Ông Trump kiên quyết áp thuế 300 tỷ USD hàng Trung Quốc dù các cố vấn đồng loạt phản đối?
Tổng thống Trump khẳng định nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh giúp Washington ở thế trên cơ nếu như xung đột kéo dài.
- 03-08-2019Bloomberg: Giáng đòn "kinh thiên động địa" vào TQ, thực chất ông Trump đang lo lắng và cực kì tuyệt vọng?
- 03-08-2019Tổng thống Trump và Chủ tịch Fed đã đem đến 48 giờ hỗn loạn cho nhà đầu tư như thế nào?
- 02-08-2019Điều gì chờ kinh tế Mỹ sau khi ông Trump áp thuế 300 tỷ USD hàng Trung Quốc?
Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận cho biết quyết định áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mà Tổng thống Trump đưa ra cuối tuần trước thậm chí đã bị các cố vấn của ông phản đối kịch liệt. Tuy nhiên cuối cùng thì ông Trump vẫn thắng thế với lập luận cho rằng thuế quan là cách tốt nhất để Bắc Kinh tuân theo những đòi hỏi mà Mỹ đưa ra.
Về phía Bắc Kinh, không khí cũng đang trở nên rất căng thẳng, làm tăng khả năng Mỹ và Trung Quốc khó có thể đạt được thỏa thuận thương mại trước khi Mỹ hoàn thành cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Tổng thống Trump – người cho rằng Trung Quốc sẽ đợi Mỹ bầu cử xong và hi vọng rằng ông sẽ bị lật đổ bởi 1 người của đảng Dân chủ rồi mới đàm phán thương mại – khẳng định nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh giúp Washington ở thế trên cơ nếu như xung đột kéo dài. Tuy nhiên, các cố vấn của ông cho rằng vòng thuế quan mới sẽ gây tổn hại cho cả kinh tế Mỹ và càng khiến quan hệ Mỹ - Trung xấu đi.
Các cuộc đàm phán thương mại diễn ra ở Thượng Hải tuần trước đã kết thúc chóng vánh và không mang lại nhiều kết quả. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin chỉ có mặt tại Trung Quốc 24 giờ, và tất cả hoạt động của họ ở đây chỉ là 1 bữa tối ngay sau khi đến nơi và 1 cuộc họp kéo dài vỏn vẹn 3 tiếng. Có chưa đến 10 người tham gia cuộc họp này.
Sau khi quay trở lại Mỹ, đoàn đàm phán cùng với các cố vấn cao cấp của ông Trump đã tới phòng Bầu dục để báo cáo với Tổng thống. Lighthizer và Mnuchin cho biết họ đã không thể đạt được kết quả như ông Trump kỳ vọng.
Ông Trump – người có kế hoạch sau đó sẽ tới Ohio vận động tái tranh cử - muốn đảm bảo với những người nông dân (vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc chiến thương mại vì Trung Quốc giảm mua ngô, đậu tương và thịt lợn của Mỹ) rằng chí ít thì ông đã có được cam kết tăng nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc. Thế nhưng Lighthizer và Mnuchin đã làm ông thất vọng.
Ngay sau khi nghe báo cáo, ông Trump đã nhắc tới thuế quan. Trong số những người có mặt ở phòng Bầu dục có cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, cố vấn kinh tế hàng đầu Lawrence Kudlow và cố vấn về vấn đề Trung Quốc Peter Navarro cũng như quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Muck Mulvaney.
Tất cả mọi người, trừ Navarro, đã rất cứng rắn từ chối lời đề nghị áp thuế quan của ông Trump, dẫn đến một cuộc tranh luận kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Bắc Kinh yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ thuế quan nếu muốn họ chấp nhận các yêu cầu mà Washington đưa ra.
Tổng thống Trump nói rằng lòng kiên nhẫn của ông đã hết và vẫn một mực khẳng định thuế quan chính là vũ khí hữu hiệu nhất. Và cuối cùng các cố vấn phải nhượng bộ, giúp ông viết dòng tweet thông báo sẽ đánh thuế mọi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ 1/9.
Các cố vấn của Tổng thống Mỹ cũng thúc giục ông tập trung vào các hiệp định thương mại khác, trong đó có hiệp định với Canada và Mexico đang bị trì hoãn và cần quốc hội thông qua, cũng như với Nhật Bản.
Những người ủng hộ thái độ nhượng bộ Trung Quốc lập luận bất kỳ thỏa thuận nào với Bắc Kinh cũng sẽ dễ dàng bị đảng Dân chủ chê bai là quá mềm mỏng, trong khi thuế quan sẽ kéo lùi kinh tế Mỹ.
TTCK là một trong những yếu tố đầu tiên được ông Trump ưa thích để đánh giá sức khỏe nền kinh tế và cho đến tận trước khi ông tuyên bố áp thuế 10% thì các chỉ số vẫn ở mức cao kỷ lục. Ngoài ra Cục dự trữ liên bang Mỹ còn vừa hạ lãi suất, tạo động lực lớn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên thị trường đã phản ứng khá gay gắt. Phố Wall lao dốc vì triển vọng chiến tranh thương mại kéo dài, và các nhóm kinh doanh cảnh báo thuế quan sẽ tác động tiêu cực lên chi tiêu tiêu dùng.
Các sản phẩm tiêu dùng từng được chừa ra trong những vòng đánh thuế trước – như smartphone, hàng dệt may, đồ chơi và videogame – giờ đây sẽ bị đánh thuế.
Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung, tổ chức đại diện cho các công ty Mỹ đang kinh doanh ở Trung Quốc, bày tỏ lo ngại về những tác động đến các thành viên. Lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ không đủ lớn để áp lượng thuế tương đương, vì thế Mỹ chỉ có thể đáp trả bằng cách "siết chặt luật lệ, kéo dài thời gian cấp phép".
Căng thẳng giữa hai bên đang ngày càng leo thang mạnh. Tuần trước, ngay trước khi hai bên đàm phán, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị buộc tội Washington đứng sau các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Trong khi đó quyết định tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan của chính quyền Trump cũng khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Và Tổng thống Trump vẫn rất tự tin khi đi nghỉ dưỡng ở New Jersey cuối tuần vừa rồi. "Mọi chuyện với Trung Quốc vẫn đang diễn ra tốt đẹp. Họ phải trả cho chúng ta hàng chục tỷ USD, và họ phải phá giá tiền tệ cũng như bơm cả núi tiền để duy trì hệ thống. Cho đến nay người tiêu dùng Mỹ không phải chi trả bất cứ thứ gì, và không có cả lạm phát nữa".