MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan điểm khác về nợ công: Nên chăng nới nợ gần sát trần nhằm xử lý các ách tắc của nền kinh tế?

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, PGS. TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định cần có sự điều chỉnh linh hoạt đối với vấn đề nợ công, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang trong đà tăng trưởng.

Không ngạc nhiên với tăng trưởng kỷ lục của quý I/2018

Ông nhận định như thế nào về mức tăng trưởng 7,38% trong quý I/2018, cao nhất trong 10 năm trở lại đây?

GDP tăng cao trong quý I phản ánh tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực cải cách điều hành Chính phủ. Mức tăng 7,38% không đáng ngạc nhiên vì nền tảng cho sự tăng trưởng này đã được tạo ra từ vài năm trước. Nó thể hiện qua việc kinh tế vĩ mô ổn định, xét trên các chỉ số về lạm phát, lãi suất, tỷ giá...các giác độ như thế rất bền. Thông qua đó, tạo một đà tăng trưởng chắc chắn.

Quan điểm khác về nợ công: Nên chăng nới nợ gần sát trần nhằm xử lý các ách tắc của nền kinh tế? - Ảnh 1.

Kết quả của quý I/2018 đang đặt ra những câu chuyện ngược với truyền thống về tăng trưởng trong các năm. Ông nghĩ sao về điều này?

Quả thực tăng trưởng quý I đã có nhiều khác biệt so với mọi năm. Theo đó, yếu tố GDP quý sau cao hơn quý trước như truyền thống sẽ không còn nữa. Các quý sau của năm 2017 đã tăng rất cao; do đó, cùng kỳ này ở năm 2018 sẽ khó lòng đạt được. Nhiều tính toán đưa ra cho rằng các quý còn lại của năm đạt khoảng 6,3 – 6,4 hay 6,5% nhưng bình quân cả năm nếu nỗ lực hết sức cũng có thể đạt được 6,7%. Đương nhiên cũng có nhiều dự báo thận trọng hơn nhưng xấp xỉ mức 6,7% là có thể đạt được.

Một vấn đề khác, theo quan sát của tôi, tăng trưởng của năm 2017 và quý I/2018 đều không dựa vào các yếu tố kích cầu mà dựa vào nội tại của nền kinh tế. Giải ngân đầu tư công trong quý I cũng không phải là cao, chỉ khoảng 8% nhưng vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Như vậy cho thấy vốn đầu tư xã hội của khu vực tư nhân đã tăng mạnh, hiệu quả sử dụng đồng vốn cũng đã tốt hơn trước rất nhiều.

Trong quý I, thị trường chứng khoán tăng trưởng rất mạnh, dự trữ ngoại hối tăng cao, thị trường BĐS ấm lên rất nhiều,... đây là những dấu hiệu gợi nhớ cuộc khủng hoảng giai đoạn 2007 – 2008, liệu có khả năng một cuộc khủng hoảng mới đang thành hình?

Tôi nghĩ là không lo ngại. Trên thực tế, thị trường tuy ấm lên nhưng các vấn đề cốt lõi đã được xử lý tốt. Cụ thể như thanh khoản ngân hàng đã tốt lên, bằng chứng là các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn trước rất nhiều, cổ phiếu ngân hàng trên thị trường tăng mạnh, bình quân dẫn đầu trong năm 2017. Các yếu tố khác như tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, sát với nhu cầu thị trường. Lạm phát được kiểm soát tốt.

Quan điểm khác về nợ công: Nên chăng nới nợ gần sát trần nhằm xử lý các ách tắc của nền kinh tế? - Ảnh 2.

Hay với thị trường chứng khoán, khi thị trường có dấu hiệu tăng nóng, Uỷ ban chứng khoán đã có điều tiết margin. Hoặc khi thấy dấu hiệu vay vốn nhiều để đầu tư vào thị trường BĐS, ngân hàng đã có động thái điều chỉnh cơ cấu tín dụng để đưa về khu vực sản xuất.

Bên cạnh những yếu tố nội tại, Việt Nam cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm qua các khủng hoảng kinh tế thế giới các năm 1997, 2007, 2008 nên không có khả năng xảy ra khủng hoảng theo chu kỳ 10 năm một lần như trước đây.

Những phân tích của ông cho thấy nền kinh tế khá lạc quan trong năm nay. Tuy nhiên, về rủi ro vĩ mô thì sao?

Kinh tế vĩ mô, nếu phân tích sâu, tôi cho rằng chính sách tiền tệ của FED sẽ có ảnh hưởng mạnh. Lộ trình nâng lãi suất của FED chắc chắn sẽ tác động đến lãi suất và tỷ giá của đồng Việt Nam. Tuy nhiên, để xem đây là một trong những yếu tố gây khủng hoảng thì cũng khó bởi chính sách của FED là tiên định được. Dù vậy, Việt Nam cần có những điều chỉnh chính sách như tỷ giá trước những thay đổi của FED.

Bên cạnh đó, các chính sách về thuế của Tổng thống Donald Trump có thể khiến dòng vốn đầu tư quay trở ngược lại Mỹ, ảnh hưởng đến vốn FDI vào Việt Nam. Dù vậy, dòng vốn này sẽ không có nguy cơ bị dừng lại do Việt Nam là quốc gia hấp dẫn về mặt đầu tư. Các nhà đầu tư thường nhìn đến lợi ích lâu dài.

Quan điểm khác về nợ công

Tổng cục Thống kê đang tính toán lại GDP, thông qua đó trần nợ công sẽ được nâng lên. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, ví dụ như Pháp đang tính lại GDP từ khu vực kinh tế ngầm (khu vực kinh tế không chính thức – cách gọi tại Việt Nam). Việc tính thêm này chỉ là cách tính, còn thực tế nó đã hiện hữu trong nền kinh tế.

Quan điểm khác về nợ công: Nên chăng nới nợ gần sát trần nhằm xử lý các ách tắc của nền kinh tế? - Ảnh 3.

Việc tính thêm phần này vào GDP tôi nghĩ không chỉ nhằm mục đích nới thêm trần nợ công mà là cách nhìn nhận sát đáng thực lực của một nền kinh tế. Từ đó đưa ra các chính sách sát hơn với diễn biến thực tế.

Mặt khác, GDP được tính đủ, tính chính xác sẽ giúp cho các doanh nghiệp dự báo được nhu cầu thị trường tiêu dùng, thông qua đó phát triển sản xuất. Như vậy, tính lại GDP không chỉ là để nới trần nợ công dù rằng khi quy mô GDP tăng lên thì mặc nhiên nợ công trên GDP sẽ giảm xuống.

Nợ công luôn là một vấn đề được dư luận quan tâm. Năm 2017 chúng ta đã kiểm soát được nợ công, vậy còn trong năm 2018 thì sao thưa ông?

Nợ công tính hết năm 2017 đạt mức 61,3%. Đối với năm 2018, mục tiêu đặt ra đối với nợ công là không quá 63,9% GDP (trần nợ công đang là 65%GDP). Tuy nhiên, tôi cho rằng Chính phủ nên điều chỉnh một chút về nợ công hiện nay. Tức là giữ cho nó không vượt trần nhưng nên điều hành để nó kéo lên khoảng 64%, tạo dư địa để phát triển.

Nếu kéo nợ công lên khoảng 64% tức là chúng ta có thêm số tiền khoảng 3% của 200 tỷ USD, cỡ chục tỷ USD, xử lý được rất nhiều ách tắc của nền kinh tế hiện nay, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Bởi lẽ với đà tăng trưởng như hiện tại, chúng ta cần một kịch bản đầu tư công khác với mọi năm phục vụ cho nhu cầu phát triển đất nước.

Nhưng nếu gia tăng nợ cộng với việc đầu tư không hiệu quả, vốn là vấn đề nhức nhối của nền kinh tế thì nó sẽ là phản ứng ngược?

Tăng đầu tư công nhưng sử dụng vốn không hiệu quả là điều lo ngại của dư luận là đúng nhưng chỉ đúng với giai đoạn trước đây khi chúng ta đầu tư dàn trải, kiểm soát về quản lý nợ công rất lỏng lẻo.

Tuy nhiên, Chính phủ đang trình lên Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật có thể khắc phục được vấn đề này. Thực chất Luật ra đời từ 3 năm trước đã tiết chế đồng thời hỗ trợ hiệu quả các dự án đầu tư công khá tốt, từ quy trình hình thành dự án đến việc thẩm định, cấp vốn, phân cấp, quản lý... tốt hơn nhiều so với trước đây.

Chúng ta đừng nghĩ đầu tư công không hiệu quả là không gia tăng đầu tư. Nó không hiệu quả thì phải tìm cách để kiểm soát nó cho hiệu quả hơn. Còn gia tăng đầu tư mà không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô thì nên suy nghĩ đến vấn đề này.

Tôi cho rằng chúng ta đang đứng trước cơ hội và phải tìm cách chớp lấy thời cơ. Bởi với đà tăng trưởng hiện nay thì việc tăng đầu tư công không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Thông thường, chúng ta hay làm ngược lại, khi khủng hoảng lại tăng đầu tư công để kích thích nền kinh tế tăng trưởng, dẫn đến bất ổn.

Tôi nhấn mạnh thời điểm này thực sự rất tốt để đầu tư cho hạ tầng phục vụ phát triển đất nước. Chúng ta còn nhiều dư địa, phải biết tận dụng.

Xin cảm ơn ông!


Phương Ánh (Thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên