MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Petrolimex được gì nếu PGBank sáp nhập với HDBank?

28-04-2018 - 23:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Một kịch bản sáp nhập DaiABank cách đây 5 năm dường như sẽ được HDBank tái hiện với PGBank – ngân hàng do Petrolimex đang sở hữu 40% vốn.

Tuần trước, đại hội cổ đông của hai ngân hàng HDBank và PGBank cùng diễn ra đã thông qua chủ trương sáp nhập PGBank vào HDBank. Đây là thông tin khá bất ngờ với nhiều người, bởi trước đó PGBank được cho là sẽ hợp tác cùng MB sau khi mối duyên cùng VietinBank bất thành dù có tới hơn 3 năm tìm hiểu.

Kế hoạch sáp nhập PGBank – HDBank cũng được hai ngân hàng lên kế hoạch triển khai khá mau lẹ, gói gọn trong 4 tháng. Nếu được cơ quan quản lý chấp thuận, việc hoán đổi cổ phiếu và bàn giao sẽ được đẩy nhanh và chỉ sau tháng 8/2018 thương hiệu PGBank sẽ biến mất trên thị trường. Một kịch bản sáp nhập DaiABank cách đây 5 năm dường như sẽ được HDBank tái hiện với PGBank.

Tham vọng của HDBank

Nói với cổ đông, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank cho biết, việc sáp nhập sẽ giúp cho HDBank có được nhiều thứ, trong đó đáng kể nhất là hệ sinh thái khách hàng đến từ Petrolimex. Cụ thể, HDBank sẽ có khả năng tiếp cận với thêm  hơn 20 triệu khách hàng cá nhân, gần 2.500 điểm bán lẻ xăng dầu và khoảng 4.000 đại lý của Petrolimex.

Và với những tính toán ban đầu, HDBank cho rằng việc sáp nhập trong năm nay có thể giúp ngân hàng tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng và có lãi ngay tổng cộng 4.700 tỷ đồng, chứ không phải mức hơn 3.900 tỷ của ngân hàng không sáp nhập.

Tất nhiên với một ngân hàng có tham vọng, và những người làm chủ còn tham vọng hơn thế, thì kế hoạch kinh doanh của các năm tiếp theo sẽ không chỉ dừng lại ở sự thăm dò hay thận trọng mà chắc chắn sẽ là sự bứt phá, như lời lãnh đạo HDBank đã nói với cổ đông "cách này (ý là việc sáp nhập) sẽ giúp chúng ta bứt phá nhanh hơn trong mảng bán lẻ và sớm đạt mục tiêu ngân hàng bán lẻ hàng đầu". Trong vòng 4 năm tới, HDBank muốn tăng trưởng lợi nhuận bình quân 35 - 40%/năm.

Người quan sát nói gì?

Tại đại hội cổ đông tuần trước, bên cạnh những ý kiến đồng thuận với đề xuất của lãnh đạo HDBank thì vẫn còn những ý kiến trăn trở về việc sáp nhập. Trong đó, sự trăn trở đầu tiên đó là giá cổ phiếu liệu có ảnh hưởng hay không khi mà việc sáp nhập sẽ làm pha loãng giá trị cổ phiếu. Trả lời cổ đông, nữ tỷ phú Phương Thảo cho rằng trên nguyên tắc việc sáp nhập không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, mà cổ phiếu sẽ do thị trường quyết định dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh cũng như triển vọng đối với cổ phiếu đó.

Một trăn trở nữa cũng đến, ấy là tình hình của PGBank liệu có khiến cho ngân hàng bị ảnh hưởng hay không, khi gần đây nhất là thương vụ Sacombank nhận sáp nhập Southern Bank làm cho ngân hàng top đầu của Việt Nam rơi vào khó khăn chồng chất. Tuy nhiên trước vấn đề này, lãnh đạo HDBank cho rằng điều đó không đáng lo ngại vì bản chất PGBank là một ngân hàng nhỏ và "sạch", lại có cổ đông lớn là Petrolimex rất nhiều tiềm lực.

Theo những người có mặt tại đại hội, dường như các lãnh đạo HDBank tỏ ra rất tự tin với việc sáp nhập này. Và sự tự tin đó đã chiếm được niềm tin của hơn 94% số cổ đông có quyền biểu quyết tại đại hội thông qua việc nhận sáp nhập PGBank.

Ở góc nhìn của cơ quan quản lý, theo vị đại diện đến từ Ngân hàng Nhà nước, thì HDBank đã có kinh nghiệm trong việc sáp nhập khi từng thực hiện sáp nhập Dai A Bank và công ty tài chính của Pháp, và chủ trương sáp nhập cũng rất tốt đó là nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh mảng bán lẻ cho HDBank. PGBank dù là ngân hàng quy mô nhỏ và cũng có những tồn tại yếu kém nhưng không quá nặng nề như các ngân hàng khác để có thể ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Do đó, NHNN hi vọng HDBank sẽ có những đánh giá, những biện pháp xử lý để đem lại hoạt động tốt nhất và lợi ích cao nhất cho cổ đông.

Đánh giá về thương vụ này, các chuyên gia phân tích đến từ công ty chứng khoán BVSC cũng đồng tình rằng thương vụ sáp nhập với PGBank sẽ tạo rủi ro pha loãng đối với cổ đông hiện tại của HDB, đồng thời HDB phải gánh thêm 1.950 tỷ nợ xấu (nợ nội bảng và trái phiếu VAMC). Tuy nhiên, với triển vọng tăng trưởng và quy mô hiện tại của HDB, lượng nợ xấu này không phải vấn đề quá lớn.

Và BVSC đánh giá, "về mối quan hệ với Petrolimex, sự hợp tác có thể giúp HDB mở rộng mạng lưới bán lẻ thông qua các khách hàng của Petrolimex, mở rộng hệ sinh thái khách hàng hiện tại (thông qua Vietjetair) và giúp HDB có thể tiếp cận được phần nào lượng tiền gửi thanh toán khá lớn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

PGBank và Petrolimex có được lợi?

Trước khi đề cập tới Petrolimex thì không thể không nhắc tới PGBank. Ngân hàng đã có 3 năm chờ đợi VietinBank để tiến hành sáp nhập nhưng cuối cùng hai bên vẫn không thể tìm được tiếng nói chung và đành phải đường ai nấy đi.

Trong 3 năm ấy, PGBank phải hoạt động cầm chừng để chờ và đợi, cổ đông nhỏ lẻ của ngân hàng cũng sốt ruột khi thấy tình hình chẳng thay đổi khi hết đại hội này đến đại hội khác, đến nỗi tại đại hội năm 2017 họ phải ý kiến rằng nếu không phù hợp thì bỏ sáp nhập với VietinBank để tìm một đối tác khác mà còn làm ăn kinh doanh đem lại lợi ích cho cổ đông. Lãnh đạo ngân hàng lúc đó cũng tâm tư với cổ đông rằng họ sẽ quyết tâm đàm phán để đem lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông.

Và sự quyết tâm ấy đã có câu trả lời. Sau VietinBank, được biết MB và một số đối tác khác nữa cũng tham gia tìm hiểu HDBank, nhưng cuối cùng ngân hàng tìm được tiếng nói chung cùng HDBank. Là một ngân hàng đang nổi lên trong nhóm cổ phần, với cổ đông chiến lược mạnh là Vietjet và dàn lãnh đạo tên tuổi, HDBank đã thuyết phục được tuyệt đối cổ đông của PGBank khi tỷ lệ đồng thuận cho vụ sáp nhập này ở đại hội cổ đông ngày 21/4 vừa qua lên đến 100%.

Trong khi đó Petrolimex, đơn vị sở hữu 40% vốn cổ phần ở PGBank, cũng được đánh giá là có lợi hơn nhiều nếu hợp tác cùng HDBank. Không giống như những sự hợp tác khác, khi họ chỉ nhìn vào hệ sinh thái khách hàng của Petrolimex, tức là nhìn thấy lợi ích một chiều, mà khi kết nối cùng HDBank có nghĩa là Petrolimex cũng sẽ có sự hợp tác với cổ đông lớn của ngân hàng này là Vietjet – công ty đang chiếm gần nửa thị phần hàng không Việt Nam, để cung cấp các dịch vụ do Petrolimex đang triển khai.

Khi được hỏi về quan điểm của Petrolimex ra sao khi hợp tác cùng HDBank trong đại hội cổ đông ngày 28/4, chính lãnh đạo của tập đoàn này cũng thừa nhận, việc tìm kiếm đối tác trong lĩnh vực ngân hàng là điều quan tâm của HĐQT nhằm tối đa hóa quyền lợi và giá trị, khả năng hợp tác của tập đoàn với việc đầu tư vào định chế tài chính trong đó có ngân hàng. 

"Tập đoàn đã tổ chức triển khai một số phương án trong đó có việc bán ra trên thị trường nhưng lãnh đạo Tập đoàn cho rằng việc M&A với một số định chế tài chính có tiềm năng sẽ mang lại lợi ích dài hạn và bền vững cho cổ đông. HDBank là phương án về mặt tài chính ưu việt nhất mà tập đoàn đang tổ chức triển khai. HDBank không chỉ là ngân hàng mà là tổ hợp đơn vị có hợp tác kinh doanh với tập đoàn ở một số lĩnh vực như liên kết việc cung cấp nhiên liệu bay cho Vietjet Air, đây là sự hợp tác hai bên đều rất có lợi" – ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch Petrolimex nói.

Được biết hiện Công ty Cổ phần Nhiên liệu Bay Petrolimex (Petrolimex Aviation) – công ty con của Petrolimex – đang cung cấp nhiên liệu cho các máy bay của Vietjet tại các sân bay lớn bao gồm Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cát Bi (Hải Phòng) với khối lượng khoảng 1.500m3/ ngày. Với con số khai thác hiện nay của VietJet khoảng 385 chuyến bay/ ngày thì tổng khối lượng Petrolimex Aviation phục vụ đến hơn 51% chuyến bay của VietJet. Ngược lại, với tổng khối lượng nhiên liệu Vietjet mua từ Petrolimex Aviation thì doanh thu VietJet đóng góp cho Petrolimex Aviation cũng tới hàng nghìn tỷ đồng.  

Ngoài những lợi ích ấy về kinh doanh, nếu kết hợp với HDBank, Petrolimex cũng sẽ trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này (sau sáp nhập tỷ lệ sở hữu của Petrolimex ở HDBank ước tính khoảng gần khoảng 7%) và sẽ được hưởng những quyền lợi khác như các cổ đông của HDBank, trong đó đáng kể nhất là phần cổ tức sở hữu hàng năm mà không phải nhà băng nào cũng làm được. Trong hệ thống ngân hàng, dù cho giai đoạn khó khăn, nhiều ngân hàng không trả cổ tức thì HDBank vẫn trả cổ tức cho cổ đông từ 4 - 7% và năm 2017 mức cổ tức chi trả cổ tức tiền mặt tới 15% và nếu tính cả cổ phiếu thưởng cho cổ đông thì tổng cộng là 35% - thuộc nhóm có cổ tức cao nhất hệ thống. 

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên