PGS.TS Cù Chí Lợi: WTO không hỗ trợ được gì cho Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay!
“Người Mỹ có thể khác nhau về quan điểm trong cách giải quyết mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng họ gần như thống nhất rằng Trung Quốc đang là thách thức của đất nước”, PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) nhận định.
- 05-09-2019Chiến tranh thương mại căng thẳng, đây là danh sách các "đại gia" nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam
- 04-09-2019Bloomberg: Chiến tranh thương mại khiến các công ty Việt Nam tăng cường huy động vốn bằng trái phiếu, thay vì cổ phiếu
- 30-08-2019Đừng lầm tưởng Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, những con số này chỉ ra một diễn biến khác!
Ông đánh giá như thế nào về những diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian trở lại đây?
Để trả lời câu hỏi này, tôi phải làm rõ cụm từ "gần đây". Gần đây phải được xét từ 2 – 3 thập kỷ đổ lại. Nghĩa là những căng thẳng ở thời điểm hiện tại là kết cục của sự phát triển quan hệ Mỹ - Trung trong mấy chục năm qua.
Trung Quốc, sau 40 năm cải cách đã có được những thành công to lớn về kinh tế nhờ tận dụng được 2 cơ hội lớn là toàn cầu hoá và sự phát triển khoa học công nghệ. Nhưng 2 cơ hội này lại bắt nguồn từ Mỹ. Trung Quốc đã tận dụng được thị trường, quan hệ với Mỹ rồi từ đó mở rộng ra toàn thế giới. Tất nhiên, ở chiều ngược lại, kinh tế Mỹ cũng được hưởng lợi.
Có thể nói sự vươn dậy, phát triển của Trung Quốc có vai trò cực lớn từ Mỹ trong quá khứ. Nhưng thời điểm này, sự vươn lên của quốc gia này đã mang lại thách thức cho Mỹ. Người Mỹ đã nhận thức được điều này và xem nó như "gậy ông đập lưng ông". Do vậy, quan hệ Mỹ Trung đã trở nên căng thẳng và đặc biệt leo thang dưới thời ông Trump.
Chính sách của Trump, như những gì ông ta thực thi, đang hướng đến một thứ được gọi là tìm lại sự vĩ đại cho đất nước.
Còn với căng thẳng thương mại giữa hai nước, những diễn biến gần đây cho thấy mâu thuẫn của hai cường quốc không hề thu hẹp mà mở rộng ra. Nó nằm trong chiến lược, kịch bản dài hơi đã được lên kế hoạch.
Bởi ban đầu căng thẳng chỉ là câu chuyện của tấm pin mặt trời, thép, sau đó lan sang mất cân bằng thương mại rồi mở rộng thành vấn đề về công nghệ... Nó sẽ phức tạp hơn rất nhiều trong tương lai.
Do vậy, những gì mà Trump thể hiện trong những ngày vừa qua chỉ là một phần trong một chuỗi kịch bản tham vọng của ông ta.
Vậy toan tính của Tổng thống Trump là gì?
Tổng thống Trump nói về rất nhiều vấn đề khác nhau nhưng tựu chung đó là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo quan điểm của tôi, ông ta hướng đến kìm chế sự phát triển của Trung Quốc về mặt kinh tế lẫn những tham vọng địa chính trị, sức ảnh hưởng của nước này.
Để đạt được mục tiêu đó, như tôi đã phân tích, Trump đã khởi động từ những vấn đề rất nhỏ rồi loang dần ra các lĩnh vực khác nhau.
Trung Quốc vừa qua đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại quốc tế WTO, động thái này có hàm nghĩa gì?
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc làm như vậy trong giai đoạn gần đây. Tôi cho rằng việc Trung Quốc đệ đơn lên WTO cho thấy họ gặp khó khăn trong đối thoại song phương với Mỹ. Họ muốn tìm kiếm thêm sự ủng hộ của diễn đàn đa phương.
Dù vậy, có thể nói rằng WTO không hỗ trợ được gì cho Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay. Nó có một số vấn đề: Thứ nhất, các vụ kiện đệ trình lên WTO trước đây rất nhiều, nhưng ngay cả những vụ rất nhỏ cũng mất vài năm để giải quyết mà vấn đề Mỹ - Trung lại quá phức tạp. Ví dụ như việc đánh cắp công nghệ, sở hữu trí tuệ mà WTO trước nay chưa có kịch bản.
Thứ hai, tại WTO, những người ủng hộ quan điểm của Mỹ rất nhiều. Mặt khác, với Mỹ, WTO không quan trọng lắm, thậm chí Tổng thống Trump còn muốn rút khỏi tổ chức này.
Do đó, khi Trung Quốc sử dụng kênh WTO chỉ là một cách làm truyền thống và cho thấy họ có sự bế tắc nhất định trong đối thoại với Mỹ.
Nhưng có một điểm lạ là cho dù căng thẳng leo thang, đàm phán có lúc rơi vào bế tắc thì cánh cửa đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa lần nào bị đóng hoàn toàn. Tại sao vậy?
Sự lên xuống, căng chùng trong quan hệ hai nước phải được hiểu là sự khởi đầu cho cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ Trung trong giai đoạn tới. Do vậy, người ta cần đến nhiều thủ thuật khác nhau trong đàm phán để hướng đến mục tiêu của mình.
Cả hai bên chưa bao giờ đóng lại kênh đàm phán có một số hàm nghĩa:
Thứ nhất, Mỹ và Trung Quốc vẫn có lợi ích riêng với nhau trong cuộc chơi cho dù cạnh tranh khốc liệt. Họ cũng phải tính toán kỹ để cuộc chiến không thể có tổng bằng không. Lợi ích vẫn đạt được trong khi thiệt hại trong mức độ cho phép. Đó mới là bài toán cân não.
Thứ hai, mặc dù cánh cửa đàm phán không đóng lại nhưng tôi cho rằng nó không có nghĩa hai bên sẽ đi đến được một thoả thuận. Thoả thuận có thể có hoặc không bởi lợi ích của hai nước là quá lớn và quá phức tạp và khác biệt, liên quan đến thành bại quốc gia nên đàm phán sẽ luôn diễn ra để đi đến ích lợi cao nhất.
Như phân tích của ông thì vòng đàm phán tháng 10 sắp tới có vẻ sẽ không có nhiều thay đổi?
Tôi chưa nhìn thấy tín hiệu lạc quan nào cho vòng đàm phán sắp tới. Cả hai nước vẫn còn rất nhiều tham vọng và khác biệt trong câu chuyện này. Họ cũng chưa bị đẩy hẳn đến chân tường để đi đến một thoả thuận. Đó là vấn đề liên quan đến đại cục.
Còn nhìn ở khía cạnh nhỏ hơn thì phải hiểu tháng 10 là thời gian Trung Quốc kỷ niệm 70 năm lập quốc. Họ sẽ tổ chức duyệt binh lớn, tuyên bố với thế giới là Trung Quốc đang lớn mạnh như nào. Trong bối cảnh đó, họ không thể nào đưa ra một thoả thuận để phương Tây nhận định Trung Quốc là yếu đuối phải nhượng bộ.
Mỹ thì còn khoảng 1 năm nữa đến bầu cử. Cũng không có gì quá vội vàng để Trump đưa ra một thoả thuận nào. Do vậy, vòng đàm phán sắp tới theo tôi chỉ là thời gian hai bên ngồi lại với nhau mà thôi.
Nó có nghĩa là trong tương lai gần, hai quốc gia này không bên nào chịu xuống nước?
Chính xác là như thế. Phía Mỹ đã thể hiện rất quyết tâm trong câu chuyện này mà dễ nhìn thấy nhất là những phát ngôn của Trump. Ông Tập Cận Bình cũng đã kêu gọi Trung Quốc trường kỳ đấu tranh. Do vậy, tôi nghĩ rằng đến năm 2020 khi bầu cử Mỹ diễn ra cũng không phải là dấu mốc cho thoả thuận nào.
Chiến tranh thương mại được Trump sử dụng như một quân bài thể hiện bản lĩnh của ông ta. Có thể nước Mỹ bị thiệt hại nhưng là cơ hội của Trump. Bởi phải hiểu rằng trong quan hệ Mỹ - Trung, người dân Mỹ có thể khác nhau về quan điểm cách giải quyết nhưng gần như đều thống nhất sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức với Mỹ.
Và nếu với quan điểm như vậy, trong trường hợp Trump chứng minh được ông ta lấy lại vị thế của đất nước, đòi lại công bằng, lợi ích cho người Mỹ, ông ta sẽ ghi điểm với cử tri.
Năm 2020 có là sức ép để đi đến thoả thuận hay không thì tôi nghĩ là không. Trừ khi Trung Quốc chấp nhận hết các yêu cầu của Mỹ, nhưng điều đó đâu có khả dĩ!
Giả sử Trump không tái đắc cử, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có đi theo một đường lối ôn hoà hơn?
Như tôi đã phân tích, cơ bản người Mỹ có sự đồng thuận cao về những thách thức đến từ Trung Quốc. Có một số nhóm muốn sử dụng biện pháp ôn hoà hơn nhưng nhìn chung cả đảng Cộng hoà và Dân chủ đều thống nhất rằng cần những giải pháp mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. Có ứng viên của đảng Dân chủ còn đưa ra các quan điểm cứng rắn hơn cả Trump.
Cho nên một kịch bản mà một lãnh đạo khác thay thế Trump ôn hoà hơn với Trung Quốc không phải là không có nhưng rất ít. Vấn đề cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn được duy trì, dù có Trump hay bất cứ ai là ông chủ Nhà trắng.
Quan hệ Mỹ - Trung không thể xuống thang trong thời gian ngắn, vậy tác động đến Việt Nam như thế nào?
Những căng thẳng này phức tạp không chỉ với Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác. Nó không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn cả mặt chính trị, an ninh.
Thứ nhất, về mặt kinh tế, quan điểm của tôi là chưa bao giờ xem chiến tranh thương mại là cơ hội cho Việt Nam. Có thể một vài doanh nghiệp, một vài lĩnh vực nào đó hưởng lợi nhưng bức tranh tổng thể thì không.
Việt Nam là nền kinh tế có sự phụ thuộc cao vào kinh tế toàn cầu với độ mở lên đến 200% GDP. Thương mại giữa Việt Nam và Mỹ chỉ là 1/4 trong tổng xuất khẩu, nếu kinh tế toàn cầu suy giảm thì dù xuất khẩu mạnh mẽ sang Mỹ cũng không bù đắp được.
Mặt khác, khi lo ngại tăng cao về chiến tranh thương mại cũng dẫn đến sự bất an của doanh nghiệp, tác động không tốt đến đầu tư.
Đấy là bức tranh vĩ mô, còn nếu nhìn nhận cụ thể hơn, khi chiến tranh thương mại đến giai đoạn cao trào, nó có thể gây ra những sự chia rẽ nhất định. Ví dụ Mỹ sẽ khắt khe hơn với hàng hoá mà một phần trong đó có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Với những tình huống như vậy thì việc làm ăn của doanh nghiệp Việt sẽ rất khó khăn.
Nhưng một số công ty nước ngoài, trong đó có công ty Mỹ đã dịch chuyển sang Việt Nam?
Phải nhìn nhận đó là công ty nào, quy mô bao nhiêu. Những tập đoàn lớn như Apple, họ đã đầu tư ở Trung Quốc, nay dịch chuyển sang một nước khác là rất phức tạp từ hạ tầng, nhân lực đến nguyên liệu đầu vào. Họ có thể chuyển đi một số dây chuyền thôi.
Họ cũng đang đánh giá vì chuyển sang Việt Nam chưa hẳn đã tốt do chúng ta có nhiều hạn chế về hạ tầng, nguyên liệu cung ứng. Có một số công ty chuyển sang rồi, nhưng các công ty lớn đa phần chỉ đặt vấn đề thế thôi, còn thực tế thế nào còn phải chờ đợi thêm.
Lúc nãy ông có đề cập đến ảnh hưởng của căng thẳng Mỹ - Trung không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh tế. Vậy những nước thứ ba sẽ phải ứng xử như thế nào khi đứng giữa "cơn giận dữ" của hai "gã khổng lồ"?
Khi Mỹ và Trung Quốc trở thành hai cường quốc hẳn nhiên họ muốn có một tập các nước đồng minh thân cận. Câu chuyện này là điều bình thường trong cạnh tảnh quốc tế nhưng nó cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp đối với các nước ở giữa.
Khi căng thẳng xảy ra, một quốc gia khác sẽ gặp nhiều khó xử trong việc "cùng chơi" với hai ông lớn. Các nước trong khu vực hiện nay cũng đang rất lo lắng trong việc đứng về phía nào.
Đấy là câu chuyện khó khăn nhất.
Nhưng khó khăn đó có thể nhìn thấy lâu dài. Khó khăn thứ hai và thường hay xảy ra là các nước lớn dù căng thẳng với nhau nhưng không trực tiếp đối đầu, thay vào đó, họ đẩy sang một lĩnh vực, một khía cạnh khác ở những nước nhỏ.
Ví dụ một nước đứng về bên A, một nước đứng về bên B, cuối cùng, dưới sự tác động của hai ông lớn A, B, hai nước kia xảy ra mâu thuẫn với nhau. Điều này thường xảy ra rất nhiều trong thực tế và được biết đến với tên gọi "chiến tranh uỷ nhiệm".
Vậy làm thế nào để các nước ở giữa có thể giữ được sự yên ổn trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang không ngừng?
Việc cân bằng giữa các nước lớn phải nói là rất khó, đặc biệt ở những nước nhỏ, rất dễ bị tác động bởi "bão lớn". Phải làm gì, thì tôi cho rằng có một nguyên tắc rất hay của Việt Nam là không đi với nước nọ để chống lại nước kia. Đó là một nguyên tắc rất quan trọng. Tất nhiên, trừ những thứ liên quan đến chủ quyền, vì đây là yếu tố tối cao, nhưng chính sách thực hiện phải rõ ràng.
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung phức tạp, rất cần có sự linh hoạt. Mặt khác, ngoài việc cân bằng về kinh tế, ngoại giao, an ninh với các nước lớn, các quốc gia nhỏ cũng cần tăng thêm giá trị của bản thân.
Cảm ơn ông!
Trí Thức Trẻ
- Con số bất ngờ lý giải tại sao Trung Quốc lại muốn thỏa thuận thương mại
- Lộ trình đánh thuế của ông Trump đã đi từ kế hoạch bài bản đến mớ bòng bong hỗn loạn như thế nào?
- Điêu đứng vì thương chiến, nông dân Mỹ phá sản nhiều kỷ lục
- Ông trùm đầu cơ Mỹ cảnh báo sau chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ sẽ là chiến tranh vốn
- Ông Trump dọa tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận thương mại