MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phong cách rót 37 tỷ kiểu "Bank Tank" của Shark Phú: Tất cả đều là cho vay, lãi suất tới 20%, phải có nhà thế chấp, sau 1 - 2 năm mô hình thành công mới thực sự đầu tư!

21-10-2018 - 21:46 PM | Doanh nghiệp

Các startup được Shark Phú cam kết rót vốn trên sóng Shark Tank mùa 2 đều theo hình thức trái phiểu chuyển đổi: Bản chất là khoản vay có lãi suất đi kèm, chỉ chuyển thành cổ phần sau một khoảng thời gian nhất định. Chính Shark Hưng cũng hài hước gọi hình thức này là “Bank Tank”.

Shark Tank Việt Nam chính thức kết thúc cách đây không lâu, ghi nhận Shark Việt là người hào phóng nhất với cam kết đầu tư lên tới 47 tỷ 150 triệu đồng. Theo sau đó là Shark Phú với 37 tỷ 285 triệu đồng.

Tuy nhiên nếu Shark Việt khá "rắn" khi yêu cầu tỷ lệ cổ phần chuyển đổi cao thì chủ tịch Sunhouse còn "rắn" hơn nữa: Tất cả 5 startup được Shark Phú rót vốn đều dưới hình thức trái phiếu chuyển đổi, không có startup nào nhận đầu tư trực tiếp quy ra cổ phần.

Cụ thể hơn, trong mùa này, Shark Phú rót vốn vào mắm Lê Gia, Dota với sản phẩm cầu đi xe máy, trung tâm triển lãm yến sào Vibec của thương hiệu Yến Quân, startup tự động hóa robot 3T và chuỗi kinh doanh phụ tùng ôtô Sendan Việt. Khoản vốn đầu tư cho mỗi startup dao động từ 4-10 tỷ đồng, đều dưới dạng trái phiếu chuyển đổi với lãi suất khoảng 10 - 20%/năm.

Phong cách rót 37 tỷ kiểu Bank Tank của Shark Phú: Tất cả đều là cho vay, lãi suất tới 20%, phải có nhà thế chấp, sau 1 - 2 năm mô hình thành công mới thực sự đầu tư! - Ảnh 1.

Vì là hình thức trái phiếu chuyển đối nên các thương vụ đầu tư trên đều rất an toàn, nhưng an toàn nhất vẫn là thương vụ cam kết rót vốn vào trung tâm triển lãm yến của Yến Quân.

Dù thương vụ này có nhiều tranh cãi về số liệu kinh doanh và cấu trúc công ty rắc rối, Shark Phú vẫn đồng ý rót 10 tỷ đồng với hình thức trái phiếu chuyển đổi, lãi suất 18%/năm. Nếu startup đủ KPI, shark sẽ đàm phán tiếp điều kiện để chuyển đổi sang cổ phần. Còn nếu không, khoản 10 tỷ là khoản vay được thế chấp bằng toàn bộ tài sản của Yến Quân gồm nhà yến, thương hiệu Yến Quân.

Phong cách rót 37 tỷ kiểu Bank Tank của Shark Phú: Tất cả đều là cho vay, lãi suất tới 20%, phải có nhà thế chấp, sau 1 - 2 năm mô hình thành công mới thực sự đầu tư! - Ảnh 2.

Dù màn gọi vốn của Yến Quân gây nhiều tranh cãi, nhưng Shark Phú vẫn đầu tư 10 tỷ đồng vì cho rằng phương án đầu tư bằng trái phiếu chuyển đổi cực an toàn, chưa kể Yến Quân còn phải thế chấp nhà yến.

Trong một cuộc trò chuyện của các Shark sau khi Shark Tank đóng máy, chính bản thân Shark Phú cũng thừa nhận phương án đầu tư này "cực kỳ an toàn", "không có gì rủi ro cả". Chẳng cần biết nhà yến đó hình thù thế nào, Shark vẫn sẵn sàng bỏ vốn.

"Deal Yến Quân là trái phiếu chuyển đối, cộng với có tài sản đảm bảo, lãi suất thì 18%/năm nên không có gì rủi ro cả. Chưa kể nếu mô hình ấy thành công sau 18 tháng hoặc 2 năm thì chả có lý do gì tôi không đầu tư. Tôi nghĩ phương án ấy cực kỳ an toàn".

Shark Phú cũng thừa nhận trong mùa 2 này, ông không đầu tư cổ phần trực tiếp vào startup nào vì "chủ trương là cứ phải sau 1 năm mới quyết định có đầu tư vốn hay không".

Nhắn gửi đến các startup của Shark Tank mùa 3, chủ tịch Sunhouse khuyên họ nếu tham gia hãy trung thực về số liệu.

"Số liệu khi các bạn nói đến trên truyền hình phải tuyệt đối trung thực vì các shark chỉ có 1 khoảng thời gian cực ngắn để định giá lại giá trị công ty và đưa ra offer chính xác. Đặc biệt việc này còn rút ngắn khoảng thời gian DD (Due Diligencesau-thẩm định, PV) để các Shark có thể nhanh chóng rót vốn cho startup".

Dù bênh vực shark Phú, cho rằng khoản vay chuyển đổi khá phổ biến trong cách đầu tư của các quỹ nói chung chứ không chỉ riêng Shark Phú, nhưng Shark Dũng cũng khuyên startup nếu lên chương trình nên gọi số vốn nhỏ trước. Như vậy tỷ lệ nhận được đầu tư sẽ cao hơn.

"Với mùa 3, các bạn lên chương trình nên bắt đầu từ con số nhỏ vì luật của chương trình là không thể giảm số tiền đầu tư. Nếu các shark thực sự quan tâm các shark có thể tăng số tiền đầu tư lên và đàm phán tại thời điểm ấy, như vậy sẽ dễ dàng cho các bạn startup nhận đầu tư hơn", Shark Dũng khẳng định.

Hiểu đơn giản, trái phiếu chuyển đổi bản chất là một khoản vay có lãi suất đi kèm. Sau một thời gian, nhà đầu tư có quyền chuyển trái phiếu thành cổ phiếu tương đương với số cổ phần nhất định, hoặc thu về khoản nợ ban đầu (gồm cả gốc và lãi). Dù startup thành công hay thất bại, nhà đầu tư vẫn là người được lợi.

Theo Hồng Lam

Trí thức trẻ

Trở lên trên