MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PVFCCo giới thiệu sản phẩm phân bón mới - Đạm Silic Kali PM 35-6- 8+TE.

02-08-2017 - 13:30 PM | Thị trường

Trong tháng 7/2017, PVFCCo đã cho ra đời sản phẩm Đạm Silic Kali PM 35-6-8+TE kinh doanh thử nghiệm tại thị trường Đông Nam Bộ, tiến tới bán thương mại rộng rãi. Đây là một trong những mốc quan trọng đánh dấu quá trình nghiên cứu và sản xuất sản phẩm mới của PVFCCo, góp phần đa dạng hóa bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ.

Trước đó, PVFCCo cũng đã nghiên cứu và kinh doanh thử nghiệm thành công sản phẩm Khoáng hữu cơ PM32 trên thị trường Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Miền Trung.

Đạm Silic Kali PM 35-6-8+TE là loại phân hỗn hợp bón rễ, có dạng viên nén, kích thước hạt từ 2-5mm để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người sử dụng. Đây là sản phẩm có hàm lượng khoáng cao, đặc biệt là hàm lượng đạm cao (35-41%), hàm lượng Kali 8%, thành phần trung lượng Silic được bổ sung ở mức cần thiết 6%, các vi lượng kẽm, bo bổ sung được khống chế không quá 1% khối lượng nguyên liệu. Với thành phần như vậy, sản phẩm được đánh giá thích hợp với nhiều loại đất và nhiều loại cây trồng khác nhau.

Đặc biệt, thành phần silic giúp cây sinh trưởng tốt: chống đổ ngã, bộ lá đứng, cây quang hợp tốt; chống sự xâm nhập của sâu bệnh; giảm thiểu sự mất nước (chống hạn, chống nóng, chống úng tốt); thúc đẩy chức năng oxy hóa và hô hấp, loại bỏ khả năng bị ngộ độc Fe, Al và Mn; giúp loại bỏ sự mất cân đối dinh dưỡng có hại giữa kẽm và lân trong cây làm cho cây khoẻ hơn.

Sản phẩm này là sự kết tinh của quá trình nghiên cứu, thử nghiệm từ năm 2014 của Tổng công ty do bộ phận Nghiên cứu Phát triển (R&D) làm đầu mối triển khai thực hiện. Sơ khởi, PVFCCo phối hợp với trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm bằng công nghệ nén viên để sản xuất ra thành phẩm phối trộn Urê Phú Mỹ với SiO2 từ tro trấu. Với kết quả thực nghiệm khả thi, PVFCCo đã triển khai sản xuất thử nghiệm sản phẩm Đạm Silic trên dây chuyền nén viên tại Xưởng thực nghiệm của Tổng công ty.

Trong vòng 6 tháng, Bộ phận R&D của PVFCCo đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất: điều chỉnh để xác định tỷ lệ phối trộn các nguyên liệu hợp lý, cho ra sản phẩm có thành phần, hàm lượng ổn định, công thức đa dạng (Đạm Silic bổ sung thêm các đa lượng Kali, Lân và các vi lượng kẽm, Bo); cân chỉnh, cải tiến thiết bị, hệ thống và lập các phương án vận hành hệ thống, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thử nghiệm và tăng hiệu quả vận hành sản xuất. Đến nay, sản phẩm đã tăng độ đồng đều, độ cứng được cải thiện, màu sắc đồng nhất.

Sản phẩm đã được thử nghiệm và khảo nghiệm diện hẹp trên cây lúa ngô, mía để đánh giá hiệu quả nông học. Kết quả cho thấy có hiệu quả vượt trội so với mô hình đối chứng sử dụng phân bón theo truyền thống, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt (bộ lá, thân khỏe, cứng chắc vươn thẳng, ít ngã đổ), ít sâu bệnh, năng suất và hiệu quả kinh tế tăng hơn 10% so với đối chứng.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên