MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PayPal rút khỏi Libra: 'Giấc mơ' tiền ảo của Facebook sắp tan biến?

07-10-2019 - 07:45 AM | Tài chính quốc tế

"PayPal đã đưa ra quyết định từ bỏ tham gia vào Hiệp hội Libra vào thời điểm này và tiếp tục tập trung vào việc thúc đẩy các ưu tiên kinh doanh và nhiệm vụ hiện tại khi chúng tôi cố gắng dân chúng hóa truy cập vào các dịch vụ tài chính tới những nhóm khách hàng chưa được phục vụ," một phát ngôn viên của PayPal nói.

Tuần này, dự án phát hành tiền điện tử, Libra đầy tham vọng của Facebook đã phải gánh chịu một tổn thất lớn, khi hãng khổng lồ tài chính PayPal rút khỏi Hiệp hội Libra mà nhiều nhà phân tích nhận định sự việc sẽ đe dọa đến tương lai của dự án này, vốn đang phải chịu rất nhiều áp lực.

Libra là một loại tiền điện tử được phát triển bởi Facebook, nhưng công ty này cho biết hiệp hội Libra sẽ là một tổ chức giám sát tiền tệ độc lập.

Facebook tuyên bố rằng Libra có thể giúp cải thiện quyền tiếp cập của người tiêu dùng vào các dịch vụ tài chính. Nhưng kể từ tháng 6, khi công ty công bố Libra, dự án đã phải đối mặt với sự giám sát và phản kháng mạnh mẽ từ các nhà quản lý trên khắp thế giới, với lo ngại về tác động đối với quyền riêng tư của người tiêu dùng, khả năng nó có thể được sử dụng để tài trợ cho khủng bố và chủ quyền của chính phủ với các loại tiền tệ.

Sự phản kháng đó và khả năng tăng cường giám sát từ chính quyền, có thể khiến các đối tác của Facebook phải tạm dừng ý định "chống lưng" cho Libra.

Ngày 4/10, công ty thanh toán điện tử hàng đầu thế giới PayPal, có trụ sở tại California, Mỹ thông báo rút khỏi liên minh giám sát đồng tiền số Libra.

PayPal rút khỏi Libra: Giấc mơ tiền ảo của Facebook sắp tan biến? - Ảnh 1.

(Nguồn: DPA)

"PayPal đã đưa ra quyết định từ bỏ tham gia vào Hiệp hội Libra vào thời điểm này và tiếp tục tập trung vào việc thúc đẩy các ưu tiên kinh doanh và nhiệm vụ hiện tại khi chúng tôi cố gắng dân chúng hóa truy cập vào các dịch vụ tài chính tới những nhóm khách hàng chưa được phục vụ," một phát ngôn viên của PayPal nói.

"Chúng tôi vẫn ủng hộ khát vọng của Libra và mong muốn tiếp tục đối thoại về những cách làm việc cùng nhau trong tương lai," ông này khẳng định thêm.

Bình luận về quyết định trên của PayPal, hãng tin Bloomberg nhận định đây là "một đòn giáng mạnh vào nỗ lực phát triển tiền kỹ thuật số của Facebook."

Không chỉ có PayPal mà một số thành viên khác của Hiệp hội Libra như Visa, Mastercard cũng bắt đầu có những dấu hiệu dao động có nên hoàn toàn chấp nhận nỗ lực này hay không vì họ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì mối quan hệ tích cực với các nhà quản lý.

Hiệp hội Libra là một nhóm phi lợi nhuận gồm 28 thành viên và các công ty sẽ là "thành viên sáng lập" của những gì được lên kế hoạch để trở thành một giám sát viên độc lập của tiền điện tử . Tổ chức này đã yêu cầu các thành viên này xác nhận lại cam kết của họ đối với dự án vào cuối tháng này.

Trước khi Libra được tiết lộ, các công ty trong hiệp hội đã ký những ý định thư không ràng buộc về việc gia nhập chính thức hiệp hội và đồng ý đưa ra số tiền 10 triệu USD, nhưng tới nay chưa có ai trả bất kỳ khoản tiền nào.

Như vậy, Hiệp hội Libra vẫn là tổ chức có cơ chế thành viên còn khá lỏng lẻo và chưa rõ ràng.

"Rõ ràng, chúng tôi sẽ chỉ hỗ trợ cho Libra nếu nó tuân thủ tất cả các quy định và tôn trọng những gì các nhà quản lý muốn," Jorn Lambert, phó chủ tịch điều hành giải pháp kỹ thuật số cho thành viên hiệp hội, nói với CNN Business sau thông báo ban đầu của dự án vào tháng 6.

"Chúng tôi nhấn mạnh bảo mật, quyền riêng tư và tuân thủ. Tất cả những khía cạnh này là những điểm sáng khi chúng tôi tham gia vào việc này."

Gần đây, Giám đốc điều hành Visa Al Kelly đã nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC: "Đó là quá trình còn quá sớm," đồng thời khẳng định hãng này chưa phải là thành viên của Hiệp hội Libra.

Ông Kelly cho biết Visa đang chờ đợi để xác định liệu các cơ quan quản lý có bày tỏ bất kỳ mối quan tâm nào về Libra hay không trước khi chính thức trở thành thành viên của hiệp hội này.

Nếu các công ty "chống lưng" rút lui, đồng Libra của Facebook sẽ gặp rất nhiều bất ổn. Facebook đang tìm cách thuyết phục người tiêu dùng chuyển từ đồng tiền quốc gia của họ sang đồng tiền kỹ thuật số Libra để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ trên internet. Nhưng nếu không có một mạng lưới các đối tác tài chính đủ mạnh để giúp chuyển đổi các đồng tiền sang Libra cùng hệ thống các nhà bán lẻ toàn cầu chấp nhận nó như một hình thức thanh toán, phạm vi tiếp cận của Libra sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Trước diễn biến không thuận cả bên trong lẫn bên ngoài đối với dự án Libra, ông Dante Disparte, người đứng đầu chính sách và truyền thông của Hiệp hội Libra, đã xác nhận quyết định của PayPal, và khẳng định cuộc họp của Hội đồng Libra đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 14/10.

"Hành trình để xây dựng một thế hệ mạng lưới thanh toán như dự án Libra không phải là một con đường dễ dàng," ông Disparte nói trong một tuyên bố sau khi PayPal rút khỏi Hiệp hội Libra. "Chúng tôi nhận ra rằng thay đổi là khó khăn và mỗi tổ chức bắt đầu hành trình này sẽ phải tự đánh giá rủi ro và phần thưởng như cam kết nhìn thấy là sự thay đổi mà Libra hứa hẹn."

Ông Disparte cũng lưu ý rằng hiện có 1.500 "thực thể" đã thể hiện "sự quan tâm nhiệt tình" trong việc tham gia hiệp hội. Thậm chí, có một số đã ký hợp đồng tham gia hiệp hội.

Trước đó, đầu tháng này, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Nikkei (Nhật Bản), giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cho biết sẽ sẵn sàng trì hoãn việc ra mắt tiền điện tử - hiện đang được lên kế hoạch cho năm 2020.

Ông Bertrand Perez, giám đốc điều hành của Hiệp hội Libra có trụ sở tại Geneva, cho biết "việc trì hoãn một hoặc hai quý sẽ không thành vấn đề." "Điều quan trọng là chúng tôi cần tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý và chúng tôi cần đảm bảo rằng họ ở trên con tàu với chúng tôi và hoàn toàn thoải mái với các giải pháp của chúng tôi."

"Chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi đến từ các cơ quan quản lý ở cả hai bờ Đại Tây Dương và từ các nơi khác trên thế giới," ông Perez nói trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ./.

Theo Việt Đức

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên