MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trump tiếp tục yêu cầu tòa San Francisco khôi phục sắc lệnh nhập cư

07-02-2017 - 09:02 AM | Tài chính quốc tế

Đơn kháng cáo nộp lên tòa hôm 6/2 phản đối phán quyết chặn sắc lệnh nhập cư của ông Trump cho rằng quyết định của thẩm phán Robart là “overbroad” và do đó không có hiệu lực.

Chính phủ Mỹ sẽ tranh luận trước tòa án San Francisco vào ngày hôm nay (7/2) nhằm khôi phục lại lệnh cấm nhập cảnh đối với 7 nước Hồi giáo mà Tổng thống Donald Trump đã ký nhằm bảo đảm an ninh quốc gia. Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến pháp lý về giới hạn đối với quyền lực của Tổng thống được dự báo sẽ còn kéo dài.

Đơn kháng cáo nộp lên tòa hôm 6/2 phản đối phán quyết chặn sắc lệnh nhập cư của ông Trump cho rằng quyết định của thẩm phán Robart là “overbroad” và do đó không có hiệu lực. Theo luật Mỹ, một phán quyết được xếp vào loại này sẽ là trái với pháp lý hoặc không có hiệu lực vì quá rộng bởi nó phán xét những hành động đã được bảo vệ bởi tuyên ngôn nhân quyền Mỹ hay các quyền đã được liệt kê trong hiến pháp liên bang.

Nhà Trắng nhấn mạnh Quốc hội đã trao cho Tổng thống “quyền tự ý đình chỉ chấp nhận bất cứ loại người nước ngoài nào nhập cảnh vào Mỹ”. Một lập luận khác là người nước ngoài ở bên ngoài nước Mỹ không có quyền để được thẩm phán xem xét lại khi họ bị từ chối cấp thị thực. Đồng thời các bang cũng không có quyền thay mặt họ hành động.

Nhà Trắng cũng nói rằng sắc lệnh của ông Trump không vi phạm quyền của những công dân thường trú được công nhận hợp pháp và “trung tính nếu xét trên khía cạnh tôn giáo”.

Tòa kháng cáo cho phép mỗi bên có 30 phút để trình bày lập luận của mình trong một cuộc hội đàm qua điện thoại. Ngay sau khi cuộc gọi kết thúc, băng ghi âm cuộc tranh luận sẽ được công bố rộng rãi ra công chúng.

Kể từ sau phán quyết của thẩm phán hôm thứ 6 tuần trước, người tị nạn và khách du lịch đã đổ xô tới Mỹ để tận dụng khoảng thời gian trước khi luật lệ thay đổi và cánh cửa vào Mỹ bị khép chặt. 11 ngày sau khi ông Trump ban hành sắc lệnh hôm 27/1, khung cảnh khá hỗn loạn khi một số người bị giữ lại ở sân bay, người dân ở nhiều nơi trên khắp thế giới biểu tình và nhiều vụ kiện nổ ra.

Trước đó, bang Washington và Minnesota đâm đơn lên tòa án Seattle, cho rằng sắc lệnh của ông Trump vi hiến và gây tổn hại cho nền kinh tế của họ. Thẩm phán James Robart đã ra phán quyết tạm thời ngừng thực thi sắc lệnh này trên toàn quốc. Bộ Tư pháp Mỹ sau đó đã nộp đơn kháng án nhưng đã bị bác lần 1. Vào 3h chiều 7/2 theo giờ Mỹ, ba thẩm phán sẽ tiếp tục nghe lập luận từ 2 bang Washington và Minnesota cũng như Bộ Tư pháp.

Dù bên nào thắng cuộc trong vụ kiện này, tranh chấp sẽ quay trở lại tòa ở Seattle, nơi thẩm phán Robart sẽ cân nhắc liệu có bác chính sách của ông Trump trong thời hạn dài hơn hay không.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên