MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch MoMo kể về hành trình sống sót và cái giá phải trả khi ý tưởng đến quá sớm, đi trước thời đại

15-03-2019 - 19:00 PM | Doanh nghiệp

“Chúng tôi đoán đúng hướng công nghệ sớm, chịu rủi ro khi đi trước thời đại, cầm cự và biết đúng thời điểm để đầu tư thành công. Không có gì là bi kịch hơn khi ý tưởng đến quá sớm và nó đi trước thời đại’, lãnh đạo ví thanh toán điện tử MoMo Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ tại Forbes Summit 2019.

Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến M - Service hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán trên di động, với thương hiệu MoMo, hiện đang phục vụ 10 triệu khách hàng, hơn 10.000 đối tác thanh toán, 20.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc và liên kết trực tiếp với 15 ngân hàng lớn tại Việt Nam…

MoMo được các nhà đầu tư đánh giá là startup lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Những con số ấn tượng trên là thành quả sau 10 năm nỗ lực không ngừng của những nhà sáng lập.

Cái giá của ý tưởng đến quá sớm và đi trước thời đại

Chia sẻ về hành trình đến với “trái ngọt” như ngày hôm nay, ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty M-Service cho biết, gần 10 năm cũng là ngần ấy thời gian những người sáng lập đối mặt với muôn vàn khó khăn, leo qua rất nhiều ngọn đồi và leo lên leo xuống.

MoMo ra đời trong bối cảnh 80% dân số Việt Nam không có tài khoản ngân hàng. Người dân ở các nước đang phát triển không có nhiều cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ tài chính chuyên nghiệp như tiết kiệm, chuyển tiền, đầu tư... Vì vậy, khó khăn lớn nhất khi triển khai MoMo là niềm tin của người tiêu dùng.

CEO MoMo kể về hành trình sống sót và cái giá phải trả khi ý tưởng đến quá sớm, đi trước thời đại - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty M-Service

Chưa kể, nguồn vốn của nhóm hạn chế, chưa có sản phẩm, kinh nghiệm làm ứng dụng tài chính. Bất chấp thực tế ấy, nhóm 4 người vẫn quyết định khởi động ý tưởng, miệt mài nghiên cứu để tìm cách tạo ra sản phẩm. Dạng ban đầu của MoMo là công cụ chuyển tiền, nạp tiền qua số điện thoại di động. Tuy nhiên, ứng dụng này có nhược điểm là chỉ những người sở hữu sim của Vinaphone mới có thể sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, sau mỗi lần cập nhật phiên bản mới, người dùng phải thay sim. Phản hồi của người dùng là quá ít tiện ích, dịch vụ quá mới, khó sử dụng.

Tiếp theo, những nhà sáng lập tiếp tục có tham vọng lớn khi thành lập công ty thanh toán chi trả (không phụ thuộc vào công nghệ di động), giống mô hình của một công ty ở châu Phi, nhưng văn hóa khác, cơ sở hạ tầng khác, mối tương quan viễn thông không giống nhau nên tiếp tục không thành công.

“ Thời điểm đó, cái giá của ý tưởng đến quá sớm và đi trước thời đại là chúng tôi đã phải đánh đổi những mất mát về cả nguồn lực con người, công sức lẫn tài chính. Những chuỗi ngày ấy đúng là cố cầm cự để sống sót”, ông Tường giãi bày.

CEO MoMo kể về hành trình sống sót và cái giá phải trả khi ý tưởng đến quá sớm, đi trước thời đại - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ con đường khởi nghiệp công nghệ tại Fobers Summit 2019

Biết chọn đúng thời để đầu tư

Đến năm 2013, khi tỉ lệ người dùng di động ở Việt Nam tăng lên, ý tưởng xây dựng ứng dụng tích hợp vào điện thoại thông minh bắt đầu lại quay trở lại.

“Nhận thấy người dùng internet ngày càng cao, các công ty như Uber, Grab sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh, chúng tôi quyết định thực hiện một ván cược cuối cùng với số phận của MoMo, tập trung luôn vào phiên bản di động. Tuy vậy, thời điểm đó chỉ tập trung vào một vài trường hợp sử dụng ít ỏi nhằm đảm bảo cho khách hàng có trả nghiệm êm đẹp”, ông Tường cho hay.

Đến tháng 6/2014, MoMo lần lượt xuất hiện trên kho ứng dụng dành cho điện thoại Android và iOS, trở thành ví điện tử đầu tiên có phiên bản dành cho thiết bị di động. Hàng trăm nghìn lượt tải Momo đã xuất hiện trong tháng 6, đưa nó vào nhóm 5 ứng dụng tài chính có số lượt tải cao nhất dành cho điện thoại. Sau đó, tốc độ phát triển người dùng của MoMo tăng theo cấp số nhân. Cùng với tốc độ ấy, hàng loạt văn phòng của MoMo xuất hiện ở Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM.

Theo CEO MoMo, thời điểm đó, mức tăng trưởng của MoMo từ 20-30% so với giai đoạn đầu, thu hút được nhiều NĐT hơn.

Lúc nào cũng nghĩ đến giấc mơ kỳ lân thì có lẽ đã chết rồi!

“Nhìn lại 10 năm chông gai, nếu lúc nào chúng tôi cũng nghĩ đến giấc mơ trở thành kỳ lân có khi đã chết rồi. Dù đã có danh mục khách hàng lớn nhưng vẫn còn nhiều việc để chúng tôi làm, chẳng hạn như mở rộng dịch vụ khách hàng. Và tham vọng của MoMo trong giai đoạn tới là một Việt Nam không dùng tiền mặt, mọi người ra phố không cần mang tiền mặt vẫn sống được”, ông Tường chia sẻ tại sự kiện.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, theo ông Tường, đó là nhờ MoMo luôn nỗ lực tập trung xây dựng hệ sinh thái. Hệ sinh thái của MoMo gồm: Ngân hàng, các điểm chấp nhận thanh toán MoMo, các DN bán hàng online, các cơ quan Nhà nước chấp nhận và cấp phép...

CEO MoMo kể về hành trình sống sót và cái giá phải trả khi ý tưởng đến quá sớm, đi trước thời đại - Ảnh 3.

Theo ông Tường, công nghệ là ngành liên tục thay đổi, do đó, người trẻ khởi nghiệp ở lĩnh vực này cũng phải liên tục học hỏi cái mới

“Hãy di chuyển nhanh, phá vỡ mọi giới hạn, thu hút được những người trẻ. Trong khó khăn phải tìm cách sống còn, có trách nhiệm lớn hơn với nhà đầu tư. Công nghệ là ngành liên tục thay đổi, do đó, người trẻ khởi nghiệp ở lĩnh vực này cũng phải liên tục học hỏi cái mới. Nếu không học hỏi thì sẽ sống nay, chết mai”, ông Tường nhấn mạnh.

Theo vị CEO này, với MoMo ở giai đoạn đầu còn nhỏ, có thể thử, sai, thất bại nhiều lần nhưng giờ đã trở thành công ty lớn, mặc dù giống như xe đua vẫn phải chạy nhanh nhưng phải lường được rủi ro và đảm bảo được độ an toàn, không thể giống như trước nữa. “Đi nhanh hay đi chậm còn tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của doanh nghiệp và con người trong doanh nghiệp. Ở lĩnh vực công nghệ dữ liệu của khách hàng là rất quan trọng. Phát triển nhanh đến đâu thì an toàn, an ninh và lòng tin của khách hàng là điều cốt yếu”, ông Nguyễn Mạnh Tường nhấn mạnh.

Theo Phương Nga

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên