MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PNJ và 'cái bóng' DongABank

26-03-2018 - 13:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ và DongABank được cho là có mối quan hệ mật thiết khi Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung là vợ ông Trần Phương Bình - nguyên Chủ tịch DongABank.

Câu chuyện người kế nhiệm ở PNJ làm nhiều người nhớ đến DongABank và người kế nhiệm của ông Trần Phương Bình. Vào năm 2011, lần đầu tiên ông Bình nhắc đến người kế nhiệm ở DongABank. Ở thời điểm đó, sau gần 20 năm hình thành và phát triển, DongABank đã không có nhiều sự bứt phá, thậm chí còn phát triển chậm hơn so với nhiều ngân hàng khác.

Lúc đó, động lực cho DongABank đó là cần một người thay thế ông Bình ngồi vào ghế tổng giám đốc. Thời điểm đó, ông  Lê Trí Thông, 1 trong 6 phó tổng giám đốc DongABank đã được ông Bình nhắm đến và đào tạo, mà theo cách nói của ông Bình là “đào tạo một cách bài bản”.

Tuy nhiên, sau 4 năm kể từ thời điểm được giới thiệu là người kế nhiệm, anh Lê Trí Thông bất ngờ nói lời chia tay DongABank (năm 2014) với lý do tìm con đường riêng và có thể gắn bó với ngành tư vấn. Vào năm 2015, DongABank bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Đến năm 2016, ông Trần Phương Bình bị bắt.

Thế nhưng bất ngờ, trong một động thái mới đây, sau vài ngày sau thông tin em gái ruột Lê Diệp Kiều Trang sẽ giữ chức Giám đốc Facebook Việt Nam, ông Lê Trí Thông cũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) thay bà Cao Thị Ngọc Dung - vợ ông Trần Phương Bình. Như vậy có thể nói, ông Lê Trí Thông vẫn là người được vợ chồng ông Bình, bà Dung "nhắm" đến.

PNJ và cái bóng DongABank - Ảnh 1.

Ông Lê Trí Thông cũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) thay bà Cao Thị Ngọc Dung

Nói về PNJ, vào những năm 2012, cú sốc kinh doanh vàng miếng khiến doanh thu thuần của PNJ lao dốc từ gần 18.000 tỷ xuống khoảng 6.700 tỷ đồng, trong đó doanh thu vàng miếng giảm 70% so với năm 2011. Đến năm 2015, công ty thêm một cú sốc không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà từ khoản đầu tư lâu năm vào Ngân hàng TMCP Đông Á.

Ngoài mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi, PNJ còn lấn sân sang ngân hàng, bất động sản và ngành khác… Đó là các khoản đầu tư hiện còn nắm giữ như DongABank, Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á, Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn M&C hay các khoản đã thoái vốn gồm Công ty Cổ phần Quê hương Liberty, Dự án Hoàng Minh Giám, Công ty Cổ phần Địa ốc Kinh Đô, Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt, Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC)…

Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là vào DongABank với hơn 395 tỷ đồng, tương đương gần 38,5 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 7,7% vốn (tại thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongABank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn). Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT PNJ, cũng từng là Chủ tịch HĐQT DongABank từ năm 1992-1997.

Mối quan hệ của DongABank và PNJ còn thể hiện ở các khoản vay và dùng khoản đầu tư cổ phiếu vào DongABank làm tài sản thế chấp cho nhiều khoản vay của PNJ.  Vì có mối quan hệ là vợ chồng, nên sự thất bại của ông Trần Phương Bình từ việc tìm người kế nhiệm cho đến việc DongABank bị kiểm soát đặc biệt như một cái bóng ảm ảnh PNJ.

Sau nhiều năm song hành mật thiết cùng nhau, bất ngờ đến năm 2015, DongABank trở thành cú sốc ảnh hưởng lớn vào chính kết quả kinh doanh của PNJ khi Ngân hàng Nhà nước công bố kiểm soát đặc biệt. Trước đó PNJ công bố báo cáo quý II/2015 tự lập với khoản trích lập dự phòng 55 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào DongABank và lãi sau thuế hợp nhất 6 tháng thu về hơn 175 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau soát xét, PNJ đã tăng trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào DongABank, nâng số dư khoản trích lập dự phòng rủi ro đầu tư dài hạn tại PNJ từ 55 tỷ lên 141 tỷ đồng, làm tăng chi phí tài chính trong kỳ và kéo giảm lợi nhuận sau thuế hợp nhất tụt xuống còn 107 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tài chính riêng quý III/2017 cho thấy, khoản đầu tư này hiện đã được PNJ trích lập dự phòng 100%. Con số này cao gấp 3 lần lợi nhuận sau thuế quý III/2017 của PNJ.

Do bị đưa vào đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nên cổ phiếu DAF của DongABank không còn sinh lời, cổ đông cũng không thể mua bán, chuyển nhượng được.

Khi DongA Bank ra đời, PNJ đã hoạt động được 4 năm. DongABank ra đời và hoạt động trên nền tảng của các công ty trực thuộc ban tài chính của UBND TP. HCM và quận Phú Nhuận. Tại thời điểm cuối năm 2012, Văn phòng Thành ủy TP. HCM và 2 công ty liên quan sở hữu 12,47% cổ phần DongABank, trong đó Văn phòng Thành ủy TP. HCM là cổ đông lớn nhất sở hữu 6,87% cổ phần ngân hàng này.

Đến nay, theo công bố thông tin sở hữu, với tỷ lệ sở hữu tổng cộng 12,73%, ông Phan Văn Anh Vũ (được biết đến với tên gọi Vũ ''nhôm'') và Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (ông Vũ là người đại diện phần vốn góp này) là nhóm cổ đông lớn nhất của DongA Bank, xếp trên Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (7,7%) và Văn phòng Thành uỷ TP. HCM (6,87%). Ông Vũ đã bị bắt vì tội làm lộ bí mật Nhà nước.

Ngoài 7,7% vốn do PNJ nắm giữ, ông Trần Phương Bình, bà Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 con gái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà đang sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần tại nhà bằng này.

PNJ và cái bóng DongABank - Ảnh 2.

Hiện tại, PNJ chỉ còn duy trì 2 công ty con, liên quan đến ngành trang sức là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thời trang CAO và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Giám định PNJ (PNJLab). Đối với những khoản đầu tư ngoài ngành, công ty đã bán lại hoặc dự phòng đầy đủ.

Sau 29 năm hình thành và phát triển, chủ tịch và tổng giám đốc vẫn chỉ là một người duy nhất là bà Cao Thị Ngọc Dung. Dù vẫn phát triển, nhưng PNJ cần một động lực mới từ người điều hành và quan trọng hơn, cần phải thoát khỏi "cái bóng" của DongABank. Bất cứ một thay thế nào cũng khó lấp đầy chỗ trống. Đây có thể xem là áp lực rất lớn cho lớp kế thừa trẻ như ông Lê Trí Thông - người vừa được bổ nhiệm vào chiếc ghế CEO.

Theo Mai An

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên