Qua đỉnh sốt đất, nhà đầu tư ồ ạt xả hàng
Ảnh minh họa.
Gần đây, nhiều “điểm nóng” giao dịch ở mức thấp, xuất hiện tình trạng bỏ cọc, cắt lỗ, nhà đầu tư tháo chạy vì không còn tiền để trả ngân hàng trong khi giá bất động sản chững lại.
- 14-07-2022“Ông lớn” bồn nước inox Hà Nội “nhòm ngó” dự án khu đô thị 800 ha ở Lâm Đồng
- 14-07-2022“Buôn tài không bằng dài vốn” là cách nhiều nhà đầu tư bất động sản lãi vài chục lần sau nhiều năm giữ đất
- 14-07-2022Phân khúc bất động sản nào sẽ rớt giá thảm hại vào cuối năm?
Ồ ạt cắt lỗ
Thị trường bất động sản từ cuối năm 2021 đến nay có nhiều biến động. Tại nhiều địa phương, giá đất liên tục nhảy múa, nhiều nơi tăng giá mạnh, thậm chí xảy ra tình trạng sốt đất ảo, tăng gấp 2, gấp 3 chỉ trong thời gian ngắn.
Nhiều nhà đầu cơ, lướt sóng dễ dàng kiếm tiền tỷ nếu đầu cơ đúng chỗ và biết thời điểm mua bán nhưng cũng có không ít người tìm hiểu không kỹ, chạy theo cơn sốt ảo và đầu tư vào khu vực nóng sốt đến lúc thoái hàng, rút vốn không kịp khi thị trường "trở mặt" giảm nhiệt mạnh mẽ.
Chị Nguyễn Thùy Dương - một nhà đầu tư bất động sản cho hay, mình rao bán lô đất rộng gần 900 m2 tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) với giá 4, 6 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 5 triệu đồng/m2.
"Giá lô đất này tôi mua cuối năm 2021 gần 5 tỷ đồng. Nhưng, hiện tại do đang cần tiền trả ngân hàng, tôi buộc phải rao bán cắt lỗ, giảm 400 triệu đồng so với giá lúc mua vào", chị Dương cho hay.
Không chỉ có chị Dương mà anh Nguyễn Tuấn Minh trú tại Quốc Oai, Hà Nội cũng đang phải bán cắt lỗ ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) để thu hồi vốn để trả nợ cho ngân hàng.
Theo anh Minh, lô đất diện tích hơn 80 m2 tại xã Đồng Quang với giá 1,6 tỷ đồng vào tháng 2/2022 khoảng 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, do không còn tiền để trả nợ ngân hàng anh buộc phải rao bán cát lỗ thấp hơn giá mua gần 300 triệu đồng.
"Hầu hết số tiền mua đất đều là tiền vay ngân hàng để kiếm lời. Song, đến nay giá đất chững lại, ngân hàng rục rịch tăng lãi suất khiến tôi lo lắng và rao bán cắt lỗ" - Anh Minh nói.
Nhiều môi giới bất động sản thừa nhận, tình trạng khách hàng có nhu cầu bán cắt lỗ đất nền tăng nhanh thời gian gần đây. Những trường hợp bán cắt lỗ rơi vào những nhà đầu tư không chuyên, sử dụng đòn bẩy tài chính.
Khi thị trường hạ nhiệt cũng là lúc nhiều nhà đầu cơ chấp nhận lỗ và giao bán hạ giá, cắt lỗ để thu hồi vốn. Những thông báo rao bán đất cắt lỗ được đăng tải dày đặc. Dù phải chịu lỗ từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng thì nhiều chủ đất cũng muốn bán nhanh để trả nợ nhưng vẫn khó tìm người.
Giá đất đang chững, lo ngại vỡ bong bóng
Hiện nay có không ít những nhà đầu tư trót cọc hàng trăm triệu đồng phải bỏ cọc hoặc những người mua đất ở "đỉnh sóng" bị "kẹp hàng" đang tìm các bán tháo, cắt lỗ nhưng vẫn rất khó chốt được giao dịch.
Đặc biệt, những biến động về giá cả và mức độ quan tâm vào bất động sản, cùng với việc giá vật liệu xây dựng đầu vào tăng không ngừng đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà thầu xây dựng. Những điều này góp phần đẩy giá nhà, đất lên cao, nhưng thanh khoản lại ngược lại.
Thị trường bất động sản ở nhiều nơi từng "sốt nóng" đang chững lại, nhu cầu quan tâm tới bất động sản giảm và giao dịch trầm lắng.
Do đó, thị trường đã có hiện tượng một số nhà đầu tư không chuyên và dùng đòn bẩy tài chính rao bán "cắt lỗ" một số bất động sản nhỏ, không có lợi thế về hạ tầng.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhiều doanh nghiệp dựa vào vay ngân hàng để phát triển dự án sắp tới sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án, thậm chí dẫn đến việc co hẹp quy mô. Trong khi những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn, khó khăn trong tiếp cận vốn vay, lãi suất vay mua bất động sản tăng cao.
Đại đoàn kết