MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Pfizer: Từ ông vua thuốc cường dương Viagra đến đế chế vaccine hàng tỷ USD mùa dịch Covid-19

28-07-2021 - 18:57 PM | Tài chính quốc tế

Pfizer: Từ ông vua thuốc cường dương Viagra đến đế chế vaccine hàng tỷ USD mùa dịch Covid-19

Lần đầu tiên trong lịch sử, đại dịch Covid-19 và Pfizer đã khiến mọi người trên thế giới hiểu rõ hơn thế nào là "vaccine hạng sang".

Năm 2020, thuốc Humira của AbbVie là dược phẩm bán chạy nhất thế giới với doanh thu 19,8 tỷ USD. Thế nhưng tập đoàn dược Pfizer cho biết sản phẩm vaccine chống dịch Covid-19 của họ hoàn toàn có thể đánh bại kỷ lục này trong năm nay bất chấp chúng mới xuất hiện trên thị trường vào cuối năm 2020.

Thật vậy, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021 của Pfizer cho thấy doanh thu vaccine của Pfizer đạt 3,5 tỷ USD, chiếm gần ¼ tổng doanh thu và hiện đang là mảng đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho công ty.

Pfizer: Từ ông vua thuốc cường dương Viagra đến đế chế vaccine hàng tỷ USD mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Tổng doanh thu quý I/2021 của Pfizer đạt 14,6 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và hiện hãng đang có tốc độ tăng trưởng doanh thu thường niên đạt 8%, cao hơn so với mức dự đoán 6% trước đó.

Theo dự đoán, vaccine sẽ chiếm hơn 50% tổng doanh thu của Pfizer trong năm nay. Tập đoàn này ước tính doanh số bán vaccine cho năm 2021 có thể đạt tới 26 tỷ USD, tức chiếm tới 60% nếu so với tổng doanh số năm 2020 và cao hơn 73% so với dự đoán trước đó.

Có thể nói Pfizer đã trở thành một đế chế mới mùa dịch Covid-19 khi vaccine của hãng được săn lùng bởi nhiều quốc gia. Thế nhưng điều không mấy ai lưu ý là Pfizer vốn từng nổi tiếng với dòng thuốc Viagra chuyên chữa trị cho những người yếu sinh lý. Có thể nói chính Viagra đã góp phần không nhỏ làm nên danh tiếng toàn cầu của Pfizer và trở thành nền tảng để hãng dược này vươn tầm lên đế chế Vaccine như ngày nay.

Ông vua thuốc cường dương

Sáng lập vào năm 1849 tại New York, Pfizer ban đầu chỉ là một nhà sản xuất hóa chất nhỏ tại New York. Tuy nhiên cùng với nhiều vụ sáp nhập, doanh nghiệp này nhanh chóng trở thành một trong những tập đoàn dược lớn nhất thế giới với vô số các sản phẩm thuốc, vaccine trong nhiều lĩnh vực của ngành y tế.

Mặc dù là ông lớn trong ngành nhưng có lẽ sản phẩm thành công nhất, đem lại cả về lợi nhuận lẫn hình ảnh cho Pfizer phải kể đến Viagra, hay còn gọi là Sildenafil. Năm 1991, các nhà khoa học của Pfizer vốn nghiên cứu một loại thuốc điều trị cao huyết áp và tim mạch.

Tuy nhiên trong quá trình thử nghiệm, họ lại phát hiện tác dụng phụ làm cương cứng dương vật đến mức đáng ngạc nhiên của loại thuốc mới. Theo đó Viagra làm tăng lưu lượng máu đến dương vật, qua đó trở thành một loại thần dược cho những người yếu sinh lý.

Phát hiện thú vị này đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc nghiên cứu và giúp Pfizer phát minh ra một trong những loại thuốc cường dương nổi tiếng nhất trong lịch sử. Thậm chí khi được tung ra thị trường vào năm 1998, Viagra nhanh chóng trở thành dòng thuốc bán chạy nhất. Chỉ trong 3 tháng mở bán, Viagra đã đem lại cho Pfizer hơn 400 triệu USD và doanh thu hàng năm sau đó đặt tới 1,8 tỷ USD.

Pfizer: Từ ông vua thuốc cường dương Viagra đến đế chế vaccine hàng tỷ USD mùa dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Loại thần dược này cũng được cho là có tốc độ tăng trưởng doanh số nhanh nhất thế giới khi Pfizer ước tính đã có khoảng 62 triệu người sử dụng. Riêng quân đội Mỹ hàng năm phải chi bình quân tới 41,6 triệu USD cho Viagra để cung cấp cho quân nhân. Con số này khá dao động khi trong khoảng 2011-2017, quân đội Mỹ chi tới 294 triệu USD cho Viagra và các loại thuốc trị yếu sinh lý khác.

Theo nghiên cứu khoảng 85% số cựu binh Mỹ gặp các vấn đề về sinh lý do di chứng hậu chiến tranh và hàng năm chính phủ nước này phải chi hàng chục tỷ USD tiền thuốc men cho họ.

Sự thành công của Viagra là dễ hiểu khi theo ước tính của Cleveland Clinic, khoảng 10% đàn ông trên thế giới gặp vấn đề về "cương cứng" và đó là chưa kể đến những trường hợp dù bình thường nhưng vẫn muốn dùng thuốc để tăng "cảm xúc".

Nhờ nhu cầu tăng cao mà giá thuốc Viagra đã tăng từ 15 USD/viên năm 1998 lên đến 65 USD/viên hiện nay.

Nổi tiếng là vậy nhưng Pfizer cũng đối mặt với nguy cơ lớn khi bằng sáng chế của Viagra hết hiệu lực vào năm 2020. Điều này có nghĩa là một loạt hãng dược khác có quyền tiếp cận công thức cũng như sản xuất các loại thuốc tương tự.

Trong khi đây là thông tin tốt với cánh đàn ông do giá thuốc cường dương sẽ hạ thì hãng Pfizer lại chẳng mấy vui vẻ do nguồn thu bị ảnh hưởng.

Đế chế vaccine "hạng sang"

Vaccine của Pfizer là một trong số những sản phẩm sử dụng công nghệ mRNA tiên phong, được cho là có độ an toàn cao hơn cũng như hiệu quả hơn so với phương pháp truyền thống. Tuy nhiên điều khiến Pfizer nổi trội hơn những vaccine mRNA khác là cái mác "hạng sang" của chúng.

Pfizer: Từ ông vua thuốc cường dương Viagra đến đế chế vaccine hàng tỷ USD mùa dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Hãng Pfizer đã chi rất nhiều tiền để quảng cáo và đương nhiên giá vaccine của hãng cũng không hề rẻ cho cái mác "sản phẩm an toàn chất lượng cao cấp". Bình quân mỗi liều tiêm 2 mũi của Pfizer có giá khoảng 39 USD, cao hơn khá nhiều so với mức giá dao động 4,3-10 USD của AstraZeneca vốn cũng dùng công nghệ mRNA.

Hiện nay Pfizer đang là vaccine được dùng phổ biến thứ 2 trên thế giới với 106 triệu liều đã được giao trên toàn cầu và hãng đặt mục tiêu 2,5 tỷ liều cho năm 2021.

Dẫu vậy, chính sách quảng bá vaccine hạng sang của Pfizer lại đang vấp phải một số chỉ trích từ các tổ chức nhân đạo quốc tế.

Năm 2020, trong khi nhiều hãng dược đối thủ chấp nhận giảm lợi nhuận để sản xuất vaccine chống dịch Covid-19 thì Pfizer lại có quyết định bất ngờ. Doanh nghiệp này dự định thu lãi lớn nhờ vaccine bất chấp nhiều nước nghèo có thể chẳng đủ tiền mua sản phẩm đắt đỏ này.

Dù không tiết lộ chi tiết lợi nhuận thu về từ vaccine nhưng những báo cáo dự đoán trước đó cho thấy mảng này có tỷ suất lợi nhuận cao đến 20% hoặc hơn. Điều này đồng nghĩa với việc Pfizer có thể thu về tới 700-900 triệu USD trong quý I/2021.

Việc Pfizer có lợi nhuận lớn từ vaccine Covid-19 và nhắm chủ yếu đến những nước giàu đang khiến Tổ chức y tế thế giới (WHO) bất bình bởi nhiều quốc gia nghèo hiện đang chẳng đủ tiền mua thuốc. Tính đến giữa tháng 4/2021, các quốc gia phát triển đã mua hơn 87% số vaccine phân phối trên thế giới trong khi những nước nghèo chỉ mua được 0,2%.

Tại những nước giàu, tỷ lệ phân phối vaccine là mỗi 1 người trên 4 công dân, trong khi con số này là 1/500 ở những quốc gia thu nhập thấp.

Tổ chức WHO hiện đang hối thúc Pfizer chia sẻ thêm vaccine cho chương trình Covax, vốn được thành lập để phân phối cho những nước nghèo đang vật vã chống dịch. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Pfizer mới chỉ đóng góp 40 triệu liều, chưa bằng 2% tổng số 2,5 tỷ liều mà hãng định sản xuất trong năm 2021.

Về phía các đối thủ, cả AstraZeneca và Johnson&Johnson đều chấp nhận không có lợi nhuận khi bán vaccine nhằm trợ giúp thế giới trong mùa dịch. Đối thủ chính của Pfizer là Moderna thì mới đây đã quyết định tăng giá sau thời gian chấp nhận không có lãi.

Dù cùng phát triển dòng vaccine mRNA nhưng trái với Moderna không có nhiều sản phẩm trên thị trường dược và lãi ít, Pfizer lại là một công ty lớn có thể thu lời từ nhiều sản phẩm khác ngoài vaccine. Thậm chí năm 2020 trước khi vaccine được bán rộng rãi, lợi nhuận của Pfizer cũng đã cao tới 9,6 tỷ USD.

CEO Albert Bourla của Pfizer, người được hưởng mức thu nhập 21 triệu USD năm 2020 đã tự hào tuyên bố hãng có thể đạt doanh thu tới 73 tỷ USD trong năm 2021.

Pfizer: Từ ông vua thuốc cường dương Viagra đến đế chế vaccine hàng tỷ USD mùa dịch Covid-19 - Ảnh 4.

CEO Albert Bourla của Pfizer

Hiện nay mức giá bán quá cao cùng điều kiện bảo quản khắc nghiệt với vaccine của Pfizer đã khiến nhiều nước chẳng thể mua nổi. Ấn Độ dù trải qua đỉnh dịch vào tháng 2/2021 và là nơi đầu tiên phát hiện biến chủng Delta lây lan ra toàn Đông Nam Á cũng chẳng dùng vaccine của Pfizer.

Trên thực tế, chính phủ Ấn Độ từng đăng ký mua vaccine của Pfizer nhưng lại rút đơn vào tháng 2/2021 bất chấp dịch bệnh hoành hành dữ dội và nguyên nhân thì ai cũng hiểu: Quá đắt.

Theo Băng Băng

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên