MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan chức sai phạm "cáo bệnh": Không dám đối diện sự thật, hậu quả gây ra?

11-09-2016 - 08:38 AM | Xã hội

"Tất cả những điều này về bản chất được xem là sự hèn nhát, gian trá. Người ta tiếp tục sử dụng sự gian trá để gỡ cái gian trá trong lịch sử để lại…. Và khi xảy ra chuyện mọi người đều tìm cách biện minh, lý giải cho mình nhằm chối tội".

Đây là quan điểm của PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam xung quanh câu chuyện quan chức “cáo bệnh” mỗi khi dính líu sai phạm hay vướng vào vòng lao lý.

Quan chức dính lao lý liền “cáo bệnh”

Tháng 10/2002, Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố vụ buôn lậu tại Công ty Thành Phát (TP Mỹ Tho), khởi tố 38 bị can về các tội buôn lậu, đưa hối lộ, nhận hối lộ. Sau đó, hai nguyên phó thủ trưởng cơ quan điều tra là Ngô Thanh Phong và Nguyễn Văn Nên (nguyên phó phòng CSĐT, Công an Tiền Giang) đã chỉ đạo cấp dưới mang tiền mặt thu giữ được đi gửi tiết kiệm. Toàn bộ tiền lãi hơn 1 tỉ đồng được sử dụng để tiếp khách, mua bốn xe máy cấp cho bốn lãnh đạo Phòng CSĐT sử dụng.

Khi vụ việc bị tố giác và chuẩn bị truy tố thì ông Nguyễn Văn Nên đã bị tâm thần, phải tách ra không xử được.

Trong vụ Lã Thị Kim Oanh, tòa định triệu tập nguyên một vị lãnh đạo cấp cao ra tòa với tư cách người làm chứng, nhưng mới nghe như vậy ông này đã phải “vào viện cấp cứu”.

Hoặc tại vụ xét xử Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) thì cựu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá, cựu Chủ tịch Ngân hàng ACB, cũng rơi vào vòng lao lý. Trong khi Bầu Kiên bị truy tố với nhiều tội danh thì ông Trần Xuân Giá lúc bị truy tố tội danh “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, tại phiên xử vụ bầu Kiên ngày 19/5/2014, TAND Hà Nội xác định ông Trần Xuân Giá đang bị bệnh hiểm nghèo không thể hầu tòa nên đã tạm đình chỉ vụ án với ông này.

Và gần đây, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TP Vũng Tàu, một số cán bộ có liên quan cũng “cáo bệnh” nên được tại ngoại.

Chuyên gia tâm lý “bắt bệnh”

Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Trịnh Hòa Bình - nhà Tâm lý học - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng, việc quan chức khi dính sự kiện này, sự kiện khác bị kiểm tra hoặc bị cộng đồng hay tổ chức, cơ quan đơn vị phát giác, đặc biệt những sự việc có tính chất nghiêm trọng thì hầu hết những trường hợp này đều cáo ốm, đổ thừa cho bệnh tật hoặc có trường hợp còn tranh thủ kiếm chuyện đi nước ngoài để lảng tránh.

“Xét về bản chất, thực ra hành vi này là thuộc tính hèn nhát không dám đối diện với sự thật. Đồng thời một phần nào đó có thể xem là sự mặc cảm, xấu hổ không tự giải quyết, không đương đầu với những hậu quả mình gây ra nên thì thôi… làm như vậy”- ông Trịnh Hòa Bình nhận xét.

Vì thế, theo ông Trịnh Hòa Bình, thoáng nhìn người ta tưởng như đó là lẽ thông thường, tuy nhiên trong nhiều trường hợp thì đó là sự tính toán cẩn thận. Nguyên nhân là do người ta không còn cơ hội trong khi họ đang có vị thế trong xã hội, có vị trí công tác lớn, có ảnh hưởng đến nhiều khâu, nhiều đoạn, ảnh hưởng cả bộ máy. “Thành thử ra người ta có một cảm giác chung là tuyệt vọng đấy nhưng cái ảnh hưởng của sự tuyệt vọng không lớn bằng sự toan tính, xét đến cùng là khi đổ vỡ họ không dám đối diện” – ông Trịnh Hòa Bình nói.

Ông Trịnh Hòa Bình phân tích thêm, do họ không dám đối diện nên thường níu kéo đến chuyện này, chuyện kia dẫn đến câu chuyện cười: lúc bấy giờ người ta bắt đầu trưng ra đủ loại giấy chứng nhận, có người xoàng xĩnh hơn trưng ra đủ các loại chứng nhận bệnh này tật kia, thậm chí có người xin được xác nhận có dấu hiệu của bệnh tâm thần để không phải chịu trách nhiệm.

“Tất cả những điều này về bản chất được xem là sự hèn nhát. Khi xảy ra chuyện người ta thường tìm cách biện minh, lý giải cho mình nhằm chối tội. Tuy nhiên cũng có những người còn liêm xỉ nhưng vì xấu hổ, không dám đương đầu nên tiếp tục có hành vi hèn nhát mới. Tựu trung lại họ là những người ích kỷ, hèn nhát, vụ lợi, xét đến cùng có thể dùng từ "tha hóa"” – ông Trịnh Hòa Bình kết luận.

Ngoài ra, ông Trịnh Hòa Bình cho rằng, bên cạnh sự không trung thực về mặt cá nhân của những quan chức sai phạm thì cũng có yếu tố xã hội tác động. Khi mà đồng tiền lên ngôi trong xã hội, người ta sử dụng tiền bạc để mua những chứng nhận bệnh tật, bằng cấp thậm chí chức tước thì mọi giá trị đều bị đảo lộn.

Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Trịnh Hòa Bình thì chúng ta nói phải đi đôi với làm, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chúng ta không được bắn chỉ thiên”. Lâu nay chúng ta nói quá nhiều do đó chúng ta phải quay trở lại nguyên lý có tính chất nguyên tắc ban đầu của tổ chức cán bộ "không nặng bồng nhẹ tếch". Theo đó, chúng ta phải duy trì đúng những nguyên tắc, những lề lối làm việc mà sự đúng đắn cần phải được thừa nhận một cách thường xuyên, liên tục và đẩy mạnh.

Theo N. Huyền

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên