MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

25 tuổi chính là thời điểm tốt nhất và cần thiết nhất để bắt đầu làm việc này

29-10-2020 - 23:10 PM | Sống

Tuổi 25, chúng ta không cần ép mình phải giỏi giang, phải thành đạt như người khác. Chỉ cần tự so sánh với chính mình trong quá khứ và nhận ra sự tiến bộ đã là một loại thành công. Thời gian còn dài, bạn còn có thể từ từ đến gần vạch đích.

Độ tuổi 25, bạn đã tốt nghiệp ra trường, bước chân vào xã hội được vài năm, học cách sinh tồn nơi công sở hoặc dấn chân vào con đường tự xây dựng sự nghiệp của riêng mình.

Bạn sẽ gặp rất nhiều người giỏi giang, những leader có tâm và có tầm, những nhân vật xuất sắc ở đủ mọi lĩnh vực mà mình phải ngưỡng vọng.

Thế nhưng, trước hết, đừng vội so sánh bản thân với họ để nhận về sự tự ti, mặc cảm. Điều đầu tiên bạn phải học hỏi, rèn luyện ở giai đoạn này là quan sát, tự so sánh bản thân mình.

Phải trải qua quá trình tự quan sát, tự so sánh, bạn mới biết mình đã thay đổi gì qua từng ngày. Những thay đổi nào là tốt, cần duy trì và những thay đổi nào là xấu, phải chấn chỉnh. Biến quá trình này thành một thói quen, bạn mới có thể ngày một phát triển đúng hướng.

Và nếu bạn bắt đầu quan sát bản thân mình từ bây giờ, trong vòng một năm, bạn sẽ đạt được nhận thức rõ hơn về bản thân. Nhiều vấn đề sẽ được giải quyết một cách dễ dàng. Đồng thời, bạn sẽ có khả năng nắm bắt cuộc sống của chính mình.

25 tuổi chính là thời điểm tốt nhất và cần thiết nhất để bắt đầu làm việc này.

Thế nào là quan sát và tự so sánh bản thân?

Nói một cách đơn giản, đó là quá trình tự nhận thức và chú ý bản thân từ mọi khía cạnh, bao gồm trạng thái thể chất và tinh thần, cuộc sống và công việc, v.v.

Lấy một ví dụ đơn giản để bạn nhận thức mình có hiểu về bản thân hay không, hãy xem mình có khả năng trả lời những câu hỏi sau đây:

Bạn ngủ bao nhiêu giờ là đủ? Nếu ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn sẽ có cảm giác gì?

Cơ thể bị mụn trong trường hợp nào? Ăn cay hay thức khuya?

Khi nào bạn sẽ cảm thấy tốt?

Thời gian rảnh mỗi ngày thường làm gì?

Thời gian nào dễ bị stress, tụt cảm xúc?

Hành vi nào có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng?

Có thói quen xấu nào mà bạn cần nhắc nhở bản thân trước khi làm việc không?

Những vấn đề này tuy có vẻ nhỏ nhưng lại ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc và giao tiếp xã hội của bạn.

25 tuổi chính là thời điểm tốt nhất và cần thiết nhất để bắt đầu làm việc này - Ảnh 1.

Ví dụ, bạn thức dậy trong trạng thái uể oải, đầu óc không tập trung, dẫn đến sai sót khi làm việc và cảm thấy một ngày của mình quá tồi tệ. Nhưng nếu theo dõi dòng thời gian hàng ngày, bạn sẽ biết nguyên nhân nằm ở đâu, có thể là do thức khuya, do căng thẳng kéo dài, hoặc tinh thần thay đổi vì lý do thời tiết, hoặc thay đổi nội tiết tố trong người…

Phải biết được nguyên nhân thì bạn mới tìm được cách giải quyết hiệu quả. Do thức khuya thì điều chỉnh lịch sinh hoạt, do nội tiết tố thì điều trị bằng thuốc hoặc thực phẩm bổ sung, do căng thẳng thì lên kế hoạch giải tỏa, thư giãn tinh thần…

Bằng cách này hay cách khác, bạn sẽ luôn có thể giải quyết vấn đề khi nhận thức rõ về bản thân. Và khi bạn ý thức được nhu cầu phải thay đổi, dù nhanh hay chậm, bạn cũng đang dần tiến bộ theo phương hướng mình mong muốn.

