng thâm hụt thương mại song phương là vấn đề không quan trọng. Tuy nhiên, thực tế là kể từ đó đến nay thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn không ngừng tăng lên, chạm mốc 287 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2020.

Năm 2019, thâm hụt có giảm so với năm 2018 vì các công ty Mỹ chuyển sang nhập khẩu từ những nước như Việt Nam, nhưng vẫn cao hơn so với mức 254 tỷ USD của năm 2016. Một phần nguyên nhân là do Bắc Kinh cũng áp thuế trả đũa lên khoảng 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, khiến lượng hàng mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc giảm xuống.

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà 2 bên ký kết cách đây 1 năm, Bắc Kinh đã đặt ra lời hứa đầy tham vọng là trong năm 2020 sẽ nhập khẩu một số hàng hóa trị giá 172 tỷ USD của Mỹ. Tuy nhiên tính đến cuối tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc mới chỉ đạt được khoảng 51% so với mục tiêu. Giá năng lượng sụt giảm và những bất ổn của máy bay Boeing là 2 nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại này.

Tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài cho thấy các công ty phải phụ thuộc nhiều như thế nào vào năng lực sản xuất quá mạnh của Trung Quốc, mà đại dịch tiếp tục là môi trường lý tưởng để thể hiện điều đó. Trung Quốc là nước duy nhất có thể tăng năng suất ở quy mô đủ lớn để đáp ứng nhu cầu tăng vọt ở các mặt hàng như thiết bị y tế và thiết bị để làm việc từ xa.

Cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc vẫn trơn tru

Ông Trump đã nhiều lần nói rằng sự kiện Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 giúp nền kinh tế nước này cất cánh "như tên lửa" và điều đó không côn bằng. Nhưng cuộc chiến thương mại mà ông phát động lại trùng thời điểm với 1 chu kỳ bùng nổ khác của cỗ máy xuất khẩu Trung Quốc. Sau khi giảm trong 2 năm liên tiếp 2015 và 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng trưởng đều đặn hàng năm suốt trong nhiệm kỳ của ông Trump. Năm 2019 xuất khẩu sang Mỹ giảm nhưng tổng thì vẫn tăng.

Nhóm 10 nước Đông Nam Á đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong năm 2019. Xu hướng dịch chuyển sang châu Á được dự báo sẽ tiếp diễn trong bối cảnh các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với nhóm các nước phát triển trong thập kỷ tới. Mối quan hệ này còn được củng cố bởi RCEP – hiệp định thương mại được ký cuối năm ngoái mà theo đó 15 nền kinh tế trong khu vực sẽ dần dần dỡ bỏ thuế quan đang áp dụng lên hàng hóa của nhau.

Các công ty Mỹ vẫn ở lại Trung Quốc

Ông Trump từng quả quyết thuế quan sẽ buộc các nhà sản xuất Mỹ chuyển hoạt động sản xuất về quê nhà, và trong 1 bài đăng trên Twitter năm 2019 ông đã "ra lệnh" cho họ "ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm lựa chọn thay thế cho Trung Quốc". Tuy nhiên có rất ít bằng chứng cho thấy 1 sự dịch chuyển như vậy đã diễn ra.

Lượng vốn đầu tư trực tiếp mà các công ty Mỹ rót vào Trung Quốc đã tăng nhẹ từ mức 12,9 tỷ USD trong năm 2016 lên 13,3 tỷ USD trong năm 2019, theo số liệu của Rhodium Group.

Hơn 2/3 trong số hơn 200 nhà sản xuất Mỹ tham gia 1 khảo sát vào tháng 9 năm ngoái cho biết họ không có ý định rời khỏi Trung Quốc. Các công ty Mỹ thường lấy lý do thị trường tiêu dùng của Trung Quốc tăng trưởng vượt trội và khả năng sản xuất rất mạnh của nước này là nguyên nhân khiến họ không thể rời đi.

Cả hai bên đều thiệt hại nặng nề

Ông Trump tin rằng thuế quan đã thúc đẩy kinh tế Mỹ và khiến kinh tế Trung Quốc có "năm tồi tệ nhất trong hơn 50 năm trở lại đây" vào năm 2019. Tuy nhiên, những tác động kinh tế trực tiếp là rất nhỏ nếu đặt trong tương quan so sánh với quy mô của 2 nền kinh tế vì giá trị xuất khẩu giữa 2 bên quá nhỏ so với GDP.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6% hoặc hơn trong 2 năm 2018 và 2019. Theo Yang Zhou, chuyên gia kinh tế tại ĐH Minnesota, trong những năm này thuế quan khiến GDP giảm khoảng 0,3%. Còn ở Mỹ, GDP chỉ bị ảnh hưởng 0,08% trong vùng kỳ. Bên chiến thắng rõ ràng nhất là Việt Nam, nơi thuế quan đã giúp GDP tăng thêm gần 0,2% do làn sóng các công ty dịch chuyển sang Việt Nam.

Người tiêu dùng Mỹ gánh chịu chi phí

Ông Trump liên tục nhắc lại rằng Trung Quốc đang chịu chi phí cuộc chiến. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế sau khi nghiền ngẫm các con số đã bất ngờ phát hiện ra rằng nhìn chung thì các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã không hạ giá sản phẩm để giữ sức cạnh tranh của hàng hóa sau khi thuế quan được áp dụng. Điều đó có nghĩa là chính người tiêu dùng và các công ty Mỹ đã gánh thuế quan.

Theo nghiên cứu của Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia, năm 2018 thuế quan khiến người tiêu dùng Mỹ thiệt hại khoảng 16,8 tỷ USD.

Một mục tiêu khác mà ông Trump đề ra khi áp dụng thuế quan và giảm số hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên vì chuỗi cung ứng đã được toàn cầu hóa, đồng nghĩa các quốc gia chia sẻ hoạt động sản xuất với nhau. Mỹ đã tự nâng cao chi phí sản xuất hàng hóa của chính mình khi áp thuế lên các linh kiện và nguyên vật liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc.

"Vành đai rỉ sét" vẫn "rỉ"

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump cam kết sẽ hồi sinh "Vành đai rỉ sét" bằng cách mang các việc làm trong ngành sản xuất trở về quê nhà. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Số lượng việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ gần như không tăng trong năm 2019. Kể cả những khu vực được coi là quê nhà của những ngành như sắt thép – vốn được thuế quan bảo vệ - cũng bị giảm việc làm. Như vậy chiến tranh thương mại không hề khiến lộ trình phát triển của ngành sản xuất ở Mỹ thay đổi.

Những gián đoạn mà Covid-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 cũng khiến việc tính toán những tác động của thuế quan lên thị trường việc làm và dòng vốn đầu tư trở nên khó khăn hơn.

Trung Quốc tự quyết định tốc độ của chính mình

Chính quyền Trump cho rằng thuế quan sẽ buộc Trung Quốc phải thực hiện những cải cách có lợi cho các công ty Mỹ, và thắng lợi lớn nhất chính là việc Bắc Kinh hứa sẽ cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên dường như nỗ lực tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong 2 năm vừa qua xuất phát từ mong muốn của bản thân Trung Quốc nhiều hơn là do áp lực từ phía Mỹ.

Hơn nữa những cải cách như vậy là hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc.

Từ chiến tranh thương mại đến chiến tranh công nghệ

Giờ đây Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ quyết định liệu Mỹ có tiếp tục theo đuổi chiến tranh thương mại hay không. Trong 1 cuộc phỏng vấn gần đây, ông nói rằng ông sẽ không ngay lập tức dỡ bỏ thuế quan mà thay vào đó sẽ xem xét lại thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

So với thuế quan, 1 cuộc xung đột trên lĩnh vực công nghệ sẽ khiến Trung Quốc lo lắng nhiều hơn. Các lệnh cấm vận và hạn chế xuất khẩu mà Washington áp đặt đã đe dọa đến những công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei và SMIC. Hiện đó là mối đe dọa đối với kế hoạch phát triển kinh tế của Bắc Kinh bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hiện đại hóa và nâng cao thứ hạng trên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên