Ôtô "con cóc" hết làm mưa làm gió
Ôtô hạng A (còn được gọi là xe "con cóc" do kích thước nhỏ nhất trong các phân khúc) từng được coi là dòng xe chiến lược của nhiều hãng nhưng nay doanh số sụt giảm mạnh
- 24-07-2022Ôtô cũ đắt tiền hơn... ôtô mới!
- 10-07-2022Tranh thủ mua ôtô trước... tháng "cô hồn"!
- 26-06-2022Loạt xe máy giá siêu đắt, ngốn xăng ngang ôtô ở Việt Nam
Ôtô "con cóc" một thời đem lại nguồn doanh thu vượt trội cho các hãng xe bởi mức giá phù hợp cho những gia đình có thu nhập khiêm tốn, có thể sử dụng để chạy dịch vụ taxi, xe công nghệ...
Không còn được ưa chuộng
Hầu hết các hãng ôtô trong một thời gian dài đều chú trọng phát triển phân khúc xe hạng A. Chẳng hạn, hãng xe KIA có dòng Moring; Hyundai có xe i10 bán ra mỗi tháng hàng ngàn chiếc tại thị trường Việt Nam.
Trước đó, vào cuối thập niên 1990, hãng Daewoo thu hút mạnh mẽ khách hàng khi đưa ra thị trường mẫu xe "con cóc" Matiz có giá bán chỉ khoảng 130 triệu đồng/chiếc. Vài năm sau đó, mẫu xe này được chuyển nhượng sang hãng Chevrolet và có tên mới là Spark với nhiều cải tiến về mẫu mã, kích thước, tính năng. Khi mẫu này được chuyển giao về hãng xe Việt VinFast và nâng cấp toàn diện thành mẫu sedan cỡ nhỏ Fadil, thị trường tiếp tục chứng kiến sức hút của nó khi vượt xa nhiều mẫu cùng phân khúc.
Tuy nhiên, ôtô hạng A giờ không còn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình hoặc người kinh doanh dịch vụ taxi, xe công nghệ. Nhiều khách hàng không hài lòng bởi dòng xe này có kích thước nhỏ, chật chội, công nghệ được trang bị quá ít, dù giá cả khá hợp lý. Nhiều hãng taxi cũng dần chuyển sang lựa chọn những mẫu xe có kích thước rộng rãi, trang bị nhiều công nghệ để đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Ông Ngô Hoàng Thanh - chủ showroom ôtô ở quận Tân Bình, TP HCM - cho hay doanh số kinh doanh xe hạng A toàn thị trường đã sụt giảm nhiều năm qua. Chỉ riêng mẫu Fadil còn bán chạy thời gian gần đây nhờ hãng xe VinFast thường xuyên tung ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá.
"Thời điểm các mẫu Morning, i10 làm mưa làm gió thị trường, nhiều hãng xe Nhật cũng sốt ruột trình làng một số ôtô hạng A, như Honda với mẫu Brio, Toyota với mẫu Wigo... nhưng sau 2-3 năm ra mắt đã phải nói lời chia tay thị trường. Hiện chỉ còn vài mẫu hạng A cầm cự nhưng doanh số ngày càng sụt giảm, chỉ khoảng vài trăm chiếc mỗi mẫu được bán ra mỗi tháng" - ông Thanh cho biết.
Mẫu xe hạng A Brio của Honda phải “tháo chạy” khỏi thị trường Việt Nam từ đầu năm nay
Sức cạnh tranh giảm
Ôtô hạng A tuy có giá khá hấp dẫn, dao động trên dưới 400 triệu đồng/chiếc nhưng nếu so về tính năng, lợi thế với các mẫu xe khác thì mức này không hề rẻ.
Trên thị trường, không hiếm mẫu xe 7 chỗ có giá rất hấp dẫn. Chẳng hạn, mẫu Ertiga của Suzuki chỉ có giá từ 490 triệu đồng/chiếc trở lên, mẫu Toyota Avanza có giá bán ra 548 triệu đồng/chiếc, Mitsubishi Xpander 555 triệu đồng/chiếc. Các mẫu ôtô đa dụng 7 chỗ này không chỉ phù hợp cho gia đình sử dụng mà còn đáp ứng tốt nhu cầu chạy xe dịch vụ, có lợi thế hoạt động trên những tuyến đường ngập nước ở đô thị.
Bên cạnh đó, xe phân khúc B với kích cỡ vượt trội cũng chỉ có giá nhỉnh hơn phân khúc A không nhiều. Ví dụ, Mazda 2 chỉ có giá 480 triệu đồng/chiếc, Honda City 529 triệu đồng/chiếc, Mitsubishi Attrage 375 triệu đồng/chiếc...
Đáng chú ý, vài năm gần đây, xe hạng A còn rơi vào vòng xoáy cạnh tranh với ôtô điện bởi dòng xe "xanh" này có nhiều lợi thế, giá cả chấp nhận được. Trong bối cảnh giá nhiên liệu hóa lỏng tăng cao như hiện nay, xe điện càng được quan tâm nhiều hơn, khiến thị phần xe "con cóc" trên thị trường ngày càng teo tóp.
Doanh số giảm liên tục
Thông tin từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số xe hạng A thời gian qua liên tục giảm mạnh. Chẳng hạn, mẫu Wigo của Toyota trong tháng 5 vừa qua chỉ bán được 9 chiếc và không tiêu thụ được chiếc nào trong tháng 6. Mẫu Brio của Honda ghi nhận doanh số 346 chiếc trong tháng 5, giảm còn 157 chiếc trong tháng 6. Kia Morning trong tháng 5 có 601 chiếc bán ra, sang tháng 6 chỉ tiêu thụ được 257 chiếc...
Người Lao động