Phác thảo kế hoạch doanh số 5 năm tăng từ 3 tỷ lên 21.600 tỷ, startup môi giới giáo dục của nữ MC truyền hình bị cả 5 shark từ chối vì lý do bất ngờ
Hoài Trinh đến Shark Tank để gọi vốn 200.000 USD đổi lấy 10% cổ phần công ty và cho biết nếu các Shark đầu tư cho anyLEARN, công ty sẽ ghi tên các Shark vào danh sách cổ đông danh dự.
- 16-06-2022Startup làm "đồ bộ lai chăn bông" lên Shark Tank khi chưa có đơn hàng: Sau 24h bán sạch hàng đã chuẩn bị, 2 năm sau lọt top 5 "bom tấn" doanh thu
- 14-06-2022Màn gọi vốn khó tin nhất 5 mùa shark tank: ứng dụng hẹn hò không có doanh thu mời các shark đầu tư với định giá 147 triệu USD!
- 13-06-2022Điều ít biết về doanh nghiệp đứng sau thương hiệu Richy và Karo thường được Shark Phú tự hào quảng bá trên Shark Tank
Startup thứ 3 đến với chương trình là Jolie Đặng (Đặng Thị Hoài Trinh) – Nhà sáng lập và điều hành của anyLEARN. Theo lời giới thiệu của Hoài Trinh, anyLEARN là nền tảng kết nối giáo dục hàng đầu với slogan “học không giới hạn”.
Hoài Trinh từng là MC truyền hình, có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, 11 năm kinh nghiệm làm mẹ và 6 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục.
Cô nhận thấy còn những thực trạng trong trong giáo dục như học sinh đôi khi mất phương hướng trong học tập, học sinh bị căng thẳng, áp lực và trầm cảm, học sinh học trái ngành nghề… Những trăn trở đó cùng với việc nhận thấy thị trường đang có 23 triệu học sinh sinh viên, tương đương mỗi năm phải chi ra khoảng 23 tỷ USD để đầu tư cho giáo dục, chị cùng đội ngũ đã quyết định phát triển dự án nền tảng kết nối giáo dục anyLEARN – học không giới hạn với mong muốn định hướng đúng đắn ngay từ đầu cho học sinh, giúp học sinh có một lộ trình phát triển trong sự vui vẻ, hạnh phúc, học đúng được sở trường, đam mê.
“Từ đó, rõ ràng tương lai chúng ta sẽ có một lực lượng lao động chất lượng cao, nhân tài để phát triển cho đất nước” – Hoài Trinh nói.
Trả lời thắc mắc của Shark Liên và Shark Hưng về điểm đặc biệt của dự án, Hoài Trinh cho biết anyLEARN định vị mình là nền tảng kết nối giáo dục hàng đầu, công ty đang làm việc với những đối tác là những tập đoàn giáo dục lớn.
“Có 3 điều mà anyLEARN đang cam kết, thứ nhất là đảm bảo chất lượng của đối tác, bởi vì là mỗi đối tác của anyLEARN đều qua 4 bước chọn lọc, bao gồm truyền thông, pháp lý, tài chính và thương hiệu; thứ 2 nữa là các khóa học cũng đều sẽ được đánh giá chất lượng, khi các lớp học và khóa học hiển thị thì sẽ có 4 bước đánh giá, bước đầu tiên là đội ngũ của anyLEARN, sau khi thẩm định xong thì họ sẽ có một đánh giá để lại, bước thứ 2 là đội ngũ chuyên gia là những hiệu trưởng, là những giảng viên, là những chủ trường, họ đánh giá, bước thứ 3 nữa là chỉ có những người đã đăng ký, đã booking và học thì sau đó mới để lại đánh giá, bước cuối cùng là chúng ta sẽ đo lường thông qua độ yêu thích, tương tác của cộng đồng” – Hoài Trinh giải thích. Cô cũng cho biết anyLEARN thu tiền từ ngân sách mà các trường đang chi ra cho việc truyền thông và tuyển sinh của họ.
Lúc này Shark Hưng chỉ ra một bài toán khó giải cho anyLEARN khi có sự cạnh tranh không bình đẳng trong nền tảng này bởi có thể các trường ký hợp tác và trả tiền sẽ được lên hạng cao hơn trong app (ứng dụng) so với các trường không trả tiền. Hoài Trinh cho biết, anyLEARN vẫn tư vấn cho phụ huynh các trường công lập và sẽ tư vấn bổ trợ thêm nhiều môn phụ khác phù hợp theo từng giai đoạn.
Trả lời câu hỏi của Shark Bình về kênh tìm khách, Hoài Trinh cho biết anyLEARN chạy song song trên cả online (trực tuyến) và offline (trực tiếp), bên cạnh nền tảng quảng bá và kết nối thì anyLEARN vẫn có những văn phòng đại diện để tư vấn cho phụ huynh. Shark Bình nhận xét, bản chất của startup là đi môi giới cho các cơ sở giáo dục, nên “long mạch” là đặt ở bán hàng nhưng Hoài Trinh vẫn chưa nói được mình giỏi bán hàng ở chỗ nào và đội ngũ sales (bán hàng) ra sao.
Hoài Trinh chia sẻ, anyLEARN không tuyển đội ngũ sales về để bán hàng mà sẽ có các chuyên gia tư vấn và định hướng giáo dục. Sau khi chuyên gia đã vẽ ra một sơ đồ là học sinh nên học gì, như thế nào thì các admin sẽ hướng dẫn khách đăng ký. Bên cạnh đó, chị cũng marketing offline bằng cách tiếp cận các cộng đồng doanh nhân – những khách hàng tiềm năng của anyLEARN và thêm một cách nữa là chia sẻ tệp khách hàng với các trường.
Về câu hỏi số phần trăm chi phí hoa hồng anyLEARN thu của đối tác mà Shark Hùng Anh đặt ra, Hoài Trinh cho biết đối với những trường hệ chính quy thì phí hoa hồng là 10%, với các sản phẩm công nghệ (phần mềm học online) có thể lên đến 70%.
Shark Liên cho rằng tiêu chí và định hướng của startup rất đáng khuyến khích nhưng đường đi nước bước chưa chuẩn. “Ở đây em đang gọi một số vốn mà chị không hiểu em dựa vào đâu để em tính toán. Em đưa lên đến 1,8 triệu mà em chưa có gì trong tay cả. Làm sao các Shark có thể đi theo em được. Rất tiếc chị không thể đầu tư cho em được” – Shark Liên kết luận.
Shark Hưng nhận xét thêm, mô hình kinh doanh của startup đang có Conflict of Interest (xung đột lợi ích). “Bạn sẽ không giữ vị trí trung lập khi tư vấn trường đó cho phụ huynh học sinh mà nó bị xung đột lợi ích bởi chuyện nhà trường đó trả hoa hồng cho bạn. Bạn đang là Sellers Agent – tức là đại diện cho bên bán chứ không phải đại diện cho bên mua, bạn không phải là Buyers Agent bảo vệ và mang lại quyền lợi cho người mua là cha mẹ học sinh. Vì vậy nó sẽ có sự xung đột” – Shark Hưng nhận xét.
Trước khi đưa ra kết luận, Shark Phú hỏi thêm Hoài Trinh về đội ngũ và tổng số vốn mà chị đã đầu tư cho startup. Hoài Trinh cho biết mình có 3 co-founder (đồng sáng lập) và 30 chuyên gia là những giám đốc học viện hoặc là các chủ trường, họ đồng hành trong việc tư vấn, định hướng và xây dựng quy trình cho dự án này chuẩn nhất. Hoài Trinh cũng cho biết thêm, vốn điều lệ đăng ký của doanh nghiệp là 5 tỷ, thực góp 2 tỷ và startup vẫn còn thừa số tiền để đi đến giai đoạn tiếp theo. Từ đầu đến giờ, doanh thu dựa trên commission (hoa hồng) là gần 1 tỷ. Tổng giá trị giao dịch từ đầu đến bây giờ là được 3 tỷ cho năm ngoái.
“Về cơ bản, anh thấy hướng của em là đúng hướng. Tuy nhiên còn quá mới. Chính vì vậy để đánh giá hiệu quả hay sự cam kết lâu dài của em có sống chết với nó hay không thì anh rất là lo ngại và nó không phù hợp với định hướng đầu tư của anh. Lúc này, anh khuyên em nên tìm các nhà đầu tư thiên thần, họ có thể chung một niềm đam mê với em, thì anh nghĩ nó hợp lý hơn. Chính vì vậy anh quyết định không đầu tư” – Shark Phú kết luận.
Shark Hùng Anh cũng quyết định không đầu tư bởi chưa thấy được phương án kinh doanh của startup là khả thi.
Là nhà đầu tư kết luận cuối cùng, Shark Bình nhận xét, startup đã lên Shark Tank quá sớm. Shark cũng bất ngờ khi nhìn thấy kế hoạch tăng trưởng mà startup đã đặt ra là năm 2021 là 3 tỷ doanh thu, 2022 lên đến 180 tỷ, 2023 là 1.800 tỷ, 2024 là 7.200 tỷ, 2025 là 21.600 tỷ doanh số giao dịch. Cuối cùng Shark Bình cũng quyết định không đầu tư và khuyên startup nên khởi nghiệp cái gì mà mình giỏi nhất.