MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Vũ Tiến Lộc: Vui vì vốn cho DNNVV chuyển từ "may sẵn" sang "may đo"

Trách nhiệm khơi thông dòng vốn cho DNNVV thuộc đồng thời 3 nhà: Nhà nước – Nhà băng, các tổ chức tài chính – Doanh nghiệp.

Tiếp cận vốn cho DNNVV khó do đâu? 

Hơn 60% DNNVV không tiếp cận được và không sử dụng vốn ngân hàng, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói tại Diễn đàn "Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho DNNVV", chiều 7/8.

Đây là nghịch lý bởi Việt Nam xếp hạng thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng. Mặt khác, trong năm 2017, DNNVV cũng chiếm đến 21% tổng dư nợ tín dụng.

Nguồn vốn bị tắc, không tiếp cận được với các nơi cần, theo ông Lộc, trách nhiệm thuộc về đồng thời: Nhà nước – Nhà băng và các tổ chức tài chính – doanh nghiệp.

Cụ thể hơn, khung khổ pháp luật từ Nhà nước vẫn chưa thực sự thuận lợi, thông thoáng, chưa giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn vay. Hình thức cho vay phổ biến bằng cách thế chấp tài sản cũng buộc DNNVV vào thế khó. Nguyên nhân, như ông Lộc phân tích, doanh nghiệp trong nền kinh tế số và kinh tế khởi nghiệp không có nhiều tài sản.

Ông Vũ Tiến Lộc: Vui vì vốn cho DNNVV chuyển từ may sẵn sang may đo - Ảnh 1.

"Cho vay bằng hình thức thế chấp tài sản vẫn chiếm lớn, cho vay căn cứ vào sản xuất kinh doanh chưa trở thành cơ chế, chưa trở thành văn hoá tín dụng ở nước ta. Vậy làm sao thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo?", Chủ tịch VCCI cho biết.

Mặt khác, tự DNNVV cũng có phần khiến cho dòng vốn bị tắc. Trên tổng số gần 6 triệu đơn vị kinh tế (tính chung cả trên 5 triệu đơn vị kinh doanh cá thể) thì chỉ có 2 triệu đơn vị đăng ký (trong đó 600.000 là doanh nghiệp), còn lại là hoạt động phi chính thức. Do vậy, việc không minh bạch, thiếu tính chuyên nghiệp, quản trị, là những rào cản lớn để tiếp cận được vốn vay.

"Thiếu minh bạch, thiếu chính xác thì không thể cho vay dòng tiền", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV khẳng định. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp không có quản trị tốt, không có phương án kinh doanh thì không thể nào "tay không bắt giặc".

Ông Vũ Tiến Lộc: Vui vì vốn cho DNNVV chuyển từ may sẵn sang may đo - Ảnh 2.

Ông Cấn Văn Lực

Về tài sản thế chấp, ông Lực nói rằng nó chỉ là điều kiện, tuy nhiên, vì nhiều doanh nghiệp Việt thiếu minh bạch nên ngân hàng không dám cho vay, "nhất là không tài sản".

"Và bản thân DNNVV cũng không có nhu cầu vay, dù lãi suất thấp hay tín chấp, vì không có nhu cầu", vị chuyên gia này cho biết.

Bên cạnh đó, vị này cũng phản bác lại quan điểm tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận vốn tại Việt Nam là quá thấp. Theo đó, nếu ở Việt Nam tỷ lệ không tiếp cận được vốn là 60% thì thế giới là 75%, châu Á tính chung là 40 – 50%.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN dù cho biết DNNVV là đối tượng ưu tiên về lãi suất hay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì không cần thế chấp tài sản đảm bảo nhưng cũng dẫn ra một loạt lý do "khó tiếp cận".

Theo ông, xuất phát từ tình hình chung là biến đổi khí hậu, thiên tai khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, tương tự như ông Cấn Văn Lực, ông Hùng cho rằng các doanh nghiệp này bị hạn chế năng lực quản trị, quản lý, phương hướng phát triển.  

Ngoài ra, nhiều chương trình hỗ trợ của các địa phương, bộ ngành về vốn chưa được triển khai đồng đều. Nhiều chính sách chưa được khả quan.

Sự vào cuộc của cả 3 Nhà

Trở lại nhận xét của ông Vũ Tiến Lộc khi quy trách nhiệm thuộc về 3 nhà, như vậy, sai ở đâu, phải bắt đầu lại từ đó. Nghĩa là, các giải pháp tháo gỡ, đều cần bắt đầu từ Nhà nước – Nhà băng – Doanh nghiệp.

Theo đó, những tồn tại được kể ra cần phải được khắc phục. Trong đó, Nhà nước cần phải cải cách mạnh mẽ hơn về khuôn khổ chính sách và pháp luật, tạo điều kiện cho vay trong thời đại 4.0. Các chính sách cũng cần phải thúc đẩy tương tác giữa doanh nghiệp và tổ chức tài chính.

Về phía ngân hàng, ông Lộc đề nghị cần nỗ lực nhiều hơn trong việc đưa ra các phương thức cho vay mới, các gói vay hỗ trợ cho khởi nghiệp, nông nghiệp, căn cứ vào ý tưởng, phương án kinh doanh.

"Tôi rất vui và khuyến khích nhiều ngân hàng đưa ra cách thức cho vay mới, thúc đẩy tài chính vi mô không dựa vào tài sản thế chấp, áp dụng thông tin giảm thiểu thủ tục. Có hình thức cho vay kiểu "may đo" chứ không phải "may sẵn", ông Lộc nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đưa ra những cam kết khắc phục các tồn tại đang có. Theo ông, trong thời gian tới sẽ có Thông tư hướng dẫn Nghị định 39 và phối hợp các quỹ bảo lãnh DNNVV địa phương cho vay uỷ thác để doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Ông Vũ Tiến Lộc: Vui vì vốn cho DNNVV chuyển từ may sẵn sang may đo - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quốc Hùng

"Các văn bản sẽ được hoàn thiện, đảm bảo chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ. Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố cũng tích cực triển khai hỗ trợ DNNVV thông qua quỹ bảo lãnh địa phương, ngân hàng tại địa phương cũng sẽ phối hợp đồng bộ", ông Hùng thông tin.

Để tiếp cận nguồn vốn bên ngoài, ông Cấn Văn Lực một lần nữa trở lại câu chuyện minh bạch. "Muốn có được vốn, doanh nghiệp cần minh bạch hơn nữa", ông nói. Theo đó, doanh nghiệp cần phải quản trị bài bản hơn và lưu tâm hơn đến quản lý rủi ro.

Mặt khác, ông cũng bày tỏ Nhà nước cần phát triển thêm các quỹ hỗ trợ để tạo nguồn vốn cho đối tượng kinh doanh khởi nghiệp.  

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên