MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

OPEC+ đang ‘đánh cược’ với kinh tế toàn cầu

06-10-2022 - 09:09 AM | Thị trường

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman.

Trong lịch sử, chưa bao giờ OPEC+ cắt giảm sản lượng mạnh và nhanh như thế, theo WSJ.

OPEC+ vừa tạo ra một cú sốc với chính phủ phương Tây - những người vốn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ. Theo WSJ, động thái cắt giảm sản lượng dầu thô đến 2 triệu thùng/ngày không khác gì “một cuộc tấn công” vào nền kinh tế toàn cầu, vốn đang rất cần giá dầu thô duy trì ổn định.

Trong lịch sử, OPEC hay OPEC+ chưa bao giờ cắt giảm sản lượng nhiều và nhanh đến như vậy, nhất là trong bối cảnh giá dầu vẫn ngấp nghé mức 100 USD/thùng. Với mức giá này, lẽ ra các nhà sản xuất dầu phải tăng sản lượng chứ không phải ngược lại.

Phá vỡ mọi truyền thống, OPEC+ vừa thông báo sẽ giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày (trên lý thuyết) vào tháng 11. Do rất nhiều thành viên của liên minh này không đạt được sản lượng mục tiêu nên mức giảm thực tế sẽ nhỏ hơn, khoảng 950.000 thùng mỗi ngày. Những quốc gia sẽ tiến hành cắt giảm sản lượng chủ yếu sẽ là Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait.

Trong khoảng 2 năm qua, OPEC+ thường chọn cách tiếp cận “từ tốn”, theo từng giai đoạn để quản lý nguồn cung. Lần này, họ chọn cách “sốc và kinh ngạc”.

Các quan chức OPEC+ không đưa ra lời giải thích nào về lý do tại sao cần cắt giảm ngay lập tức và nhiều như vậy ngoài việc nói rằng họ muốn đi trước diễn biến thị trường. Tăng trưởng nhu cầu dầu sụp đổ? Nguồn cung ngoài OPEC tăng nhanh? Tồn kho dầu của các quốc gia tăng? Không lý do nào trong số này là hợp lý.

Nếu có một điều được xem là chắc chắn thì trong quý IV này, thị trường chắc chắn sẽ thắt chặt hơn. Bằng cách cắt giảm sản lượng quá sớm và nhanh, OPEC+ đang đánh cược với nền kinh tế toàn cầu.

Theo WSJ, việc cắt giảm này sẽ gây ra hậu quả về mặt kinh tế.

Nó sẽ khiến lạm phát kéo dài hơn, buộc Cục Dự trữ Liên bang và mọi ngân hàng trung ương lớn khác phải thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa, làm tăng khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu.

Ngay trong phiên giao dịch ngày 5/10, giá dầu thô Brent có lúc tăng 2,06 USD lên 93,86 USD/thùng – tương đương 2,24%, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,78 USD, tương đương 2,08% lên 88,30 USD / thùng.

Cho đến thời điểm 4 tuần trước cuộc bầu cử giữ nhiệm kỳ của Mỹ, nhiều người tại Washiton coi việc cắt giảm sản lượng lớn và bất ngờ này như một “đòn tấn công” vào chính phủ Mỹ. Việc OPEC+ vội vàng tổ chức họp trực tiếp tại Vienna, thay vì qua video-conference càng củng cố nhận định đó.

Nói với CNN hôm 5/10, Tổng thống Joe Biden cho biết ông “lo ngại” về việc cắt giảm, điều mà ông cho là “không cần thiết”.

Trong nhiều ngày qua, các quan chức chính sách năng lượng, kinh tế và đối ngoại cao cấp nhất của chính quyền ông Biden đã tranh thủ vận động các đối tác của họ ở Trung Đông bỏ phiếu chống lại việc cắt giảm sản lượng nhưng nỗ lực này có vẻ đã thất bại.

Đức Nam

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên