Quan chức lãnh sự Trung Quốc ngồi kín phòng xử “công chúa” Huawei
“Công chúa” Huawei Mạnh Vãn Châu chính thức xuất hiện trong phiên điều trần với những phản bác chống lại yêu cầu của Mỹ về việc dẫn độ bà. Theo luật sư biện hộ, cốt lõi của vụ kiện là các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Phiên điều trần dẫn độ Giám đốc tài chính Tập đoàn Công nghệ Huawei Mạnh Vãn Châu diễn ra tại Tòa án tối cao tỉnh British Columbia (Canada) vào ngày 20-1.
Bên ngoài Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, nhiều người ủng hộ vẫy tay, giơ cao biểu ngữ đòi thả bà Mạnh và bên trong, chồng bà Mạnh cùng các quan chức lãnh sự Trung Quốc ngồi kín phòng điều trần, theo dõi quá trình tranh tụng.
Xuất hiện trong phiên điều trần, bà Mạnh không đưa ra bất kỳ bình luận nào trước báo giới và những người ủng hộ bà.
Bà Mạnh Vãn Châu rời Tòa án tối cao tỉnh British Columbia ngày 20-1. Ảnh: REUTERS
Tại phiên điều trần, phía Mỹ cáo buộc bà Mạnh nói dối Ngân hàng HSBC về mối quan hệ của Huawei với Công ty liên kết Skycom tại Iran. Vụ việc khiến HSBC có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran. Bộ Tư pháp Mỹ nói trong hồ sơ trình tòa: "Có bằng chứng cho thấy bà ấy đã lừa dối ngân hàng để khiến họ tiếp tục cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho Huawei".
Các công tố viên Canada khẳng định Huawei kiểm soát hoạt động của Skycom ở Iran, nói rằng nhân viên của tập đoàn này đã sử dụng tài khoản email và huy hiệu bảo mật của Huawei và tài khoản ngân hàng của họ do Huawei kiểm soát.
Phía bà Mạnh đã bác bỏ mọi cáo buộc trên. Bà Mạnh cho biết chính bà đã trình bày trước giám đốc điều hành của HSBC hồi năm 2013 rằng Huawei không còn sở hữu Skycom nữa và bà đã rút khỏi hội đồng quản trị công ty này.
"Công chúa" Huawei Mạnh Vãn Châu đeo vòng theo dõi mắt cá chân, rời khỏi nhà đến phiên điều trần ngày 20-1. Ảnh: REUTERS
Bà Mạnh tiếp tục khẳng định mình vô tội và vẫn đang tiếp tục đấu tranh vì các hành vi bị cáo buộc của mình không phải là bất hợp pháp ở Canada. Theo các luật sư biện hộ, dù hành vi của bà Mạnh có xảy ra đi nữa thì không có nghĩa là lừa đảo và rằng Canada không liên quan đến với các biện pháp trừng phạt của Mỹ lên Iran.
"Vấn đề trọng tâm là "tội phạm kép" trong dẫn độ. Chính các lệnh trừng phạt đã thúc đẩy vụ án này" - luật sư bào chữa chính của bà Mạnh, ông Richard Peck, nói. Cũng theo luật sư, vụ việc xảy ra đối với bà Mạnh "được thành lập dựa trên các cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ mà Canada đã bác bỏ".
"Mỹ tuyên bố hành vi của Mạnh là hành vi gian lận đối với ngân hàng. Đây là một sự giả tạo. Canada thực sự bị yêu cầu thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran" - luật sư của bà Mạnh phản biện.
Trong ngày 20-1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi trường hợp dẫn độ của bà Mạnh Vãn Châu là "sự cố chính trị nghiêm trọng", thúc giục Canada trả tự do cho bà để tiếp tục duy trì mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Ottawa. Trong khi Canada nói rằng bà Mạnh bị bắt vì tội gian lận và lừa dối HSBC, đây là một tội ác ở cả Canada và Mỹ.
Phiên điều trần dẫn độ lần này đối với bà Mạnh dự kiến sẽ kéo dài trong năm ngày.
Người Lao động