MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phép màu đã hết ở Trung Quốc

21-06-2016 - 08:00 AM | Tài chính quốc tế

Theo một bài xã luận mới được đăng tải trên tờ New York Times, giờ đây Trung Quốc vẫn là một mối nguy đối với Mỹ, nhưng không phải vì họ quá mạnh mà vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trở nên quá mong manh.

Tác giả bài viết này là Ruchir Sharma - chuyên gia kinh tế tại quỹ đầu tư trực thuộc ngân hàng Morgan Stanley. Ông cũng là tác giả của cuốn sách mới xuất bản có tựa đề "The rise and fall of nation". Chúng tôi xin lược dịch và gửi tới bạn đọc.

Từ nhiều năm nay, tỉ phú người Mỹ đang chạy đua vào Nhà Trắng Donald J. Trump vẫn cảnh báo Trung Quốc là một mối đe dọa đang “cướp mất bữa ăn” của người Mỹ. Trump cho rằng Bắc Kinh đang bóp méo đồng nhân dân tệ để giữ cho đồng tiền này ở mức rẻ mạt nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh cho hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo một bài xã luận mới được đăng tải trên tờ New York Times, lập luận này đã quá cũ kỹ. Giờ đây Trung Quốc vẫn là một mối nguy đối với Mỹ, nhưng không phải vì họ quá mạnh mà vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trở nên quá mong manh.

Kể từ khủng hoảng tài chính 2008, có 4 yếu tố chính quyết định sự trỗi dậy và sụp đổ của các quốc gia. Đáng buồn là ở Trung Quốc hiện nay, cả 4 trụ cột ấy đều không vững chắc. Nợ của các nước mới nổi đã tăng nhanh một cách nguy hiểm, đặc biệt là ở Trung Quốc. Hoạt động thương mại suy sụp ở khắp mọi nơi, và Trung Quốc lại dẫn đầu ở khía cạnh này. Để chống lại suy thoái, Trung Quốc tự động quay trở lại con đường tăng đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế. Và, vì nhiều lý do, lực lượng lao động của cả thế giới đang bị thu hẹp đáng kể còn ở Trung Quốc già hóa dân số đang là vấn đề nhức nhối.

Tăng trưởng 6% trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ khó nhằn với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là với nền kinh tế có quy mô lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, trong nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh lại bơm vốn vào những dự án lãng phí và do đó đã “tự mình làm hại mình”.

Giờ đây nền kinh tế đang giảm tốc và sẽ còn suy giảm hơn nữa khi buộc phải làm điều không thể tránh khỏi là cắt giảm nợ. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng” hoặc thậm chí là rơi vào thảm cảnh khủng hoảng tài chính. Nếu điều đó xảy ra, kinh tế thế giới sẽ chìm theo Trung Quốc bởi 7 năm kích thích ròng rã đã biến Trung Quốc thành một “người khổng lồ rỗng tuếch”.

Tâm trạng lo lắng đang bao trùm Bắc Kinh. Thị trường trong nước bao giờ cũng cảm nhận được rắc rối trước nhà đầu tư nước ngoài và họ là những người tháo chạy đầu tiên. Theo số liệu thống kê, trong năm 2015 người Trung Quốc đã chuyển tổng cộng 675 tỷ USD ra nước ngoài mà chủ yếu là để mua bất động sản.

Ở thời điểm hiện tại, sau cú sốc phá giá nhân dân tệ mùa thu năm ngoái, thay vì chủ động giảm giá nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu như Trump buộc tội, Bắc Kinh đang phải gồng mình lên để ngăn nhân dân tệ giảm giá sâu hơn nữa. Điều này lại càng làm niềm tin của thị trường sụt giảm.

Những “mầm mống” khiến Trung Quốc lâm vào tình trạng hiện nay được gieo trồng trong những ngày tháng từ trước khủng hoảng 2008. Tháng 9 năm đó, ngay trước khi phố Wall rung chuyển, nền kinh tế Trung Quốc đã có những dấu hiệu giảm tốc nhưng thành phố Bắc Kinh vẫn rất yên bình. Họ vừa tổ chức thành công Thế vận hội mùa hè và đang chuẩn bị đóng cửa những ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Bầu trời ở Bắc Kinh bừng sáng.

Đúng là ở thời điểm đó Trung Quốc có lý do rất hợp lý để cảm thấy tự tin. Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nền kinh tế màu nhiệm khác của châu Á, Trung Quốc có một thời kỳ dài đạt mức tăng trưởng 2 con số nhờ đầu tư vào hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngay ở thời điểm đó Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảm thấy không hài lòng. Ông cảnh báo rằng sau 3 thập kỷ công nghiệp hóa quá mạnh, Trung Quốc đã rơi vào trạng thái “không ổn định” và “mất cân bằng” với quá nhiều nhà máy “nhả khói” lên bầu trời. Nhiều người cũng nhận ra rằng sau mức thu nhập bình quân đầu người trên 8.000 USD sẽ là thời kỳ giảm tốc thuận theo lẽ tự nhiên, giống như Nhật Bản và Hàn Quốc đã trải qua khi đạt đến mức thu nhập trung bình.

Giữa tháng 9, Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản và đẩy cả thế giới vào suy thoái. Lực cầu trên toàn thế giới sụp đổ, không ai còn đủ sức để mua hàng hóa mà Trung Quốc xuất đi. Lo sợ trước “sóng thần khủng hoảng”, Trung Quốc quyết định quay trở lại với con đường cũ: tăng đầu tư vào các nhà máy, đẩy mạnh chi tiêu công.

Tưởng chừng như Trung Quốc đã thắng trong “canh bạc” này. Năm 2009, nước này một lần nữa tăng trưởng 8% trong khi phương Tây chật vật hồi phục. Xét về chi tiêu công, Washington và Bắc Kinh là hai thái cực đối lập. Trung Quốc tự hào rằng mô hình kinh tế tư bản nhà nước của họ là ưu việt hơn và đã giúp họ quản lý rất tốt nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng.

Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ thì đó lại chính là thời khắc Trung Quốc bắt đầu đi chệch ra khỏi con đường màu nhiệm.

Tín dụng bùng nổ lại biến thành bong bóng đầu cơ. Thông thường thì tín dụng sẽ bùng nổ khi người ta rất hào hứng với một phát minh mới mang tính đột phá (như Internet). Tuy nhiên, ở Trung Quốc làn sóng lan rộng là bởi vì người ta tin rằng Chính phủ sẽ không bao giờ để các ngân hàng hay con nợ phá sản. Cuối cùng thì ngày càng nhiều “người chơi” không đạt chuẩn bước vào cuộc đua. Các ngân hàng quốc doanh phải trực tiếp cạnh tranh với “các ngân hàng trong bóng tối”.

Háo hức tạo ra tăng trưởng đồng nghĩa với hệ thống ngân hàng ngầm bùng nổ. Đến Thượng Hải vào tháng 8/2010, bạn sẽ sững sờ khi nhìn thấy những tòa nhà văn phòng cho thuê mọc lên san sát ở hai bên đường tới Hàng Châu. Các thành phố nhỏ hơn thì tăng cường vay mượn để xây dựng bảo tàng, công viên nước, các khu chung cư hoành tráng đồ sộ. Cuối cùng thì vì cầu vượt cung, những địa điểm này đã biến thành các thành phố ma.

Lịch sử cho thấy sau tất cả 30 cơn sốt tín dụng tồi tệ nhất trên thế giới trong vòng 50 năm qua, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong 5 năm tiếp theo sẽ giảm đi hơn một nửa.

“Cơn nghiện nợ” của Trung Quốc là lớn nhất trong thời kỳ từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Sau khi được giữ vững ở mức khoảng 150% GDP, nợ của Trung Quốc tăng mạnh sau năm 2008 và đến năm 2014 đã lên tới 230% GDP.

Trong chuyến thăm mới nhất tới Trung Quốc, người viết bài này đã hi vọng rằng Bắc Kinh sẽ dũng cảm đối mặt với sự thật. Tuy nhiên, Trung Quốc không làm như vậy. Khi nền kinh tế bất ổn, nước này đã tác động thô bạo vào chu kỳ phát triển kinh tế tự nhiên cũng như vào thị trường tài chính.

Cuối năm 2014, với hi vọng đem lại “đôi cánh” cho các công ty đang gặp khó khăn, các kênh truyền thông nhà nước bắt đầu có các bài viết ngụ ý đầu tư chứng khoán là một hành động yêu nước. Hàng triệu người Trung Quốc đã mở tài khoản mới dù họ chơi bằng tiền đi vay và chẳng có chút kiến thức nào. Khi bong bóng vỡ vào tháng 6/2015, Bắc Kinh đã có động thái cứu thị trường tương tự năm 2008 nhưng cuối cùng cũng không thoát nổi quy luật tự nhiên.

Chuyện không dừng ở đó. Từ tháng 4 năm nay, Trung Quốc lại khởi động một chiến dịch kích thích mới. Nợ vẫn tăng nhanh gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Trong bối cảnh ấy, người ta bắt đầu nói về xu hướng giá nhà ở Thượng Hải và Bắc Kinh tăng chóng mặt.

Chỉ cần 1 cú sốc nữa kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Từ khi thế chiến thứ hai kết thúc đến nay, Mỹ thường là nguồn cơn của suy thoái. Tuy nhiên, cuộc suy thoái tiếp theo sẽ bắt đầu từ một cú sốc ở Trung Quốc.

Nhờ các biện pháp kích thích, Trung Quốc là cỗ máy đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong 10 năm qua. Tuy nhiên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới quá mong manh. Phép màu đã hết.

Thu Hương

New York Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên