MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Parkson còn lại gì ở Việt Nam khi liên tiếp đóng cửa 3 trung tâm?

19-11-2016 - 16:12 PM | Bất động sản

Sau 3 lần tuyên bố đóng cửa, Parkson đã không còn một trung tâm nào tại Hà Nội. Việc cố thủ với mô hình bán lẻ cộng thêm nhiều scandal bán hàng giả, Parkson đã mất nhiều cảm tình của người tiêu dùng tại Việt Nam.

Mới đây, Parkson Viet Tower chính thức thông báo đóng cửa từ ngày 15/12, rút toàn bộ khỏi địa bàn Hà Nội.

Như vậy, chỉ chưa đầy 2 năm với 3 lần tuyên bố đóng cửa, Parkson đã không còn một trung tâm nào tại Hà Nội.

Trước đó, đầu năm 2015, lần đầu tiên Parkson đóng cửa trung tâm thương mại tại Việt Nam. Trung tâm bị đóng cửa là Parkson Keangnam Hanoi Landmark, tại Hà Nội.

Tháng 5/2016, Parkson tiếp tục cho đóng cửa Parkson Paragon tại Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TPHCM.

Ảnh: Vietnamnet.
Ảnh: Vietnamnet.

Sau 3 lần tuyên bố đóng cửa, tại Việt Nam, Parkson còn 7 trung tâm tại 3 thành phố, gồm:

- TPHCM: 5 trung tâm, gồm Parkson Saigontourist (Quận 1), Parkson Hùng Vương Plaza (Quận 5), Parkson C.T Plaza (Quận Tân Bình), Parkson Cantavil Premier (Quận 2), Parkson The Flemington (Quận 11).

Theo nhận xét của nhiều người, Parkson The Flemington hiện rất vắng khách.

- Hải Phòng: Parkson TD Plaza

- Đà Nẵng: Parkson Vĩnh Trung Plaza.

Trước việc rút toàn bộ trung tâm khỏi Thủ đô, việc Parkson có tiếp tục rút 2 trung tâm tại Hải Phòng và Đà Nẵng vẫn còn là dấu hỏi. Theo nguồn tin của chúng tôi, tình hình kinh doanh của Parkson tại Đà Nẵng cũng không khả quan.

Parkson phải liên tiếp đóng cửa, vì đâu nên nỗi?

Parkson là thương hiệu trung tâm thương mại bán lẻ của Tập đoàn Lion, đến từ Malaysia. Việc “đóng đinh” với mô hình Department Store (tạm gọi là siêu thị bán lẻ hàng hiệu), đã khiến Parkson lép vế hơn rất nhiều khi mô hình Shopping Mall nở rộ với những thương hiệu lớn như Vincom, Aeon, Mipec, Crescent Mall…

Một mặt, Parkson phải chia sẻ phân khúc hàng hiệu với một số đối thủ mới gia nhập thị trường.

Mặt khác, chất lượng hàng hóa và dịch vụ của Parkson liên tục vướng scandal khiến nhiều khách hàng dần mất niềm tin.

Mốc 2010, khi các thương hiệu bán lẻ và mô hình Shopping Mall mới gia nhập thị trường, cũng là lúc Parkson liên tục bị đem ra so sánh về chất lượng dịch vụ và vướng nhiều scandal hàng giả.

Những topic “Cẩn thận khi mua hàng ở Parkson” và “Parkson bán hàng fake” liên tục được nhiều người chia sẻ trên các diễn đàn. Trong đó, nhiều khách hàng cũng đưa ra phàn nàn về cung cách phục vụ của nhân viên tại các trung tâm Parkson.

Về vị trí địa lý, Parkson Viet Tower đặt tại Thái Hà, trong khi cách đó không xa, Vincom Phạm Ngọc Thạch chỉ mới khai trương đầu tháng 11.

Theo báo cáo của Savills Việt Nam , trong Quý 3/2016, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ đạt khoảng 1,2 triệu m², tăng 3% so với quý trước và 23% so với cùng kỳ năm trước do sự gia nhập thị trường của hai khối đế bán lẻ với nguồn cung 32.800 m².

Giá thuê trung bình tầng trệt giảm tại tất cả các loại hình bán lẻ.

Tỷ lệ lấp đầy bình quân tăng 1,9 điểm % theo quý nhưng giảm -2,7 điểm % theo năm. Tỷ lệ lấp đầy của trung tâm bách hóa giảm -1,3 điểm % theo quý trong khi cả trung tâm thương mại và khối đế bán lẻ đều tăng lần lượt 2,6 điểm % và 2,1 điểm % theo quý.

“Sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài buộc một số dự án tiếp tục cải tạo và tái cơ cấu mặt bằng bán lẻ”, Savills nhận đinh.

Theo Bảo Bảo

Cafebiz/Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên