Phó Tổng giám đốc HSC: Có 4 yếu tố để nhà đầu tư nước ngoài quyết định phân bổ tài sản vào thị trường Việt Nam
Theo ông Giang, so với cách đây 10 năm, thị trường nay đã khác nhiều, quy mô thị trường đã lớn hơn rất nhiều và mang đến rất nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư.
Trước sức nóng của thị trường chưa có dấu hiệu sụt giảm, thậm chí còn nóng hơn sau khi đã tăng rất mạnh trong năm 2017, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước đã quyết định lấy ý kiến về việc sửa đổi quy chế giao dịch ký quỹ (margin), dự kiến tăng tỷ lệ ký quỹ từ 50% lên 60%, nhằm tăng cường quản trị rủi ro cho các công ty chứng khoán và nhà đầu tư hướng đến sự tăng trưởng bền vững của thị trường.
Nói về việc nâng tỷ lệ ký quỹ lên 60%, ông Giang cho rằng, việc nâng tỷ lệ ký quỹ ban đầu lên 60% sẽ tác động làm các nhà đầu tư bớt ‘nóng’ hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tỷ lệ ký quỹ duy trì vẫn giữ được giữ nguyên, do vậy mức độ tác động sẽ không thực sự đáng kể.
"Chúng tôi thấy rằng, dòng tiền thật từ nước ngoài đang đổ khá mạnh vào thị trường cuối quý IV/2017 và đầu năm nay là yếu tố giúp thị trường nóng lên trong những ngày đầu năm nay, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc" - Ông Giang nói.
Ông Giang cho rằng, có 4 yếu tố để nhà đầu tư nước ngoài quyết định phân bổ tài sản vào thị trường Việt Nam. Thứ nhất là độ rộng; thứ 2 là độ sâu của thị trường; thứ 3 là thông tin và thứ 4 pháp lý. Khi nói chuyện với các nhà đầu tư nước ngoài, điều họ đang nói đến đó là sự chuyển dịch cơ cấu của kinh tế Việt Nam.
"Thị trường vốn năm 2017 đã tăng 50% là một tín hiệu rất tích cực. Năm vừa qua, chúng ta đã mở room 100% cho 1 số DN như VNM và bán bớt vốn ở một 1 số DN nhà nước đang nắm giữ như VNM, Sabeco, HVN, VCB,…Điều đó thể hiện sự chuyển định cơ cấu nền kinh tế và sẽ khiến nền kinh tế phát triển một cách hiệu quả hơn theo thị trường.", Phó TGĐ HSC dẫn chứng.
Ông Giang cho rằng, dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, họ kỳ vọng vào sự cải thiện, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới là khả quan và bền vững hơn khi nền kinh tế thay đổi về chất. Thị trường hiện nay không đáng ngại khi những yếu tố như chi tiêu công, đầu tư chính phủ và chính sách tiền tệ nhìn chung đang được kiểm soát tốt.
Theo ông Giang, so với cách đây 10 năm, thị trường nay đã khác nhiều, quy mô thị trường đã lớn hơn rất nhiều và mang đến rất nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư.
Hiện P/E của thị trường Việt Nam đã không còn thấp hơn so với các nước trong khu vực, khoảng 19 lần. Ông Giang cho rằng, mức P/E hiện nay không phải là cao nếu nhìn vào chất lượng thu nhập và tốc độ tăng trưởng. Với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,7% thì PE như vậy thì không phải có vấn đề đáng quan ngại.
"Một số cổ phiếu có vẻ đắt nhưng chất lượng rất cao, lợi nhuận tăng trưởng tốt, như VNM chẳng hạn." ông Giang nói.
Theo ông Giang thì bên cạnh các Blue chips có tốc độ tăng trưởng tốt, các nhà đầu tư cá nhân cũng có thể cân nhắc những cổ phiếu penny chưa tăng tại mức P/E từ 7-10 lần. Quan trọng nhất vẫn phải đánh giá đầy đủ về chất lượng tài sản, chất lượng tăng trưởng.
Thị trường tăng trưởng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản đang tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cho các công ty chứng khoán. Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận của HSC đã tăng trưởng đến 87% và 82% so với cùng kỳ năm trước, vượt đến 53% kế hoạch cả năm.
Kế hoạch được HĐQT HSC đặt ra cho năm 2018 sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng 31% về lợi nhuận. Mục tiêu này theo đánh giá của ông Giang là rất có cơ sở khi mà thị trường ngày càng nhiều sản phẩm mới, các nguồn thu ngày càng đa dạng hơn.
Trí Thức Trẻ