Mặt khác, trong quá trình không ngừng tự quan sát và so sánh bản thân của hiện tại với quá khứ, bạn tìm ra lời giải cho câu hỏi quan trọng: "Thật sự bạn muốn làm gì?"

Bạn thực sự giỏi điều gì? Làm gì sẽ khiến bạn cảm thấy thỏa mãn? Hiện tại có đem lại hạnh phúc cho bạn hay không?

Nếu bạn không tìm ra những điều này, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy đam mê của mình. Không ai dám chắc đam mê sẽ khiến bạn sống tốt hơn, nhưng khi bạn tìm ra nó, bạn sẽ có thể lựa chọn con đường phát triển phù hợp nhất cho mình.

Phải tự so sánh mình như thế nào?

Đầu tiên, bạn phải thực hành quan sát. Nên sử dụng một cuốn sổ nhỏ tiện mang theo, hoặc lựa chọn ứng dụng ghi chú trên điện thoại thông minh.

Ghi lại nội dung sau mỗi ngày:

- Cân nặng, chế độ ăn uống, thời gian ngủ và trạng thái ngủ;

- Tình trạng da (có mụn, lỗ chân lông, dị ứng, v.v.);

- Bạn đã làm những bài tập nào, bạn không thoải mái ở đâu và bạn đã tiến bộ ở đâu;

- Bạn đã tham gia những khóa học nào, hiểu thêm về điều gì, chưa hiểu rõ điều gì, cần nghiên cứu thêm điều gì;

- Sách hoặc phim đã đọc;

- Nếu bạn bị ốm / kỳ kinh nguyệt, hãy ghi lại phản ứng của cơ thể...

Nên ghi chép song song với các mốc thời gian thực hiện để đánh giá tính hiệu quả của hoạt động.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên phát triển thói quen ghi chú cho những suy ngẫm nhất thời, những điều nhỏ khiến bạn vui vẻ hoặc tức giận, những ý tưởng khiến bạn cảm thấy có ý nghĩa, những vấn đề được khám phá, những khoảnh khắc có ý nghĩa, những khoản chi tiêu lớn...

25 tuổi chính là thời điểm tốt nhất và cần thiết nhất để bắt đầu làm việc này - Ảnh 2.

Việc ghi chú thực sự không mất quá nhiều thời gian. Bạn không cần phải ghi rõ từng chi tiết, đôi khi, chỉ cần bỏ ra 1% tâm trí và vài chữ liên quan, sự kiện đó sẽ được gợi nhớ trong đầu.

Cuộc sống còn dài lắm, đừng lo lắng, hãy dành thời gian vừa tận hưởng, vừa quan sát. Khi tự so sánh mình với quá khứ, bạn sẽ nhận thấy mình đang dần thay đổi mỗi ngày và mỗi sự thay đổi lại là một bước tiến về tương lai.

Khi chúng ta để bản thân cuốn vào guồng quay cuộc sống, luôn bận rộn với hàng đống công việc, dự án chất chồng, deadline liên tục, rất khó có thừa thời gian và tâm trí để thực sự nhận thức bản thân mình. Khi đang đi, không ai có thể nhìn thấy chính mình vì còn mải quan sát xung quanh. Chỉ khi dừng lại, chúng ta mới tập trung nhìn vào chính mình.

Ở độ tuổi 25, bạn còn rất nhiều thời gian phía trước. Không cần quá thúc ép bản thân phải nhanh chóng trưởng thành, phải trở nên bản lĩnh, phải giỏi giang và kiếm được nhiều tiền như mọi người xung quanh.

Nhịp sống nhanh của thời đại rất dễ khiến con người ta lạc mất phương hướng, rồi đánh mất chính mình. Thay vào đó, hãy luôn duy trì bước tiến của mình, nhưng không quên dành thời gian và không gian cho những khoảng trống, tận dụng khoảng trống đó để quan sát và tự so sánh chính mình.

Sau đó, hãy trả lời câu hỏi: Bạn của hiện tại đã tốt hơn quá khứ hay chưa?

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên