Phạm Công Danh đã cùng quỹ Lộc Việt lập 11 công ty, vay vốn ngân hàng để mua trái phiếu
Phạm Công Danh đã "bắt tay" cùng quỹ Lộc Việt, TPBank để lập 11 công ty, vay vốn TPBank để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và công ty Trung Dung (đều là các công ty liên quan Phạm Công Danh) và VNCB bảo lãnh, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.
Sáng nay, Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục diễn ra. Tòa đang đọc cáo trạng liên quan việc Phạm Công Danh dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng. Cụ thể:
Tháng 5/2013, để có tiền chăm sóc khách hàng và tăng vốn đầu tư, Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai tìm cách rút tiền khỏi VNCB chuyển cho Danh sử dụng. Mai đề xuất với Danh ủy thác qua Qũy Lộc Việt để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh thì tiền sẽ quay trở lại. Danh đồng ý.
Mai đã trao đổi với Nguyễn Việt Hà là Tổng giám đốc Qũy Lộc Việt dùng biện pháp ủy thác đầu tư sang quỹ Lộc Việt và nhờ Hà mượn pháp nhân các công ty để vay tiền TPBank lấy tiền mua trái phiếu và dùng tiền vay này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung. VNCB sẽ bảo lãnh cho các khoản vay trên. Được Nguyễn Việt Hà đồng ý, Mai đã báo cáo với Phạm Công Danh để triển khai thực hiện.
Tại VNCB, Mai tìm nguồn tiền của VNCB để gửi vào TPBank bảo lãnh cho các công ty mà Qũy Lộc Việt lựa chọn vay tiền. Tại Qũy Lộc Việt, Nguyễn Việt Hà gặp gỡ trao đổi với Đặng Thị Bích Thủy là phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp và Đinh Việt Cường, giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của TPBank cùng tìm các doanh nghiệp đứng ra vay vốn TPBank để đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, VNCB sẽ bảo đảm bằng tiền gửi của VNCB tại TPBank. Thủy thống nhất với Cường đồng ý đề xuất cho các doanh nghiệp vay và đã lựa chọn được 11 pháp nhân là các công ty để tham gia vào việc vay vốn, mua bán trái phiếu….Cụ thể:
+Nguyễn Việt Hà giới thiệu 5 công ty gồm: Công ty Đức Long (100% vốn của ông NGuyễn Việt Hà), công ty Thạch Hà (do Hà thành lập nhưng người khác đứng tên giám đốc và phó giám đốc), Công ty Long Khánh (do Nguyễn Việt Hà mượn pháp nhân), Công ty Kỳ Nam (do Nguyễn Việt Hà mượn pháp nhân) và Công ty Khánh Chi do Vũ Viết Minh Quân mượn pháp nhân giúp Hà).
+Đặng Thị Bích Thủy giới thiệu 4 công ty gồm Công ty Khôi Nguyên Phát (do Đỗ Việt Bun, nhân viên khối KH doanh nghiệp của TPBank làm giám đốc), công ty TNHH Toàn Phát (do Thủy đề nghị Trần Quang Huy thành lập tháng 11/2013 đứng ra làm giám đốc), công ty Thuận Phát (do Nguyễn Thế Linh, giám đốc được Thủy giới thiệu), Công ty An Phát (do Nguyễn Ngọc Tuấn, giám đốc là chồng của Nguyễn Thị Phương Thanh là nhân viên khách hàng khối doanh nghiệp TPBank).
+Đinh Việt Cường trực tiếp trao đổi và được ông Nguyễn Việt Hà đồng ý cho Thịnh Phát (do Đinh Việt Cường, tổng giám đốc công ty đồng thời là giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, thành viên ủy ban tín dụng TPBank; Nguyễn Tiến Dũng-kiểm soát viên định giá là người được ủy quyền ký hợp đồng tín dụng) được tham gia.
+Phạm Công Danh giới thiệu công ty Đại Phát Việt Nam do Hà Văn Bình làm chủ tịch.
Mai Hữu Khương liên hệ và tiếp nhận các thông tin 11 công ty xin vay vốn TPBank do Nguyễn Kim Cẩm Vân ở quỹ Lộc Việt cung cấp để soạn thảo và hợp thức bằng 7 biên bản họp HĐTD-Đầu tư để bảo lãnh/ bảo đảm cho 11 công ty vay 1.666,8 tỷ đồng; 2 quyết định của HĐTD về việc bảo lãnh cho các công ty vay vốn; 4 chứng thư bảo lãnh của VNCB gửi TPBank bảo lãnh cho 4 công ty vay…
Mai Hữu Khương và Hoàng Đình Quyết trực tiếp liên hệ với Nguyễn Kim Cẩm Vân thông qua điện thoại, email để phối hợp làm thủ tục phát hành 1.200 trái phiếu của công ty Trung Dung. Trước đó, Tập đoàn Thiên Thanh đã lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu.
Việc Tập đoàn Thiên Thanh và Trung Dung phát hành trái phiếu khi chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán có lãi năm 2012 và văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với dự án Khu phức hợp Thiên Thanh Đà Nẵng là trái quy định của pháp luật về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Các hợp đồng mua bán, ủy thác đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Trung Dung và hợp đồng cầm cố, bảo lãnh của VNCB đã được ký, đóng dấu sẵn. Các nhân viên khối doanh nghiệp của TPBank thông báo cho đại diện các công ty vay vốn đến ký hợp đồng mua bán trái phiếu, hợp đồng cầm cố, bảo lãnh…Đại diện các công ty này không gặp gỡ, thương thảo và không có mối quan hệ gì với VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh, Trung Dung.
Tại TPBank, Đinh Việt Cường và Đặng Thị Bích Thủy đã chỉ đạo Đỗ Tiến Trung, Cao Chí Thanh, Lưu Anh Dũng, Vũ Hồng Hải, Đỗ Việt Bun và Nguyễn Phương Thanh là các chuyên viên khách hàng khối doanh nghiệp gặp gỡ khách hàng, tiếp nhận hồ sơ pháp lý của các công ty xin vay vốn, làm tờ trình đề xuất cấp tín dụng theo số tiền tương ứng với số trái phiếu đầu tư đã được thống nhất trước với Nguyễn Việt Hà.
Khi xét duyệt hồ sơ vay vốn, các chuyên viên khách hàng và lãnh đạo phòng kinh doanh TPBank chỉ xem xét hồ sơ vay của 11 công ty, không đánh giá năng lực tài chính mà chỉ đánh giá là phương án kinh doanh có hiệu quả, có tài sản đảm bảo chính là tiền gửi của Ngân hàng xây dựng và tài sản bảo đảm bổ sung là trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, Trung Dung (tài sản bảo đảm của bên thứ 3 hoặc tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay. Tuy nhiên, do không tiến hành kiểm tra hồ sơ phát hành trái phiếu của Thiên Thanh và Công ty Trung Dung nên không xác định được việc phát hành trái phiếu của 2 đơn vị này trái quy định về phát hành trái phiếu nhưng vẫn đề xuất cấp tín dụng cho 11 công ty để đầu tư mua trái phiếu và dùng trái phiếu đó làm tài sản bảo đảm.
Dù không xem xét đến tính pháp lý của các trái phiếu mà 11 công ty vay vốn đầu tư mua có được phát hành đúng pháp luật hay không nhưng phòng tái thẩm định 1 TPBank vẫn đồng ý cho các doanh nghiệp vay vốn, nợ hồ sơ phát hành trái phiếu, đề xuất cấp tín dụng cho 11 công ty và trình HĐTD, ủy ban tín dụng TPBank xem xét, quyết định. Trên cơ sở tờ trình đề xuất cấp tín dụng của đơn vị kinh doanh và phòng tái thẩm định 1; HĐTD và ủy ban tín dụng đều đồng ý phê duyệt cấp tín dụng cho 11 công ty vay số tiền 1.666,8 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.
Đến tháng 4/2014, với lý do 7 công ty Khôi Nguyên Phát, Thuận Phát, Kỳ Nam, Khánh Chi, Toàn Phát, An Phát, Đức Long không xuất trình được những hồ sơ thể hiện việc triển khai thực hiện dự án đầu tư khu phức hợp dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng (là mục đích phát hành trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh) và khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng tại khu vực sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng (là mục đích phát hành trái phiếu của công ty TRung Dung), tiềm ẩn rủi ro về thanh khoản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn và khả năng trả nợ cho TPBank nên ngày 7/4/2014, TPBank đã có công văn yêu cầu 7 công ty trên trả nợ trước hạn 7 hợp đồng vay vào ngày 11/4/2014 với số tiền gốc là 1.063,8 tỷ đồng cộng lãi phát sinh. Đến ngày 11/4/2014, TPBank đã tự trích nợ trên tài khoản của VNCB mở tại TPBank để thu hồi nợ vay của 11 công ty trên số tiền 1.740 tỷ đồng. Số dư tiền gửi còn lại của VNCB tại TPBank là 13,71 tỷ đồng được TPBank chuyển trả VNCB.
Theo kết quả giám định về sai phạm, đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước đã kết luận về sai phạm của TPBank trong quá trình thẩm định, xét duyệt, ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố, bảo lãnh và kiểm tra sau cho vay trong việc cho các công ty của Phạm Công Danh vay vốn như sau:
-Quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ hoặc cho vay khi không có đủ hồ sơ, tài liệu để xem xét, đánh giá khả năng tài chính để xác định được tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng.
-Việc nhận bảo lãnh khi không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh.
-Cho vay khi khách hàng và bên bảo lãnh VNCB chưa thực hiện bảo đảm tiền vay, không kiểm tra sau cho vay hoặc lập báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường khi chưa có đủ căn cứ, tài liệu…là thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ các quy định của pháp luật.
Kết quả giám định về thiệt hại cho thấy, căn cứ kết quả giám định tại kết luận giám định thì việc TPBank cho 11 công ty vay 1.666,8 tỷ đồng thì TPBank không có thiệt hại trong việc cho vay. Việc bảo lãnh của VNCB cho 11 công ty vay vốn tại TPBank đã gây thiệt hại cho VNCB là 1.736,86 tỷ đồng.