MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội "bật mí" phương án sửa luật để đáp ứng đòi hỏi của CPTPP

Để kịp thời đáp ứng các đòi hỏi của CPTPP, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ đã được trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Sự ban hành cần thiết

Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã đọc tờ trình tóm tắt Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Được đánh giá là dự án luật rất chuyên ngành, có nhiều nội dung phức tạp nhưng để thực hiện cam kết Hiệp định CPTPP mà Quốc hội đã phê chuẩn và có hiệu lực, dự án luật vẫn được nhất trí ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọi.

Chia sẻ riêng với báo Tri Thức Trẻ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Trương Minh Hoàng nhấn mạnh sự kín kẽ, đáp ứng đầy đủ các đòi hỏi của Dự án Luật này. Quá trình xây dựng, thẩm tra và đưa ra thảo luận được tiến hành theo trình tự nhanh, rút gọn nhưng nội dung được đảm bảo tuyệt đối bởi những cơ quan chuyên môn sâu nhất.

"Phải thừa nhận rằng, tổng thời gian dành cho nội dung này ngắn. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, việc tập trung sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Sở hữu trí tuệ để đáp ứng các đòi hỏi của CPTPP đã tuân thủ tất cả những quy định nghiêm ngặt nhất theo luật Ban hành quy phạm văn bản pháp luật", ông Hoàng chia sẻ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội bật mí phương án sửa luật để đáp ứng đòi hỏi của CPTPP - Ảnh 1.

Ảnh: Linh Anh

Chia sẻ về Dự án luật đầu tiên trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 7, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết những nội dung sửa đổi không nhiều. Mỗi luật được sửa đổi một vài điểm cụ thể. Dù nó liên quan tới nhiều điều, nhiều khoản, nhưng thực chất, dự án Luật tập trung sửa khá ít về nội dung.

Trong quá trình thảo luận, đi đến thống nhất và ký kết CPTPP, rồi trình ra Quốc hội phê chuẩn, các cơ quan chuyên ngành đã thảo luận rất kỹ về việc khả năng đáp ứng của Việt Nam. Chính vì vậy, những bước đi để chúng ta có thể đáp ứng kịp thời cam kết mà Quốc hội đã phê chuẩn, để CPTPP đi vào hiện thực, cũng đã nằm trong sự tính toán.

Chuyên môn cao, thẩm tra kỹ lưỡng

Theo ông Hoàng, nội hàm của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ không nhiều và rất rõ ràng. Nó góp phần làm giảm đi những áp lực từ tính chuyên sâu của luật. Trong khi đó, nói về nội dung, dù là Chính phủ trình nhưng các điều khoản đều được những cơ quan chuyên sâu xem xét kỹ lưỡng và trình lên.

"Các cơ quan chuyên trách đã trao đổi kỹ lưỡng trước khi báo cáo về một đầu mối. Phần sở hữu trí tuệ do nhóm chuyên sâu của Bộ Khoa học và Công nghệ trao đổi và thực hiện trong khi phần về Kinh doanh Bảo hiểm do Bộ Tài chính tiến hành. Khi đưa lên, cơ quan đầu mối được Chính phủ giao là Bộ Công thương. Đây là Bộ nhận trọng trách nghiên cứu sâu về CPTPP. Chính vì vậy, dù nói là nhanh nhưng dự án luật này đã có chuẩn bị rất kỹ từ trước", ông Trương Minh Hoàng nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội bật mí phương án sửa luật để đáp ứng đòi hỏi của CPTPP - Ảnh 2.

Ảnh: Linh Anh

Ủy ban Pháp luật Quốc hội, trong vai trò cơ quan thẩm tra, cũng đã đảm bảo đáp ứng mọi quy trình, mọi trình tự thủ tục trong việc xây dựng một dự án luật dù thời gian có gấp gáp. Sau khi nhận được tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật ngay lập tức thực hiện chức năng thẩm tra của mình. Kết quả thẩm tra sơ bộ về toàn bộ nội dung được đưa ra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và đưa ra thảo luận tại Quốc hội.

"Tiếp theo, chúng tôi lại họp toàn thể Ủy ban. Ngay hôm thẩm tra sơ bộ, dù chỉ là Thường trực tiến hành thẩm tra, nhưng số lượng lớn cơ quan chuyên trách của Quốc hội tới tham dự hoặc gửi đóng góp bằng văn bản. Nhiều đại biểu quốc hội chuyên trách cũng tới tham dự phiên họp. Chúng tôi đã tiến hành rất cẩn trọng, đúng quy trình, trình tự thủ tục. Việc rà soát được tiến hành rất kỹ", ông Trần Minh Hoàng nhấn mạnh.

Sau khi nhận phản hồi của các ủy ban và các đại biểu quốc hội, các cơ quan mà Chính phủ phân công soạn thảo dự án luật lại một lần nữa trực tiếp giải trình. Cơ quan chuyên trách của Bộ Tài chính giải đáp những phản hồi về luật Kinh doanh Bảo hiểm trong khi cơ quan của Bộ Khoa học Công nghệ giải trình về phần Sở hữu Trí tuệ. Bộ Công thương tiếp tục là cơ quan chịu trách nhiệm chính.

"Dù ngắn nhưng chúng tôi khẳng định rằng yếu tố quy trình được tuân thủ kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng của dự án luật theo trình tự, thủ tục rút gọn", ông Hoàng chia sẻ.

Trên thực tế, Việt Nam có thể làm rõ một số nội dung liên quan đến Kinh doanh Bảo hiểm và Sở hữu Trí tuệ là vẫn có thể đáp ứng được các đòi hỏi của CPTPP. Tuy nhiên, Việt Nam chọn cách xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng từng nội dung nhằm đảm bảo nó không mâu thuẫn với các luật hiện hành.

"Nội dung đã rõ. Đưa Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm ra Quốc hội phê chuẩn thời điểm này là hợp lý. Dự án luật đáp ứng đủ điều kiện theo trình tự, thủ tục rút gọn, đúng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", ông Hoàng nhấn mạnh.

Đáp ứng yêu cầu thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (Hiệp định CPTPP) được Quốc hội phê chuẩn theo Nghị quyết số 72/2018/QH14, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã đọc tờ trình tóm tắt Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Đối với luật Kinh doanh bảo hiểm, dự án luật bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Dự án luật cũng bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Để thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm, dự án luật sẽ để thời hạn 1 năm cho các bên bổ sung các điều kiện phù hợp.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đề cập tới điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Điều 94b nêu rõ cá nhân, tuổi từ 18 trở nên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự là yêu cầu tối thiểu với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm. Ngoài ra, cá nhân cần có văn bằng hoặc chứng chỉ về bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được cấp phép, hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp. Bên cạnh đó, cần đảm bảo tài chính trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm bằng một trong các hình thức: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo lãnh thanh toán ngân hàng, bảo hiểm bảo lãnh, ký quỹ.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp; Đảm bảo tài chính trong việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bằng một trong các hình thức: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo lãnh thanh toán ngân hàng, bảo hiểm bảo lãnh, ký quỹ, vốn chủ sở hữu; Cá nhân trực tiếp thực hiện dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức phải đáp ứng quy định trên 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và có văn bằng, chứng chỉ.

Đối với luật Sở hữu Trí tuệ, dự án luật sử đổi Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng dành cho các đơn nộp vào Việt Nam hưởng ngoại lệ rộng hơn (không giới hạn về địa điểm bộc lộ và thời gian ân hạn là 12 tháng kể từ ngày thông tin bị bộc lộ).

Về chỉ dẫn địa lý, sửa đổi khoản 1 Điều 80 về cách đánh giá một thuật ngữ là tên gọi chung của hàng hoá tại Việt Nam, theo đó bổ sung quy định việc đánh giá phải dựa trên cách hiểu của người tiêu dùng tại Việt Nam. Sửa đổi khoản 3 Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ về đánh giá khả năng gây nhầm lẫn của chỉ dẫn địa lý với nhãn hiệu.

Bổ sung Điều 120a về công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế, trong đó xác định việc công bố, xử lý ý kiến cuả người thứ ba, đánh giá khả năng bảo hộ và xác định phạm vi bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý được yêu cầu công nhận và bảo hộ theo điều ước quốc tế được thực hiện theo các quy định tương ứng đối với chỉ dẫn địa lý trong đơn đăng ký được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

Ngoài ra, dự án luật cũng Bổ sung vào Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ quy định việc nộp đơn nhãn hiệu bằng phương tiện điện tử. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng nghĩa vụ tại Điều 18.24 của Hiệp định CPTPP. Sửa đổi khoản 2 Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu và sửa đổi khoản 2, bổ sung khoản 3 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu nhằm đáp ứng quy định của CPTPP.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên