Quán cháo trắng hơn 10 năm chỉ bán giá 1.000 đồng của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn: "Bán rẻ cho người ta ăn no là được rồi"
Quán cháo "Về đây em" nằm trong một con hẻm nhỏ tại Quận 6 (TP.HCM) thời gian gần đây bỗng trở nên nổi tiếng trên MXH bởi qua bao năm vẫn giữ một mức giá rẻ đến khó tin.
- 08-11-2021Quán cháo sườn bán xuyên đêm suốt 50 năm gây thèm thuồng bởi mâm lòng hơn chục món và câu chuyện chọn đời thứ 3 nối nghiệp
- 21-06-2018Quán cháo "hào sảng" giá 5.000 đồng/ tô của cô Tư Sài Gòn: Nhà Tư không nợ nần gì, bán vầy là sống thoải mái rồi!
Quán cháo đặc biệt tồn tại gần 20 năm nơi ngõ nhỏ Sài thành
Thời buổi vật giá không ngừng tăng cao, để có được những bữa ăn ấm bụng với giá vài ngàn đồng ở những thành phố lớn gần như là điều không tưởng.
Vậy mà, trong một con hẻm nhỏ tại quận 6 (TP.HCM), quán cháo "Về đây em" của vợ chồng ông Thái Công Minh đã biến "điều không tưởng" ấy trở thành hiện thực khi bán một bát cháo trắng chỉ với giá 1.000 đồng trong suốt chục năm nay. Theo thời gian, quán cháo cũng dần trở thành một địa điểm quen thuộc với người dân nơi đây.
Quán cháo đặc biệt "Về đây em" nằm trong một con hẻm nhỏ tại Quận 6 (TP.HCM)
Quán cháo nhỏ giản dị mà bày biện sạch sẽ luôn tấp nập người qua lại. Tiếng nói cười, gọi món rộn vang góc phố nhỏ.
Quán cháo nhỏ nhưng sạch sẽ
Ông Thái Công Minh, chủ quán cháo vui vẻ kể lại: "Quán cháo chú mở từ 2003, do kinh tế gia đình nên cô mới mở một quán cháo bán ở xóm có đồng thu nhập phụ giúp chú, nuôi lớn 2 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Mới đầu thì cũng ít khách lắm. Ban đầu chỉ 500 đồng, đến 2012 mới lên đến 1.000 VNĐ/ tô."
Khi được hỏi về ý tưởng cho cái tên khá độc đáo mà đầy tình cảm của quán, ông Minh chia sẻ: "Tên quán chú đã nghĩ với vợ từ khá lâu trước khi mở quán. "Về đây em" giống như tiếng gọi thân thương giữa vợ chồng, anh chị em, bạn bè,... tất cả mọi người đều có thể gọi."
Bên cạnh mỗi chén cháo trắng giá 1.000 đồng, quán cháo "Về đây em" còn có thêm các món ăn kèm cũng chỉ dao động vài ngàn. Lượng khách tăng lên mỗi ngày trở thành động lực để vợ chồng ông Minh kiên trì "thu nhặt từng cắc lẻ": "Cô chú chuẩn bị ngay buổi sáng để chiều mở ra bán. Ngày nào cũng tất bật từ sáng đến tối."
Ông Minh cho hay, đối tượng khách đến ăn thường những người có thu nhập khá khiêm tốn như sinh viên, học sinh, người bán vé số, người làm công, thợ hồ... Sau này cũng có cả những người thu nhập khá hơn tới ăn.
Quán cháo đặc biệt đã tồn tại gần 20 năm
Khi nói về "bí quyết" giữ chân khách, có được hương vị vừa miệng người ăn, ông Minh chia sẻ, bản thân không có bí quyết gì đặc biệt, chỉ thường xuyên hỏi xem khách có hài lòng với món ăn không, nếu khách có phản hồi không tốt sẽ dặn dò vợ để điều chỉnh.
Niềm vui nhỏ bé khi "lượm từng cắc lẻ"
Mặc dù quán ngày càng đông khách nhưng giá mỗi muôi cháo trắng vẫn luôn được vợ chồng chủ quán vẫn "kiên định" giữ ở giá 1.000 đồng. Ông Minh cho biết, do chi phí bỏ ra không cao, mặt bằng cũng không cần thuê nên vẫn có thể giữ mức giá thấp như vậy.
Khi hỏi về niềm vui mỗi ngày khi bán từng tô cháo trắng, "lượm từng cắc lẻ", bà Nguyễn Thị Kim Phượng - vợ ông Minh chia sẻ: "Người ta cứ ăn no là mình vui rồi. Nghỉ một hôm không bán hôm sau người ta hỏi thăm. Vậy nên nhiều lúc cũng muốn nghỉ nhưng lại không dám nghỉ.
Quán cháo sau bao năm vẫn luôn giữ mức giá rẻ
"Gạo không đắt bao nhiêu. Nấu đồ ăn bằng củi cũng không mất nhiều. Vừa ăn mọi người vừa cười nói vui vẻ. Bán rẻ cho người ta ăn no là được rồi. Có người già, con không nuôi, người ta nghèo quá nên thường kiếm mấy chỗ rẻ như này để ăn." - bà Phượng giải thích về lý do sau 20 năm vẫn luôn giữ mức giá thấp.
Đôi tay thoăn thoắt của bà vừa múc từng muôi cháo vừa cười nói: "Cô không lên giá đâu, cô vẫn bán vậy. 4 - 5 năm sau cũng vậy."
Quán cháo "Về đây em" ngày càng được nhiều người biết đến
Bà Phượng cho hay, số tiền thu được mỗi ngày cũng chỉ đủ mua đồ ăn trong ngày cho gia đình. Ngày đắt khách nhất thu được là khoảng 800.000 đồng, ngày thường chỉ khoảng 500.000 - 600.000 đồng, tiền lãi khoảng 100.000 - 200.000 ngày.
Dù góp nhặt từng đồng mỗi ngày đầy bình dị nhưng cuộc sống của vợ chồng bà vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc: "Chú hay nói, bán đủ ăn là được rồi. Cô cũng ưng, không nghĩ giàu nghèo gì hết. Ngày có trăm ngàn ăn bữa cơm, thỉnh thoảng đến nhà bạn bè chơi, dành dụm Tết có bộ đồ là được rồi."
Ông Thái Công Minh - chủ quán cháo "Về đây em"
Nói đến việc quán cháo "Về đây em" ngày càng nổi tiếng trên MXH và trong cộng đồng, ông Minh vui vẻ nói: "Lượng khách giờ ngày càng nhiều. Từ năm 2009 có người đến quay rồi nổi tiếng, đủ người ở các nơi đến đây ăn nhiều lắm. Nổi tiếng trên mạng xã hội chú mừng lắm.
"Chú cũng thường nói với cô, đây như tâm nguyện của mình, tất cả người lao động đến đây ăn vừa miệng, vừa túi tiền là rất mừng. Giống như mình làm việc thiện khi mình chưa thể giúp mọi người từ đồng tiền của mình." - bát cháo dù giá trị nhỏ, nhưng tấm lòng sẻ chia của vợ chồng ông Minh lại càng khiến miếng ngon càng thêm ấm tình người.
Trí thức trẻ