Phó Giám đốc Sở TT&TT Bình Định: Chuyển đổi số phải như chiến lược thần tốc của vua Quang Trung
Câu chuyện "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường" tại diễn đàn Vietnam ICT Summit 2019 được ông Võ Gia Nghĩa, PGĐ Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bình Định, tiếp cận theo một góc nhìn mới.
- 08-08-2019GS. Hồ Tú Bảo: Cha ông cầm AK, con cháu phải cầm AI thì quốc gia mới có thể hùng cường!
- 08-08-2019Câu hỏi đặc biệt của Thứ trưởng KHCN Bùi Thế Duy: Việt Nam không nằm trong bất kỳ top nào về công nghệ, không phát minh ra công nghệ thông tin thì lợi thế gì để đi đầu?
- 08-08-2019Chủ tịch Vinasa Trương Gia Bình: Chuyển đổi số đem tới cơ hội phát triển chưa từng, như Amazon là tập đoàn bán lẻ toàn cầu mà chỉ có 6 kế toán
Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn Vietnam ICT Summit 2019, Chủ tịch Vinasa Trương Gia Bình đã kể một câu chuyện: "Trên đường đi họp Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos có dừng ở Thụy Sĩ, anh Phillip Rosler có mời ăn cơm với các doanh nghiệp hàng đầu nước này. Ở đó, người ta nói về một thành phố blockchain.
Có một thành phố khoảng ba vạn dân, nhưng lại chẳng có việc gì làm. Họ quyết định phát triển bằng blockchain, chọn công nghệ làm đường đi và chỉ 3 năm sau đã trở thành trung tâm tiền điện tử lớn nhất thế giới. 300 hãng hàng đầu về blockchain và tiền điện tử đều có mặt. Ai đã là anh hùng hào kiệt về tiền điện tử thì đều có mặt ở thành phố Zug.
Có ý tưởng các địa phương có thể chọn công nghệ là con đường phát triển, và Quy Nhơn cũng đã có ý tưởng như vậy, thì tại sao Việt Nam lại không thể có "thung lũng trí tuệ nhân tạo"?
Dưới cách tiếp cận của ông Võ Gia Nghĩa - PGĐ Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bình Định, ông chia sẻ: "Chuyển đổi số là một cuộc chạy marathon đường dài".
Vậy xuất phát điểm của Việt Nam ở đâu? Hay Bình Định đang nằm ở đâu trong cuộc đua chuyển đổi số của đất nước khi Hà Nội và TPHCM đã có xuất phát điểm khá tốt?
Ông Nghĩa cho rằng, khi Việt Nam đang có xuất phát điểm gần như bằng không, thì phải "vừa tráng bánh, vừa gánh vừa đi" như chiến lược thần tốc của vua Quang Trung chứ không thể đi không được.
"Khi chúng ta có xuất phát điểm rất xa, rất sâu thì phải làm sao có hai người gánh, một người nằm và một người tráng bánh giống như vua Quang Trung thì mới theo kịp tốc độ phát triển của các tỉnh thành cũng như của các quốc gia khác".
Quay lại câu chuyện, để hùng cường thì phải làm gì? Ông Nghĩa chỉ ra hai vấn đề, trước hết là các chính sách dưới góc độ chính phủ, và thứ hai là quyết tâm chính trị của các địa phương. Địa phương nào có lãnh đạo, Chủ tịch hay Bí thư "máu" về công nghệ thông tin hay khoa học công nghệ thì địa phương đó sẽ nhìn thấy nhiều bức tranh về AI rõ ràng hơn. Còn nếu địa phương thiếu sự quyết đoán về vấn đề này thì cái nhìn sẽ khác đi, sẽ thấy rằng AI rất khó để phát triển ở địa phương.
Tổ hợp không gian khoa học tại thành phố Quy Nhơn
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng chia sẻ cái khó về nguồn lực của địa phương khi gần như tất cả các bạn sinh viên khá giỏi đều "chảy" về Hà Nội và TPHCM. Như vậy chính sách của địa phương cần phải có sự bứt phá rõ ràng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Bình Định hy vọng rằng các doanh nghiệp nên có chính sách "việc đâu người đấy". Nếu Viettel, FPT hay VNPT đầu tư vào Bình Định, có công việc gì về AI đem về Bình Định, thì nguồn nhân lực rất mạnh của doanh nghiệp sẽ tạo động lực phát triển cho địa phương.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư chi biết: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có ý định sẽ hỗ trợ Quy Nhơn. Trung tâm Đổi mới sáng tạo sẽ chỉ mở ở cấp quốc gia, tuy nhiên ở các tỉnh thì Bộ cũng không quá tham vọng có thể bao trùm các địa phương, nhưng vẫn mong muốn khuyến khích các địa phương cung cấp các mô hình hoạt động, đưa ra các thông lệ và chính sách ưu đãi để nếu có thể sẽ mở rộng các mô hình này. Với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, nếu có chương trình hoạt động sẵn sàng trao đổi và phối hợp kết nối với các tỉnh".