Phía sau việc Việt Nam lọt top thế giới về độ phổ biến tiền điện tử và theo đuổi blockchain khi “chưa giàu”
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, TS. Đinh Ngọc Thạnh, Founder Vietnam Blockchain Innovation, Giảng viên Khoa công nghệ thông tin - Truyền thông, Đại học Soongsil (Hàn Quốc) cho rằng: “Tôi thấy mức độ quan tâm tới blockchain của Việt Nam cũng rất lớn, nhưng vẫn đang chủ yếu ở bề nổi, liên quan đến crypto hơn”.
Ở Việt Nam, vẫn có nhiều người chỉ biến đến blockchain như một kênh đầu tư (crypto, NFT…). Là một người hoạt động trong lĩnh vực này, ông nghĩ thế nào?
Thật ra, theo tôi đầu tư mà có lợi thì cũng là việc tốt. Cũng giống như thời DOTCOM của 30 năm về trước, khi sự phát triển của công nghệ mới mang tới sự đổi mới về các mô hình kinh tế đã tạo nên đòn bẩy tăng trưởng rất lớn cho các công ty tiên phong tham gia vào lĩnh vực mới này. Những nhà đầu tư sớm và đầu tư đúng vào lĩnh vực này đã tận dụng được đòn bẩy cơ hội đầu tư lớn và trở thành những triệu phú, tỷ phú ngày nay.
Tuy nhiên, cơ hội lớn cũng đồng nghĩa với rủi ro cao, đặc biệt là khi kiến thức của mọi người còn hạn chế.
Chính vì thế, với cộng đồng đầu tư, tôi mong mọi người quan tâm đến đầu tư kiến thức cho chính bản thân mình trước. Phải chúng ta sẽ đầu tư vào cái gì trước khi thực hiện đầu tư tài chính, để giảm thiểu rủi ro cho bản thân.
Là một nhà nghiên cứu, một giảng viên, hẳn là ông đã đủ bận rộn với công việc ở Hàn Quốc rồi. Vậy tại sao ông nghĩ tới chuyện sáng lập nhóm VBI (Vietnam Blockchain Innovation)?
Như tôi vừa nói, lĩnh vực blockchain đang tăng trưởng rất nóng, và cũng có rất nhiều người ở Việt Nam bỏ tiền đầu tư vào crypto, nhưng lại thực sự chưa hiểu blockchain và crypto là gì, và cái mọi người đang đầu tư vào là gì. Vậy nên có rất nhiều dự án lừa đảo lợi dụng, ăn theo công nghệ này để lừa đảo mọi người. Có những "dự án", mọi người bị lừa lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Trước hết, bản thân tôi thấy rất xót xa về việc này.
Mặt khác, nhiều vụ lừa đảo xảy ra, khiến nhiều người có cái nhìn tiêu cực về blockchain, dù đây là một công nghệ nền tảng có nhiều tiềm năng.
Vì thế, theo tôi, chúng ta cần nâng cao kiến thức về công nghệ này cho cộng đồng trong nước. Khi kiến thức của mọi người được nâng cao, thì lừa đảo sẽ giảm thiểu và dần không có đất sống. Đó là một trong những mục tiêu của tôi khi sáng lập VBI.
Quan trọng hơn cả, blockchain là một công nghệ nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số. Nhiều quốc gia phát triển đã đưa blockchain vào thu hút nhân tài. Việt Nam lọt top đầu thế giới về crypto, nhưng lĩnh vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu về blockchain gần như đang bị bỏ ngỏ.
Công nghệ này rất mới, tốc độ phát triển rất nhanh. Cá nhân tôi thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng dẫn đầu về công nghệ nếu được quan tâm đúng mức. VBI được thành lập với mục tiêu để trở thành diễn đàn chuyên sâu về công nghệ blockchain, thúc đẩy nhân lực chất lượng cho ngành, tạo sân chơi cho các nhà phát triển và các nhà nghiên cứu của ngành.
Với mục tiêu đó, VBI đã làm gì?
Chúng tôi tổ chức các webinar hàng tuần chia sẻ thảo luận về nhiều chủ đề từ cơ bản tới chuyên sâu trong lĩnh vực blockchain cho mọi đối tượng. VBI cũng tổ chức nhiều khóa đào tạo lập trình blockchain, từ cơ bản tới nâng cao, hoàn toàn miễn phí cho các nhà phát triển, với mong muốn góp phần thúc đẩy nhân lực cho ngành. Có kiến thức tốt, tầm nhìn của các nhà phát triển sẽ dài hạn hơn, và có nguồn nhân lực tốt thì chúng ta sẽ có những ứng dụng tốt cho ngành.
VBI cũng thúc đẩy tạo ra mạng lưới chuyên gia và các nhà phát triển trong cũng như ngoài nước, với mong muốn kết nối đưa Việt Nam phát triển thực chất về công nghệ.
Thông qua đó, tôi, VBI và tới đây là Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) muốn thúc đẩy, đưa blockchain vào các hội nghị quốc tế chuyên ngành tổ chức tại Việt Nam, để phát triển cộng đồng chuyên gia này. Từ đó, có thể tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có những dịp giao lưu chia sẻ kiến thức và hợp tác với nhau tạo nên những nhóm nghiên cứu mạnh cho ngành.
Sau khi VBI được thành lập một thời gian, group cũng đã đạt được số lượng thành viên nhất định, ông thấy mức độ quan tâm của các bạn ở Việt Nam với blockchain đã thay đổi ra sao?
Tôi rất vui vì từ khi VBI được thành lập, tôi nhận thấy sự quan tâm rõ rệt của mọi người tới công nghệ blockchain ngày càng gia tăng.
Nhưng để có thể vươn lên dẫn trước về công nghệ này, quan tâm cần được thể hiện rõ rệt bằng hành động. Là một nhà nghiên cứu có nhiều năm làm việc ở những nước đang đi đầu về các công nghệ hiện tại, tôi muốn nhấn mạnh, song song với phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, chúng ta cần đầu tư cho nghiên cứu và đào tạo. Nếu không đầu tư cho nghiên cứu bài bản từ đầu để làm chủ cộng nghệ lõi, đi đầu về công nghệ lõi, và sáng chế ra công nghệ lõi blockchain, thì chúng ta khó có thể đạt và giữ vị trí dẫn đầu về blockchain.
Chúng ta đã có nhiều bài học từ các công nghệ trước đây rồi. Không nước nào có thể dẫn đầu về công nghệ mà không có đầu tư bài bản cho nghiên cứu, vì công nghệ ngày nay phát triển rất nhanh, ở những giai đoạn thay đổi quan trọng của lĩnh vực mà chúng ta không cập nhật đủ nhanh, chúng ta sẽ trở nên lạc hậu.
Ông kỳ vọng như thế nào vào việc Blockchain và các ứng dụng của nó có tiềm năng thay đổi bức tranh khoa học công nghệ, hay rộng hơn là kinh tế Việt Nam?
Blockchain là một công nghệ nền tảng, sẽ có ảnh hưởng sâu rộng vào cuộc sống, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số. Bản thân chúng ta đang đứng trước một điểm rơi hội tụ công nghệ cho việc thực hiện chuyển đổi số này, đó là lí do chúng ta đang nghe về chuyển đổi số ở khắp mọi nơi.
Để chuyển đối số, chúng ta cần thu thập thông tin và tương tác giữa thế giới thực và ảo, vì thế cần sự trưởng thành của IoT, ARVR…
Lượng dữ liệu lớn này cần nơi lưu trữ dữ liệu lớn và truy xuất hiệu quả, vì thế chúng ta cần sử trưởng thành của Cloud Computing.
Những dữ liệu này cần được hiểu để chuyển thành thông tin và mang lại những giá trị và cải tiến hoạt động một cách hiệu quả, vì thế chúng ta cần sự trưởng thành của Big data và AI.
Để truy cập dữ liệu và thông tin lớn này ở mọi nơi theo yêu cầu của mọi ứng dụng chúng ta cần một mạng truyền thông đủ nhanh, và độ phủ lớn, vì thế chúng ta cần sự trưởng thành của công nghệ viễn thông 5G 6G.
Để đảm bảo tính tin cậy của những thông tin này và giảm thiểu bên thứ 3 trung gian cho những những giao dịch, và đó là lý do chúng ta cần sự trưởng thành của blockchain.
Theo tôi, blockchain là hạ tầng quan trọng trong chuyển đổi số. Vì khi chuyển đổi số, mọi thứ sẽ hoạt động dựa trên dữ liệu, chúng ta sẽ không còn dùng giấy tờ để đối chứng nữa. Ví dụ như Hàn Quốc - nơi tôi hiện đang sống và làm việc - hướng tới dùng Chứng minh điện tử - Digital ID hết, chứ không cần dùng thẻ nữa. Khi đó chúng ta cần một công nghệ đảm bảo độ tin cậy cho các dữ liệu ấy, blockchain sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc này.
Khi chuyển đổi số, mọi thứ sẽ đều hoạt động dựa trên dữ liệu nên tầm quan trọng của hạ tầng blockchain sẽ giống như hạ tầng Internet ngày nay. Công nghệ này thúc đẩy sự phát triển của một khái niệm mới mà chúng ta sẽ nghe ngày càng nhiều đó là Web3, được ví như thế hệ tiếp theo của Internet nơi mà người dùng chúng ta sẽ được sở hữu những thứ thuộc về mình ở trên Internet.
Từ đó, công nghệ này tạo ra tiềm năng giúp chúng ta xây dựng những hệ thống mở, những mô hình kinh doanh mở giúp tận dụng nguồn lực của cộng đồng thay vì những hệ thống kín của một công ty hay tập đoàn như ngày nay. Điều này tiếp tục trao cơ hội cho các startup và các nhà phát triển có khả năng cạnh tranh lại các ông lớn thay vì thế độc quyền đang xảy ra ngày nay ở nhiều lĩnh vực.
Khoảng cách về blockchain giữa Việt Nam và các thị trường khác đang ở mức nào?
Về khía cạnh đầu tư và độ phổ biến của crypto, thì Việt Nam đang nằm trong nhóm nước dẫn đầu thế giới, theo thống kê của Chainanalysis. Về khía cạnh startups thì Việt Nam cũng đang lực lượng các nhà phát triển và startups khá lớn so với các thị trường khác.
Chúng ta đã có những dự án được định giá tỷ đô và nhiều dự án có giá trị thị trường hàng trăm triệu đô, vì thế ở khía cạnh này, Việt Nam chúng ta cũng thuộc nhóm những nước dẫn đầu về phát triển nóng trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, chúng ta chưa có nhiều các dự án phát triển nền tảng về công nghệ lõi blockchain mang tính đột phá công nghệ. Trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo chúng ta đang có khoảng cách khá xa chưa theo kịp các nước phát triển. Bản thân tôi tham gia sáng lập VBI và phát triển VBU cùng nhằm mục đích mong muốn góp phần khắc phục vấn đề này.
Theo ông, sự thành lập Liên minh Blockchain có ý nghĩa ra sao?
Ai cũng muốn Việt Nam trở thành một nước dẫn đầu về blockchain, để tạo động lực để phát triển kinh tế số, nhưng nguồn lực của chúng ta hiện khá rời rạc. Liên minh Blockchain Việt Nam ra đời có ý lớn trong việc tập hợp nguồn lực để thực hiện mục tiêu này.
Nước chúng ta chưa giàu và nguồn lực chúng ta có hạn, để làm được, chúng ta cần sức mạnh tổng hợp, phối hợp giữa các bộ ngành, các trường đại học, doanh nghiệp startup, chuyên gia và các cộng đồng.
Liên minh Blockchain Việt Nam ra đời với quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ, tập hợp sức mạnh của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, đầu tư, xây dựng chính sách về blockchain hướng tới mục tiêu chung phát triển và ứng dụng blockchain hiệu quả vào nền kinh tế số đóng góp cho Chuyển đổi số quốc gia và thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nhóm các nước phát triển blockchain năng động nhất thế giới.
Người ta hay nói chính sách ở VN thường đi sau công nghệ và cho rằng đó là một điểm yếu. Ông lại từng chia sẻ rằng công nghệ đi trước rồi chính sách sẽ đi sau. Lập luận của ông ở đây là gì?
Chính sách thì thường luôn đi sau công nghệ, nhưng đi sau bao lâu thì việc đó sẽ trở thành điểm yếu hay điểm mạnh, sẽ kìm hãm sự phát triển của công nghệ đó hay sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của công nghệ đó.
Khi một công nghệ mới ra đời với những ứng dụng khác nhau, Chính phủ sẽ thường cần thời gian để học và tìm hiểu đánh giá các khía cạnh tác động khác nhau của công nghệ đó vào đời sống trước khi có thể ban hành những chính sách cụ thể.
Tuy nhiên nếu việc tìm hiểu và đánh giá của Chính phủ quá lâu sẽ dẫn tới lực lượng các nhà nghiên cứu, nhà phát triển đào tạo và cộng đồng sẽ phải chờ đợi để có hướng dẫn thực thi. Đó là lý do, để hỗ trợ Chính phủ thực hiện nhanh hơn, chúng ta cũng cần tham gia góp sức tập hợp các nguồn lực để cố vấn cho Chính phủ.
VBU ra đời với cũng chính là vì thế, với vai trò sứ mệnh tư vấn, phản biện chính sách và tập hợp các chuyên gia cùng tham gia với Chính phủ.
Dành nhiều thời gian và công sức như vậy để phát triển blockchain ở Việt Nam, lý tưởng và động lực của ông là gì?
Làm việc bao nhiêu năm ở nước ngoài, tôi luôn đau đáu câu hỏi vì sao chúng ta cứ mãi đi sau.
Với blockchain chúng ta có vị thế ngang bằng với các nước, vì công nghệ này còn rất mới, nếu tận dụng được cơ hội chúng ta có thể vươn lên dẫn đầu. Vì thế tôi có động lực góp sức nhỏ nhoi của mình để cũng mọi người nâng cao nhận thức về công nghệ này để hạn chế những mặt tiêu cực và thúc đẩy những mặt tích cực, giúp thúc đẩy phát triển ngành này thực chất để đưa Việt Nam trở thành một nước dẫn đầu về công nghệ này, lấy đó làm động lực phát triển chuyển đổi số và kinh tế số quốc gia.
Có thể nhiều người sẽ hỏi tôi, mục tiêu này sẽ tốt cho ai hay chỉ là thành tích thôi? Tôi xin thưa: Mục tiêu này cho tốt tất cả chúng ta.
Khi quốc gia dẫn đầu về ngành thì các startups sẽ dễ gọi vốn hơn, thậm chí nhiều quỹ sẽ chờ để được rót vốn, giống như vùng trũng Silicon vậy. Các công ty IT dễ lấy đơn hàng lớn từ nước ngoài, họ cần outsource hay làm product gì họ nghĩ tới Việt Nam, giá hợp đồng sẽ cao hơn do giá trị thương hiệu và tin tưởng chất lượng cao hơn.
Các nhà phát triển nhiều việc, việc lương cao, có thương hiệu nên xin việc quốc tế dễ dàng. Các nhà đầu tư có những dự án chất lượng để đầu tư, tiềm năng lợi nhuận cao. Quốc gia có thương hiệu, các em sinh viên xin học bổng ngành dễ dàng. Kinh tế đi lên, thu nhập tăng, nhà nước thu được nhiều thuế nhờ đó có thêm ngân sách cho an sinh xã hội. Như vậy, chẳng phải là tốt cho tất cả chúng ta sao?
Cảm ơn ông!