MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: Thị trường bất động sản đang phải chịu tác động kép

03-11-2021 - 10:40 AM | Bất động sản

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: Thị trường bất động sản đang phải chịu tác động kép

Thị trường bất động sản đang phải chịu tác động kép từ chu kỳ lên – xuống và dịch Covid-19. Đó là lý do mà diễn biến của thị trường địa ốc trong quý I, II, III/2021 giảm liên tục. Trong khi đó, giá chung cư tiếp tục tăng. Tại một số thị trường lớn, để tìm dự án chung cư có giá dưới 30 triệu đồng/m2 là điều không dễ dàng.

Tại hội thảo trực tuyến "Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam trong trạng thái bình thường mới" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) nhận định, bất động sản đang phải trải qua giai đoạn khó khăn.

Theo ông Hà, quy luật của thị trường bất động sản sẽ đi theo chu kỳ, có lúc lên, có lúc xuống. Sự lên nhanh hay chậm phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế của mỗi quốc gia. Theo nghiên cứu, chu kỳ của thị trường bất động sản Việt Nam là khoảng 10 năm. Giai đoạn đỉnh cao của thị trường là năm 2018. Kể từ năm 2019, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu đi chậm lại. Đồng thời, bước sang năm 2020, Covid-19 xuất hiện càng làm thị trường sụt giảm mạnh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: Thị trường bất động sản đang phải chịu tác động kép  - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn khó khăn.

"Thị trường bất động sản Việt Nam sụt giảm liên tiếp trong 3 quý đầu năm 2021. Bước sang quý IV, giai đoạn bình thường mới, thị trường địa ốc được kỳ vọng đi ngang nhưng vẫn sẽ thấp hơn so với các năm trước. Trong khi những năm khác, thị trường sẽ có quy luật tăng dần, khó khăn trong quý I và tăng trưởng tốt trong quý IV".

Theo ông Hà, thị trường bất động sản đang phải chịu tác động kép mạnh từ tính chu kỳ và chính sách giãn cách. Vì dịch bệnh nên các dự án mở mới với số lượng rất thấp, dẫn tới nguồn cung sụt giảm. Đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM, các công trình xây dựng bị tạm dừng dẫn tới không có hàng mở bán.

Số lượng các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng. Đội ngũ nhân viên môi giới bất động sản gặp nhiều khó khăn. Hầu như 80% môi giới phải dừng, tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng và chuyển sang giai đoạn hoạt động trực tuyến là chính. Người mua nhà không thể đến trực tiếp xem. Đây là khó khăn lớn đối với thị trường.

Trong khi đó, các thủ tục xây dựng và hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động đầu tư dự án đặc biệt như khâu giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư… Loạt cán bộ dính vào vi phạm đất đai cũng làm chững lại các dự án mới được khởi công.

Theo vị Phó Chủ tịch VNRea, lượng dự án đủ điều kiện mở bán ra rất thấp. Trong khi đó, giá chung cư tại Đà Nẵng hay Hà Nội tăng, không có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2.

Dù khó khăn, song ông Hà đánh giá, thị trường địa ốc vẫn còn nhiều tiềm năng như nhà ở dành cho công nhân, người lao động thu nhập thấp còn thiếu. Trong khi đó, các dự án condotel, du lịch nghỉ dưỡng còn nhiều cơ hội phát triển.

Trên cơ sở đó, ông Hà kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ thị trường địa ốc.

"Thứ nhất, chúng tôi kiến nghị trong giai đoạn bình thường mới cần có giải pháp hỗ trợ kinh doanh bất động sản phục hồi để dự án đi vào triển khai hoạt động trở lại như thủ tục đầu tư cần sửa đổi. Bất động sản là điểm nhấn, tố quan trọng để phục hồi đầu tư. Bởi đất động sản là thị trường có hệ số kết nối lớn, lôi kéo nhiều thị trường khác vào như thị trường lao động, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất. Nếu không có thi công dự án thì các thị trường khác không thể tiêu thụ tốt".

Ngoài ra, ông Hà đồng tình với giải pháp của Bộ Xây dựng, đó là có gói tín dụng lớn dành cho nhà ở công nhân, người lao động. Phân khúc này sôi động chắc chắn sẽ kéo theo các phân khúc khác.

Thứ hai, cần có giải pháp đồng bộ để sớm mở rộng hoạt động giao thương, du lịch. Theo ông Hà, thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam đã diễn ra tình trạng rao bán khách sạn, condotel nhiều. Thế nên cần mở sớm đường bay quốc tê nhưng trong điều kiện đảm bảo an toàn chống dịch cho người dân. Ông Hà nhấn mạnh: "Không thể đóng cửa mãi được. Phải sớm khơi lại hoạt động giao thông đi lại, phát triển du lịch nội địa và quốc tế".

Về giải pháp thứ ba, theo ông Hà, đó là phải sửa đổi ngay các bất cập, chồng chéo trong các văn bản pháp luật liên quan đến bất động sản như thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng để dự án sớm khởi công trở lại, tăng nguồn cung cho thị trường. Lâu dài hơn, phải sửa đổi Luật đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật đầu tư.



Triệu Vương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên