MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phố Wall nay đã khác xưa

20-10-2016 - 12:45 PM | Tài chính quốc tế

Global Trading System, một trong 4 công ty giao dịch tần số cao (high – frequency – trading, HFT) quản lý toàn bộ các giao dịch trên sàn NYSE, đang tạo nên một cuộc cách mạng.

Đó là thời điểm cuối ngày trên sàn giao dịch chứng khoán New York tọa lạc tại Lower Mahattan, cũng là lúc “cuộc chiến” giữa Global Trading Systems và thế giới nổ ra.

Những nhân viên môi giới chứng khoán (broker) trong chiếc áo khoác màu xanh quen thuộc tụ tập xung quanh khu vực giao dịch của GTS, mong muốn bán ra cổ phiếu Alibaba. Họ đưa ra con số trên mức 98 USD/cổ phiếu và dự đoán “gã khổng lồ” thương mại điện tử đến từ Trung Quốc sẽ đóng cửa ở mức giá 98 USD. Trong khi đó GTS không cho là như vậy.

“Mọi thứ hoạt động rất trơn tru, không có lý do gì để chần chừ”, Patrick Murphy (47 tuổi), người đứng đầu nhóm tạo lập thị trường trên sàn NYSE của GTS, nói. Làn da rám nắng và mái tóc vàng mềm mại khiến anh trở nên đặc biệt, giống như một người vừa từ bãi biển phía Nam California trở về.

Murphy cho rằng cổ phiếu Alibaba sẽ đóng cửa ở trong khoảng 97,25 đến 97,5 USD. Anh rất tự tin vào con số này, sau khi nhìn vào kết quả chạy những thuật toán phức tạp của riêng mình đang lấp đầy 5 màn hình máy tính ở trước mặt và xung quanh. Murphy đã sử dụng tới 35 dữ liệu đầu vào, trong đó có cả tỷ giá và diễn biến của các ETF, để dự đoán giá cổ phiếu Alibaba, với độ chính xác khá cao.

Vai trò của Murphy khá giống với một chiếc phao cứu sinh: theo dõi chặt chẽ giá cổ phiếu trong toàn bộ thời gian giao dịch và nhảy vào khi có diễn biến bất thường. Đối với 1.200 cổ phiếu mà GTS quản lý, Murphy sử dụng các thuật toán để đào sâu nghiên cứu biến động giá và quyết định sẽ đầu tư bao nhiêu nếu nhìn thấy một cổ phiếu đang chạy ra quá xa so với giá trị hợp lý.

Công việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vào thời điểm cuối ngày giao dịch, khi mà khối lượng tăng đột biến. Đôi lúc các lệnh mua và bán sẽ đi chệch hướng, giống như cổ phiếu Alibaba trong trường hợp kể trên. Ngày hôm đó Murphy đã bán hơn 150.000 cổ phiếu Alibaba (tức giá trị giao dịch lên đến hơn 14 triệu USD) để lúc đóng cửa cổ phiếu này không biến động quá xa so với dự đoán.

Khi tiếng chuông đóng cửa vang lên, cổ phiếu BABA ở mức 97,42 USD – nằm trong khoảng ước tính. “Ngày hôm nay những cỗ máy đã đúng”, Murphy có thể thở phào nhẹ nhõm.

Cách đây 1 năm, GTS vẫn chưa xuất hiện trên NYSE và chỉ là một kẻ vô danh trên thị trường tài chính lặng lẽ gửi đi lệnh mua bán từ các trung tâm dữ liệu. Nơi mà GTS đang đứng từng là chỗ của Barclays.

Tại sao một công ty giao dịch tần số cao mới chỉ 10 năm tuổi luôn tự hào về sức mạnh công nghệ và chỉ cần nhóm nhỏ nhân viên để vận hành lại muốn vươn tới một vị trí đặc biệt trên sàn giao dịch chứng khoán hàng trăm năm tuổi? Câu trả lời lại là một triết lý đơn giản đã điều khiển thị trường tài chính bao lâu nay: GTS muốn có khách hàng.

GTS đang là một thành viên của một nhóm mới nổi trên phố Wall đang làm thay đổi hoàn toàn hoạt động giao dịch. Cùng với Virtu Financial, Jump Trading, DRW Holdings và Hudson River Trading, GTS nằm trong số những công ty đầu tiên sử dụng toàn bộ nguồn lực phục vụ cho mục tiêu duy nhất: trở thành những nhà giao dịch nhanh nhất và hiệu quả nhất trên thị trường. Khi mà công nghệ ngày càng phát triển và ảnh hưởng nhiều hơn đến hoạt động giao dịch, đón đầu xu hướng là một lựa chọn khôn ngoan.

Theo số liệu của Tabb Group, năm 2009 các công ty giao dịch tần số cao có lợi nhuận lên đến hơn 7 tỷ USD. Thu nhập hậu hĩnh giúp các công ty hàng đầu tiếp tục duy trì công nghệ. Tuy nhiên vì sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, lợi nhuận đã giảm tới 80% và do đó tìm ra con đường mới sẽ là điều có ý nghĩa sống còn.

Nhiều công ty đang chú ý đến những mảng kinh doanh vốn gắn liền với các ngân hàng nhưng ở thời điểm hiện tại đang bị co hẹp bởi ràng buộc về luật lệ và chi phí công nghệ tăng cao. Thay vì đối đầu, các định chế tài chính lớn chuyển sang cách thuê ngoài, tìm những công ty chuyên về công nghệ. Ví dụ điển hình là các ngân hàng kết nối bàn giao dịch tiền tệ với số liệu về giá từ các công ty giao dịch tần số cao (trong đó có GTS) để hoàn thành lệnh giao dịch cho khách hàng.

Xu hướng này tạo ra những sự thay đổi lớn trên sàn NYSE. Vài năm trước, các ngân hàng trong đó có Goldman Sachs và Bank of America là những cái tên hàng đầu ở đây. Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, 4 công ty giao dịch điện tử là GTS, Virtu, Citadel Securities và IMC Financial Markets – đang quản lý gần như toàn bộ các giao dịch trên sàn NYSE. Barclays là ngân hàng cuối cùng rời đi. GTS mua lại mảng giao dịch của Barclays, tiếp quản những cổ phiếu Twitter và Berkshire Hathaway. Đối với GTS, vị trí trên sàn giao dịch là một bước tiến đến gần hơn với các khách hàng doanh nghiệp.

Đó cũng chính là mục tiêu trọng tâm mà CEO Ari Rubenstein của GTS đang hướng tới. Đối với người từng hoạt động trên thị trường hàng hóa, chuyển từ các trung tâm dữ liệu sang sàn giao dịch là điều không thể tránh khỏi.


CEO Ari Rubenstein của GTS.

CEO Ari Rubenstein của GTS.

Có bố mẹ đều là giáo viên trung học, Rubenstein lớn lên ở Long Island. Đang học năm hai ngành triết học và tâm lý ở ĐH Vermont, anh ngay lập tức bị ngành tài chính thu hút sau một chuyến thăm quan sàn NYSE. Năm 1994, Rubenstein gia nhập sàn giao dịch hàng hóa New York NYMEX.

Nhiều năm sau đó, anh gặp David Lieberman và Amit Livnat, tạo thành bộ ba sáng lập của GTS, với niềm tin lớn lao rằng máy tính sẽ nhanh nhẹn và phù hợp hơn so với con người trong việc mua và bán chứng khoán.

GTS từ chối công bố thông tin về khối lượng giao dịch hàng ngày, nhưng từng nói rằng tổng giá trị ngoại hối mà hãng giao dịch trong nửa đầu năm 2016 cao gấp đôi với cùng kỳ năm ngoái và trong 4 tuần quanh sự kiện Brexit, khối lượng cao gấp 3 lần so với 4 tuần trước đó. GTS có khoảng 106 nhân viên, trong đó có 25 người hoạt động trên sàn NYSE.

Rubenstein cho rằng GTS không muốn thay thế các ngân hàng đầu tư mà muốn hợp tác đôi bên cùng có lợi, tạo thành một “hệ sinh thái” bền vững.

Nhưng không phải công việc lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Vì hoàn toàn dựa vào thuật toán, rủi ro cũng rất lớn. Một lỗi giao dịch nhỏ cũng có thể trở thành thảm họa. Năm 2012, Knight Capital mất 440 triệu USD chỉ vì một lỗi nhỏ trong thuật toán và sau đó bị thâu tóm.

Ngoài ra, không giống như những ngân hàng lớn nhất thế giới, các công ty như GTS không thể cung cấp dịch vụ repo hay nghiên cứu nhiều loại thị trường khác nhau. Đây vốn là những dịch vụ giúp ngân hàng làm vừa lòng khách hàng. Rõ ràng các ngân hàng vẫn là nhóm thống trị và tạo lập thị trường.

Cho đến nay Rubenstein vẫn coi mình là một sinh viên thực tập trên thị trường. Anh đến NYSE mỗi tuần 1 lần để học hỏi từ những người kỳ cựu như Murphy và thuyết phục các công ty hãy chọn GTS. Dù thuật toán là cốt lõi của GTS, Rubenstein vẫn cho rằng thành công ngày nay đến từ những kỹ năng mà anh đã học được trên sàn giao dịch hàng hóa.

Vài phút sau khi thị trường đóng cửa, sàn NYSE đã trống trơn. Thị trường sẽ mở cửa trở lại vào 9h30 ngày hôm sau, và GTS sẽ tiếp tục công việc của mình trong góc nhỏ này, sẵn sàng đương đầu với thế giới ngoài kia một lần nữa.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên