Phó Thủ tướng: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể làm giảm 6.000 tỷ đồng GDP của Việt Nam trong 5 năm tới
Về dài hạn, thương chiến Mỹ - Trung sẽ có những tác động ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết tại Nghị trường sáng 6/6.
- 04-06-2019“Không thể nói Mỹ tốt hay Trung Quốc tốt mà chúng ta phải chọn nhà đầu tư tốt”
- 02-06-2019Thấy gì từ cơ hội của Việt Nam có thể vượt Italia, Pháp, Anh, Ấn để trở thành nguồn cung hàng hoá lớn thứ 7 cho Mỹ?
- 27-05-2019Việt Nam lựa chọn ra sao khi thế giới công nghệ đang phân thành hai cực Trung - Mỹ?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là thành viên Chính Phủ "chốt" lại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ông sẽ tham gia làm rõ các vấn đề liên quan được đặt ra trong 2 ngày làm việc vừa qua và trả lời các câu hỏi của đại biểu.
Đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết: "Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang vào hồi quyết liệt, xin Phó Thủ tướng nêu quan điểm và hành động của chúng ta như thế nào cho phù hợp?".
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết đây là câu hỏi được sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới, không riêng Việt Nam do thương chiến Mỹ - Trung tác động lớn đến kinh tế, thương mại khu vực, toàn cầu.
"TGĐ IMF đã nêu 1 trong 4 đám mây bao phủ nền kinh tế toàn cầu là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung", ông nói. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá một khi cuộc chiến này kéo dài, tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 3,5% xuống còn 3,2%.
Việt Nam là một nước có độ mở kinh tế rất lớn, lên đến 200% GDP, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh bất cứ biến động gì của thế giới cũng sẽ tác động đến Việt Nam. Do vậy, từ năm 2018, khi căng thẳng giữa hai cường quốc nổ ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo thành lập 1 ban nghiên cứu để đánh giá tác động và kiến nghị chính sách.
Về ngắn hạn, ông cho biết một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể được lợi. Nhưng nếu trong dài hạn, nền kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng. "Trong 5 năm tới có thể giảm GDP khoảng 6.000 tỷ đồng", ông nói.
Về biện pháp, ông cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, đồng thời phải nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư.
Một vấn đề quan trọng khác, theo Phó Thủ tướng, là trước xu hướng chuyển dịch dòng vốn nước ngoài vào, Việt Nam cần phải có sự lựa chọn những nhà nhà đầu tư có năng lực tốt, đảm bảo môi trường, công nghệ cao. "Ngoài ra chúng ta cũng phải hết sức cảnh giác, tiến hành các biện pháp phòng ngừa, chống gian lận thương mại", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói thêm.