Quan chức Mỹ: Còn lâu nữa mới có thể bắt đầu đưa ra chính sách cụ thể để quản lý bitcoin
Điều phối viên an ninh mạng của Nhà Trắng Rob Joyce nhấn mạnh sự quan trọng của việc hiểu rõ về cả những rủi ro và lợi ích mà tiền số mang lại trước khi áp đặt bất cứ chính sách quản lý nào.
Còn 1 chặng đường dài phải đi trước khi Chính phủ Mỹ có thể bắt đầu chính thức đưa ra những biện pháp cụ thể để quản lý bitcoin – Rob Joyce, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ và là điều phối viên an ninh mạng của Nhà Trắng, nói với CNBC.
Phát biểu tại Hội thảo an ninh Munich đang diễn ra tại Đức, Joyce nhấn mạnh sự quan trọng của việc hiểu rõ về cả những rủi ro và lợi ích mà tiền số mang lại trước khi áp đặt bất cứ chính sách quản lý nào.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn đang hoàn toàn ở trong giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Vì thế tôi không nghĩ là chúng ta đã tiến gần đến các chính sách quản lý bitcoin", ông phát biểu khi được hỏi về khả năng Chính phủ Mỹ sẽ tung ra các biện pháp quản lý tiền số.
Bitcoin là đồng tiền mật mã phi tập trung, có nghĩa là không giống như các đồng tiền pháp định ví dụ như USD, nó không được hậu thuẫn bởi 1 chính quyền trung ương. Những người chỉ trích bitcoin cho rằng chính yếu tố này khiến bitcoin không có giá trị nội tại dù đã tăng giá khủng khiếp trong năm 2017.
Vì các giao dịch hoàn toàn nặc danh, bitcoin cũng bị cho là 1 kênh chê giấu các hoạt động phi pháp như rửa tiền và trốn thuế.
"Chúng tôi khá lo lắng. Rõ ràng là ý tưởng về tiền điện tử phía sau bitcoin đem lại những lợi ích, nhưng bên cạnh đó nếu bạn nhìn vào phương thức hoạt động của bitcoin sau các vụ pham tội thì bạn sẽ không thể "vặn ngược kim đồng hồ" để điều tra rõ ràng như các đồng tiền pháp định".
Joyce lấy ví dụ nếu 1 vụ ăn cắp thẻ tín dụng xảy ra, các cá nhân hoặc tổ chức có thể liên hệ với các ngân hàng và bên bán hàng để lấy lại tiền, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được như vậy với bitcoin và các đồng tiền số khác.
Các lãnh đạo doanh nghiệp và cả những nhà hoạch định chính sách vẫn đang tranh cãi về tương lai của bitcoin. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF mới đây cho rằng bitcoin cần phải được quản lý, trong khi tín hiệu từ Hàn Quốc chính là một trong những nguyên nhân khiến giá bitcoin lao dốc đầu năm 2018. Pháp và Đức đang phối hợp để đề ra khung pháp lý, trong bối cảnh các nhà làm luật châu Âu kêu gọi kiểm soát đồng tiền đã bị lạm dụng bởi những kẻ khủng bố, buôn ma túy và rửa tiền. Và Chính phủ các nước càng bối rối hơn về mức độ quản lý tiền số, không biết nên cấm toàn bộ hay chỉ giới hạn một phần.
Đã có 27 năm làm việc cho Cơ quan An ninh quốc gia, Joyce là người điều phối chiến lược về an ninh mạng giữa Chính phủ với khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và cả các quốc gia khác.
Hơn 450 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và người đứng đầu nhà nước đang tham dự hội thảo về an ninh tại Munich.
CNBC