MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Phát súng" khơi mào chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Có trúng đích?

19-12-2017 - 12:21 PM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Donald Trump miêu tả Trung Quốc là một đối thủ muốn tìm cách làm suy giảm sự thịnh vượng của nước Mỹ. Tuy nhiên, có lẽ ông cần đến nhiều hơn là 1 giọng điệu mạnh mẽ để có thể thay đổi mối quan hệ quá phức tạp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong báo cáo công bố chiến lược an ninh quốc gia vừa được công bố hôm qua (18/12), Nhà Trắng đã gọi Trung Quốc và Nga là những cường quốc đang tìm cách “thách thức sức mạnh, tầm ảnh hưởng và những lợi ích của nước Mỹ”, làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của nước này. “Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc và Nga cũng như với các nước khác, nhưng theo cách mà lợi ích quốc gia luôn luôn được bảo vệ”, ông Trump phát biểu tại Washington hôm qua.

Từ khi nhậm chức đến nay, đây là động thái thể hiện rõ nét nhất thái độ mạnh mẽ và cứng rắn của ông Trump. Vẫn giữ phương châm “Nước Mỹ trước tiên” khi hoạch định chính sách đối ngoại, ông tuyên bố sẽ lấp đầy khoản thâm hụt thương mại 500 tỷ USD của nước Mỹ bằng cách buộc các nước khác phải thực hiện các hoạt động thương mại một cách “công bằng, trên cơ sở có đi có lại”, đồng thời siết chặt quản lý các dự án đầu tư nước ngoài có nguy cơ làm tổn hại an ninh quốc gia.

Giọng điệu mới của ông Trump hoàn toàn đối lập với cách tiếp cận hướng về hợp tác của người tiền nhiệm Barack Obama, người nhìn nhận Trung Quốc là 1 đối tác đối tác thương mại ngay cả khi hai nước có những bất đồng về bàn cờ quân sự ở châu Á.

Với chiến lược mới này, Mỹ có thể thuyết phục được Trung Quốc nới lỏng một số rào cản thương mại, giúp các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận hiệu quả hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, theo giới phân tích, rất khó để xóa bỏ thâm hụt thương mại lên tới 309 tỷ USD giữa hai nước mà không có những cải cách sâu rộng ở cả hai nền kinh tế. Đó là bởi vì dòng chảy thương mại chịu ảnh hưởng rất lớn từ hoạt động chi tiêu và đầu tư của các nước. Khi một quốc gia đầu tư nhiều hơn tiết kiệm (như Mỹ), nó sẽ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu và tài trợ thâm hụt cán cân vãng lai bằng cách đi vay từ nước ngoài.

“Trung Quốc hiện đang có rất nhiều chính sách bảo hộ, vì thế Mỹ gặp phải nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường. Nhưng kể cả khi Trung Quốc gỡ bỏ mọi rào cản như chúng ta muốn cũng không thể chắc chắn cán cân thương mại sẽ thay đổi”, David Dollar – chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu Brookings và từng là đặc phái viên kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ tại Trung Quốc dưới thời Obama – nói. Từ nhiều năm nay, Mỹ và các quốc gia khác đã hối thúc Trung Quốc chuyển đổi mô hình kinh tế từ dựa vào xuất khẩu và các doanh nghiệp nhà nước sang dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa.

Về phần mình, Mỹ có thể nghĩ đến giải pháp tăng tiết kiệm. Tuy nhiên, kế hoạch cắt giảm thuế mà ông Trump đang theo đuổi có thể khiến mục tiêu giảm thâm hụt thương mại trở nên xa vời hơn. Theo Eswar Prasad, chuyên gia tại ĐH Cornell, dự luật cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ trong ngắn hạn, từ đó khiến đồng USD tăng giá và hàng hóa mà Mỹ xuất đi trở nên đắt đỏ hơn. “Thái độ hà khắc của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc tạo ra mâu thuẫn giữa các mục tiêu chính sách kinh tế”.

Các cuộc đối thoại về kinh tế qua kênh chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị ngưng trệ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, Michael Wessel, một thành viên trong Ủy ban giám sát kinh tế Mỹ - Trung, nhận định 2 nước có rất ít lựa chọn ngoài hợp tác bởi hai nền kinh tế đã gắn kết quá chặt chẽ.

Dù đến nay ông Trump chưa nêu biện pháp cụ thể để hạn chế những hoạt động thương mại không công bằng từ Trung Quốc, nội các của ông đang xem xét đánh thuế lên các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu đồng thời điều tra một số vụ nghi Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Dưới thời Trump, chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ nghiêng về soi xét các vấn đề thương mại thông qua “lăng kính” an ninh. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết ông đang dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về các lệnh cấm vận và những vấn đề liên quan đến an ninh vì Bộ Tài chính Mỹ muốn đẩy mạnh sử dụng lệnh cấm vận để cắt đứt quan hệ của Triều Tiên với hệ thống tài chính Mỹ.

Mnuchin cũng đã hối thúc siết chặt kiểm tra các vụ thâu tóm có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là khi các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại hoặc đầu tư vào các công ty Mỹ.

Hôm qua, trước khi Mỹ công bố chiến lược mới, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying phát biểu rằng quan hệ Mỹ - Trung là quan hệ cả hai bên cùng thắng và Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tự do hóa hoạt động thương mại và đầu tư.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên