MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Pyn Elite Fund đón "niềm vui lớn" trong tháng 3, hiệu suất đầu tư tốt kỷ lục

Pyn Elite Fund đón "niềm vui lớn" trong tháng 3, hiệu suất đầu tư tốt kỷ lục

Hiệu suất đầu tư trong tháng 3/2023 của Pyn Elite Fund được ghi nhận mức tốt nhất mà quỹ này từng đạt được vào tháng 3 kể từ khi rót vốn vào Việt Nam cách đây 10 năm.

Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 3/2023 với hiệu suất đầu tư đạt 8,55%. Đây là mức hiệu suất cao nhất quỹ ngoại này từng đạt được vào tháng 3 kể từ khi rót vốn vào Việt Nam cách đây 10 năm.

Như vậy, sau khi để tuột mất toàn bộ thành quả trong tháng 2, quỹ ngoại đến từ Phần Lan đã có được niềm vui trong bối cảnh thị trường hồi phục. Tính chung 3 tháng hoạt động đầu năm, hiệu suất của quỹ ngoại đạt 6,39%.

Theo Pyn Elite Fund, trong tháng 3, sự kiện Silicon Valley Bank đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành giám sát chặt chẽ hệ thống thông qua hạn mức tín dụng cùng với các biện pháp khác nhằm duy trì tăng trưởng bền vững và quản lý rủi ro một cách thận trọng. NHNN đã hạ lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống 5,5%, ngoài ra cũng đang đề xuất chương trình gia hạn nợ để hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu đang dần ấm lên trong tháng 3, lượng trái phiếu phát hành thành công đạt hơn 25.800 tỷ đồng, chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Thị trường chứng khoán nhờ vậy cũng có tín hiệu tích cực, chỉ số VN-Index đã phản ánh với mức tăng 3,9% trong tháng trước, trong đó dẫn đầu đà tăng là nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và môi giới.

Tại thời điểm 31/3/2023, giá trị tài sản ròng/ccq của PYN Elite Fund đạt gần 421 Euro. Quy mô danh mục (AUM) đạt gần 731 triệu Euro (~18,700 tỷ đồng), tăng 58 triệu Euro (~1.500 tỷ đồng) so với thời điểm cuối tháng 2/2023.

Top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục chiếm gần 89% danh mục của quỹ, trong đó có đến 5 cổ phiếu ngân hàng (CTG, STB, TPB, MBB, HDB) và chứng chỉ quỹ VNFinLead ETF mô phỏng nhóm tài chính - nơi 90% là cổ phiếu ngân hàng.

Hầu hết các cổ phiếu tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ có hiệu suất khả quan trong đó 3 cái tên VHM, MIG và HDB có diễn biến ấn tượng nhất khi lần lượt tăng 24%, 14% và 13 % trong tháng qua. Trong đó, cổ phiếu HDB đã bứt phá lên vị trí thứ 8 trong danh mục đầu tư của Pyn Elite Fund (tỷ trọng 5,4%), từ vị trí thứ 10 trong tháng 2 trước đó.

Quỹ ngoại bày tỏ quan điểm tích cực về vĩ mô Việt Nam với GDP trong quý 1/2023 tăng trưởng 3,3% so với cùng kỳ năm trước với lĩnh vực dịch vụ là điểm nhấn (+6,8). Nhu cầu tiêu dùng yếu và xuất khẩu giảm đã kìm hãm tăng trưởng GDP và chỉ số PMI sản xuất ghi nhận mức thấp 47,7. Trong khi đó, sự quay trở lại của du khách quốc tế đã mang lại lợi ích cho nền kinh tế, doanh thu mảng lưu trú và ẩm thực tăng hơn 28% và mảng du lịch gấp 2,2 lần năm trước. Điểm tích cực là lạm phát cơ bản tháng 3 giảm xuống chỉ còn tăng 3,4% so với cùng kỳ, đây là tháng thứ hai lạm phát cơ bản giảm.

Đánh giá riêng về VEAM (VEA), Pyn Elite Fund cho rằng Tổng Công ty hiện có 13 công ty con và 8 công ty liên kết trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô. Đặc biệt, VEAM nắm giữ 30% cổ phần Honda, 25% cổ phần Ford và 20% cổ phần Toyota Việt Nam trong các liên doanh, nhờ vậy mang lại hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm.

Năm 2022, Việt Nam đạt kỷ lục mới với việc bán hơn 500.000 ô tô mới, VEA cũng ghi nhận lợi nhuận ròng cao nhất trong 10 năm. Hiện nhiều ông lớn đã có kế hoạch bắt đầu và nâng cấp sản xuất tại Việt Nam: General Motors-SAIC-Wuling, Hyundai, BYD… chứng tỏ Việt Nam là một thị trường tiềm năng, do đó tiềm năng tăng trưởng cho VEAM còn rất lớn. Trong danh mục quỹ Pyn Elite, cổ phiếu VEA xếp thứ 9 với tỷ lệ 5,1%.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên