OPEC+ cắt giảm 2 triệu thùng/ngày, giá dầu ngay lập tức tăng mạnh
Nhóm các nhà xuất khẩu dầu quyền lực nhất thế giới vừa đạt đồng thuận về việc cắt giảm tới 2 triệu thùng dầu/ngày, bắt đầu từ tháng 11.
- 05-10-2022EU đồng ý áp trần giá dầu Nga, Gazprom doạ cắt khí đốt cho Moldova
- 24-09-2022Thỏa thuận hợp tác dầu khí trị giá 40 tỷ USD giữa Iran và Nga có gì đáng chú ý?
- 21-09-2022Các nước vùng Vịnh khó có thể giàu lên một lần nữa nhờ sự bùng nổ của giá dầu
- 11-09-2022Mua được dầu Nga giá rẻ nhưng 1 nước vẫn gặp khó trong khâu thanh toán
Bất chấp lời kêu gọi từ Mỹ trong việc bơm thêm dầu để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, OPEC+ vừa quyết định cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày nhằm nâng giá. Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp trực tiếp đầu tiên của nhóm kể từ năm 2020.
Động thái này đánh dấu sự đảo ngược lớn nhất trong chính sách khai thác dầu của liên minh, vốn đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2020 khi nhu cầu sụt giảm do Covid-19. Sau đó, sản lượng đã được phục hồi một phần mặc dù một số quốc gia OPEC+ đang vật lộn để hoàn thành hạn ngạch.
Quyết định này cũng cho thấy những áp lực từ Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm giảm giá nhiên liệu trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới đã không được đáp ứng.
Giá dầu đã giảm xuống khoảng 80 USD/thùng từ đỉnh 120 USD/thùng hồi tháng 6 trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng trước nguy cơ suy thoái toàn cầu. Việc cắt giảm sản lượng trong tháng 11 được kỳ vọng sẽ khiến dầu quay đầu tăng giá.
Ngay lập tức, giá dầu Brent giao sau đã tăng lên 92,82 USD/thùng trong chiều 5/10 theo giờ London. Dầu WTI của Mỹ cũng đã tăng lên 87,37 USD/thùng, cao hơn gần 1%.
Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 4/12.
Các nhà phân tích năng lượng cho biết OPEC+ sẽ khó thay đổi chính sách trong 1 hoặc 2 tháng tới khi thị trường năng lượng đối mặt với sự không chắc chắn xung quanh các lệnh trừng phạt của châu Âu với Nga cũng như các vấn đề về chi phí với bảo hiểm vận tải, giới hạn giá và việc nhập khẩu xăng dầu giảm ở nhiều nền kinh tế.
"Nói cách khác, sứ mệnh của OPEC là đảm bảo một môi trường được định giá phù hợp cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng trong điều kiện hiện tại đi ngược lại với mục tiêu này", Stephen Brennock, nhà phân tích cấp cao tại PVM Oil Associates ở London, nêu quan điểm.
Theo ông Brennock, việc siết chặt hơn nữa nguồn cung, vốn đã eo hẹp, sẽ là một cái tát vào người tiêu dùng. Động thái này chỉ nhằm mục tiêu mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất.
"Nói tóm lại, OPEC+ đang ưu tiên giá hơn là sự ổn định của thị trường", Brennock nói.
Rohan Reddy, giám đốc nghiên cứu của Global X ETFs, cho rằng việc cắt giảm sản lượng này có thể đẩy giá dầu về mốc 100 USD/thùng nếu Covid-19 không gây ra các lệnh phong tỏa quy mô lớn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không trở nên diều hâu một cách bất ngờ.
"Với quyết định này, sự bất ổn có thể sẽ quay trở lại thị trường và bất chấp những lo ngại về khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu, thị trường dầu mỏ đang bị thắt chặt", Reddy nói.
Bên cạnh kịch bản giá dầu trở lại mốc 100 USD, một khả năng khác có thể xảy ra nhiều hơn là giá dầu được duy trì trong khoảng 90-100 USD khi thị trường tiêu hóa các dữ liệu kinh tế.
Tham khảo: CNBC
Nhịp sống Thị trường