Ông Trump khiến Mỹ khó khăn hơn để chiến thắng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
Việc tăng thuế khiến Mỹ và Trung Quốc ngày càng xa cách hơn, cản trở Tổng thống Donald Trump tuyên bố một "chiến thắng".
- 10-05-2019Trung Quốc có trong tay những vũ khí lợi hại nào để chiến đấu với Mỹ trên đấu trường thương mại?
- 10-05-2019Chân dung "người gỡ bom chiến tranh thương mại Mỹ - Trung"
- 10-05-2019Di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để né tránh thuế quan khi căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, nhiều doanh nghiệp đã "trễ tàu"?
- 10-05-2019Bữa tối giữa các nhà đàm phán thương mại Mỹ - Trung và quả tạ thuế quan lủng lẳng trên đầu
- 10-05-2019Chứng khoán toàn cầu mất 2,1 nghìn tỷ USD trước cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng xa cách
Theo các chuyên gia, việc tăng thuế từ 10% lên 25% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không giúp ông Trump đẩy nhanh tiến trình đàm phán thương mại như ông chủ Nhà Trắng mong muốn. Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ đáp trả việc đánh thuế của Mỹ, đẩy hai nước vào tình trạng đối đầu căng thẳng nhất kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng.
Việc tăng thuế diễn ra khi phái đoàn thương mại Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục đàm phán ở Washington. Tuy nhiên, việc giải quyết những khác biệt trong vài tuần tới là điều "rất khó" như lời Steve Okun, cố vấn thương mại cấp cao tại công ty tư vấn McLarty Associates nhận định.
"Để Mỹ chiến thắng, để ông Trump có thể tuyên bố chiến thắng, ông ấy cần chứng minh những thay đổi đáng kể của phía Trung Quốc với sở hữu trí tuệ, trộm cắp trên mạng hay việc ép buộc chuyển giao công nghệ mà các doanh nghiệp nước ngoài đang phải chịu đựng", Okun cho hay.
Cũng theo Okun nhận định, những gì Mỹ đang muốn ở Trung Quốc chỉ đơn thuần là lợi ích. Tuy nhiên, về mặt chính trị, rất khó để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đáp ứng những đòi hỏi mà phía Mỹ muốn ở Trung Quốc. Chính vì thế, tiềm năng cho một thỏa thuận thương mại đã giảm đáng kể và các cuộc đàm phán trong tương lai có thể đổ vỡ ngay khi chưa bắt đầu.
Okun không phải chuyên gia duy nhất dự đoán về sự xấu đi trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nick Marro, một nhà phân tích của Economist Intelligence Unit, cho rằng việc tăng thuế có thể làm giật lùi những thành tựu đàm phán mà hai nước đã đạt được trong các cuộc gặp gỡ trước đây.
Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán cho một thỏa thuận thương mại suốt nhiều tháng qua. Các nhà đầu tư cùng giới phân tích hy vọng rằng đôi bên sẽ giải quyết cuộc chiến thương mại bằng các đạt được một số thỏa thuận. Ngay cả Nhà Trắng, mới chỉ tuần trước, cũng hy vọng vào việc đạt thỏa thuận thương mại sau cuộc gặp ngày 10/5 giữa hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc.
"Tôi nghĩ tiềm năng để có được một thỏa thuận thương mại đã giảm đáng kể và nguy cơ cuộc đàm phán đổ bể tăng lên. Việc tăng thuế sẽ xóa đi những thiện chí và động lực mà các bên đã đạt được trong quý đầu tiên và rất khó để quay lại điểm đó", ông Marro nhận định sau khi Mỹ chính thức tăng thuế nhằm vào 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Kịch bản nào cho đôi bên?
Kịch bản tốt nhất mà người ta có thể mong chờ là Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, sự leo thang căng thẳng thương mại cũng làm tăng khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ không bao giờ đạt được một thỏa thuận thương mại.
Stefan Legge, nhà nghiên cứu kinh tế và giảng viên Đại học St. Gallen ở Thụy Sĩ, dự đoán rằng cuộc chiến thương mại sẽ kéo dài chừng nào hai nền kinh tế chưa xử lý được những áp lực. "Trung Quốc và Mỹ có thể lún đủ sâu vào bẫy Thucydides và kết thúc mọi sự hợp tác, Legge cho hay. Bẫy Thucydides là cụm từ được dùng để mô tả sự cạnh tranh của một siêu cường đang tồn tại và một siêu cường đang lên, thường kết thúc trong chiến tranh.
Tuy nhiên, sự bi quan cũng không quá nhiều. Michael Taylor, lãnh đạo cấp cao của Moody’s tin rằng Washington và Bắc Kinh cuối cùng vẫn đạt được thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, trước khi điều đó xảy ra, căng thẳng giữa hai bên là mối đe dọa lớn nhất với kinh tế toàn cầu.
Taylor cũng chia sẻ nhận định này. Theo ông, việc tăng thuế "làm trầm trọng thêm sự không chắc chắn trong môi trường thương mại toàn cầu, làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cược đến tâm lý toàn cầu cũng như sự bi quan".
Dù vậy, thế giới vẫn có chút gì đó để bấu víu. Ngay khi Mỹ tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, phái đoàn thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục tiến hành cuộc đàm phán còn dang dở vào ngày 10/5. Trước đây, việc Mỹ tuyên bố tăng thuế khiến nhiều người lo ngại các cuộc đàm phán được lên kế hoạch trước sẽ sụp đổ nhưng chúng vẫn được tiến hành.
Dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc vẫn là Phó thủ tướng Lưu Hạc, quan chức kinh tế hàng đầu của Bắc Kinh. Phía Mỹ vẫn là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Cả phía Mỹ và Trung Quốc đều chưa tiết lộ nội dung các cuộc đàm phán nhưng việc nó vẫn diễn ra như kế hoạch có thể khiến thế giới có gì đó để hy vọng, dù hy vọng này cũng rất mong manh.