PVN vẫn đầy “lạc quan” giữa tâm bão!
Giữa tâm bão dư luận liên quan đến hàng loạt vụ bê bối lãnh đạo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn công bố kết quả kinh doanh đầy lạc quan.
Theo thông tin mới nhất của PVN, tính đến hết tháng 11/2017, PVN gần như đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất.
Trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng như tổng doanh thu, PVN đã về đích trước 1 tháng, đạt 437,800 tỷ đồng tính đến ngày 25/11/2017. Đồng thời, nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn cũng đã hoàn thành kế hoạch cả năm, đạt 74.600 tỷ đồng trước 2 tháng.Tương tư, sản xuất xuất đạm cũng sớm cán đích, đạt 1,52 triệu tấn vào ngày 8/11/2017.
Chỉ tiêu “dè dặt”
Nói đi cũng phải nói lại, việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh sớm một phần cũng nhờ năm 2017 PVN đã đề ra cho mình một chỉ tiêu kế hoạch khiêm tốn hơn so với khả năng thực hiện của các năm trước. Cụ thể, năm 2017 Tập đoàn đề ra chỉ tiêu như sau:
• Khai thác đạt 15,2 triệu tấn dầu thô;
• Khai thác 10,61 tỷ m3 dầu khí;
• Sản xuất 20,1 tỷ Kwh điện;
• Sản xuất 1,521 triệu tấn phân đạm;
• Sản xuất 6,798 triệu tấn xăng dầu;
Theo đó, doanh thu cả năm Tập đoàn ước đạt 437.800 tỷ đồng, ghi nhận mức thấp nhất so với 3 năm trước đó. Riêng con số thực hiện trong năm 2016 là 452.500 tỷ đồng, kế hoạch doanh thu năm 2017 sụt giảm gần 15.000 tỷ đồng. Tương tự, các chỉ tiêu về gia tăng trữ lượng, khai thác dầu khí, sản xuất phân ure, điện, xăng dầu… cũng giảm thấp hơn những năm 2015-2016.
Nguyên nhân từng được lãnh đạo PVN đưa ra là do giá dầu sụt giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của PVN. Đơn cử năm 2016, trước biến động giá dầu, PVN bị thất thu khoảng 100.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Sang năm 2017, với dự đoán khó khăn vẫn còn chồng chất và giá dầu diễn biến khó lường, PVN đã đề ra cho mình mục tiêu kinh doanh thận trọng.
Giá dầu tăng, họ “dầu khí” bùng nổ
E dè là vậy, song giá dầu năm 2017 lại tăng tích cực, theo đó nhiều đơn vị kinh doanh trong ngành hưởng lợi. Đây cũng có thể được xem là nguyên nhân thứ hai dẫn dắt PVN hoàn thành sớm chỉ tiêu đề ra.
Đáng chú ý có đơn vị Tập đoàn đang sở hữu đến 95.8% vốn, Tổng Công ty Khí Việt Nam – PV Gas (HOSE: GAS) vừa thông qua về việc điều chỉnh kế hoạch công ty mẹ năm 2017 lên 18.4%. Cụ thể, sau 9 tháng đã vượt kế hoạch lợi nhuận, HĐQT công ty đã nâng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lên 52.000 tỷ và 6.100 tỷ đồng so với con số 47.842 tỷ và 5.152 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2017 thông qua hồi tháng 04/2017. Theo đó, năm 2017 đơn vị này dự kiến đóng góp khoảng 12% tổng doanh thu và khoảng 18-20% lợi nhuận ròng cho Tập đoàn.
GAS là doanh nghiệp độc quyền về thu gom cũng như điều phối; hơn 11 tháng đầu năm nay, không chỉ kết quả kinh doanh mà thị giá cổ phiếu cũng tăng trưởng ấn tượng. Hiện, anh cả đầu đàn này đang giao dịch tại mức 93.100 đồng/cp (chốt phiên 22/12), ghi nhận tỷ lệ tăng hơn 63,5% so với mức giá đầu năm.
Biến động cổ phiếu GAS một năm qua
Mặt khác, một công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong Tập đoàn, 11 tháng đầu năm Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) ước đạt doanh thu gần 31.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế trên 1.100 tỷ đồng. Các con số này tương ứng mức đóng góp 7% tổng doanh thu và 3,3% lợi nhuận cho PVN.
Đặc biệt hơn cả, Công ty TNHH MTV Lọc - Hoá dầu Bình Sơn (BSR) 11 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu gần 72,000 tỷ đồng, có thể xếp hạng cao nhất trong số các công ty con của PVN, và ước chiếm khoảng chiếm 16,4% tổng doanh thu PVN. Được biết, ngày 17/01 tới đây BSR sẽ tiến hành IPO; với mức định giá khoảng 2 tỷ USD, hiện đã có 17 quỹ đầu tư, 5 đối tác là các tập đoàn lớn muốn tham gia đầu tư chiến lược vào công ty.
Riêng Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - hiện là nhà phân phối xăng dầu lớn thứ 2 ở Việt Nam (sau Petrolimex), cả năm nay công ty dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 55.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất xấp xỉ 520 tỷ đồng; tương ứng chiếm khoảng 12,6% tổng doanh thu và 1,5% lợi nhuận cho PVN.
Hay Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), theo dự báo của CTCK Tp.HCM (HSC), đơn vị có vốn lớn thứ hai trong họ hàng PVN này có thể đạt doanh thu thuần 31.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 1.900 tỷ đồng trong năm 2017; tức lần lượt góp khoảng 7,2% và 5,6%.
Mặc dù kết quả kinh doanh khá lạc quan, song hiện PVN vẫn gặp rất nhiều rủi ro từ ngành, đặc biệt là đang mắc kẹt vào những dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Điển hình có Nhà máy xơ sợi Đình Vũ ngày càng xấu đi vì vướng vào kiện tụng và thua lỗ gần 3.500 tỷ đồng. Nhà máy đóng tàu Dung Quất không có khách hàng và lỗ hơn 3.700 tỷ đồng. Hay 3 dự án nhiên liệu sinh học ở Quảng Ngãi, Bình Phước và Phú Thọ, theo Thanh tra Chính phủ, tổng tiền thanh toán đến hết năm 2014 là hơn 5.400 tỷ đồng nhưng đều chưa đem lại hiệu quả.
Tiếp tục kế hoạch “giảm cân”
Là một đơn vị trực thuộc quản lý của Chính phủ với tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước đạt 100%, PVN mang trong mình những đặc thù và vị thế rất đặc biệt. Với vốn pháp định 177.628.383.625.944 đồng; Tập đoàn Dầu khí hiện kinh doanh chính trong các lĩnh vực thăm dò, khai thác, kinh doanh dầu khí cùng các dịch vụ liên quan...
Theo dữ liệu từ website PVN, Tập đoàn hiện sở hữu 28 công ty, với 5 công ty là nắm giữ 100% vốn, 11 đơn vị là nắm giữ trên 50% vốn và con số nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ là 12 thành viên. Trong đó, doanh nghiệp do Tập đoàn nắm trọn 100% vốn phải kể đến có: PVEP, PV Oil, PV Power, BSR và Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS).
Họ hàng đông là vậy, song đến năm 2020, theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, PVN phải giảm sở hữu ở nhiều đơn vị. Trước mắt, PVN sẽ thoái vốn toàn bộ khỏi Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVI). Riêng đối với 2 công ty con là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), PVN dự kiến giảm sở hữu Nhà nước còn 51% ngay trong năm 2018.
Ở các năm tiếp theo, PVN kế hoạch giảm tỷ lệ nắm giữ tại GAS, PV Trans, PV Oil, BSR, PV Power… Như vậy, dự kiến đến năm 2020, Tập đoàn sẽ “thon gọn” hơn sau 5 năm thực hiện “giảm cân” theo kế hoạch.
Trí Thức Trẻ