MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan điểm trái chiều về tín dụng đen

22-08-2018 - 08:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Có doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng tới 60% tín dụng đen trong tổng vốn sản xuất, kinh doanh.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 chuyên đề “Thị trường vốn-tài chính” diễn ra ngày 21-8 nổi lên vấn đề doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận nguồn vốn , buộc phải sử dụng tín dụng đen .

Tín dụng đen bủa vây doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong phát biểu khai mạc đã đề cập đến tín dụng đen như một thực trạng trên thị trường vốn-tài chính hiện nay. Đề cao công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo thị trường này hoạt động minh bạch, Phó Thủ tướng nói: “Cần phải đấu tranh chống gian lận, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và các giải pháp hành chính cho DN vừa và nhỏ, làm sao để hỗ trợ DN nhỏ và vừa ngày càng phát triển”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển ĐH Fulbright Việt Nam, nhận định: Việc phát triển thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được nguồn vốn cho DN lớn và có quy mô trung bình. Tuy nhiên, những DN vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến nguồn tín dụng đen.

Lý giải thực trạng này, ông Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tái cấu trúc DN Việt, khẳng định các DN nhỏ chưa có cấu trúc vốn và gặp nhiều khó khăn khi vốn thực chỉ chiếm 20%-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè và anh chị em.

“Khi ngân hàng (NH) không cho vay, trái phiếu chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là tín dụng đen. Có những DN vừa và nhỏ có tới 60% tổng vốn sản xuất, kinh doanh là vốn từ tín dụng đen” - ông Hùng khẳng định.

Còn ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lý giải những nguyên nhân khiến tín dụng đen nở rộ. Thứ nhất, nhu cầu vay tín dụng của người dân là có thật và rất lớn. Nghĩa là tín dụng đen tồn tại theo nhu cầu của người dân và vay theo hình thức này khá nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của NH. Thứ hai, có tình trạng một số cá nhân, DN sử dụng nguồn vay từ tín dụng đen để trả nợ NH.

“Nguyên nhân thứ ba là trong thời gian vừa qua, sự phát triển công nghệ thông tin khiến cho cách tiếp cận trực tiếp giữa bên có nhu cầu vay và cho vay càng trở nên thuận tiện. Cuối cùng là vấn đề khơi thông nguồn vốn, người ta không muốn gửi NH vì cho vay bên ngoài lãi suất cao hơn” - ông Tuấn nói.

Quan điểm trái chiều về tín dụng đen - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Nên học tập kinh nghiệm quốc tế về tín dụng phi chính thức. Ảnh: CL


Thế giới xử lý thế nào với tín dụng đen?

Sau khi các chuyên gia đưa ra nhận định về tín dụng đen, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ rất mong muốn nghe thêm các kinh nghiệm trên thế giới trong việc xử lý câu chuyện tín dụng đen như thế nào.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia, nhận định rằng: “Tín dụng đen không hoàn toàn xấu. Lý do là tín dụng đen có thể đáp ứng nhu cầu của người cần vay ngay (vay nóng - PV). Bởi vậy, thị trường tín dụng đen cần phải được chính thức hóa, điều tiết bằng khung khổ pháp lý như kinh nghiệm ở một số nước, như Hà Lan chẳng hạn”.

Học tập kinh nghiệm quốc tế Các DN vừa và nhỏ, nhất là với DN đổi mới sáng tạo trong tình trạng khó tiếp cận vốn NH thì họ phải tiếp cận tín dụng đen, tín dụng phi chính thức. Tuy nhiên, chúng ta phải kiên quyết xóa bỏ những hình thức tín dụng đen có tính chất lừa đảo, trục lợi. Còn những hình thức tín dụng phi chính thức khác gặp nhau do cung cầu thì phải cân nhắc, học tập kinh nghiệm quốc tế. Phó Thủ tướng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

“Các DN vừa và nhỏ tiếp cận khoản vay của NH qua nhiều kênh, chính thống hoặc không. Các NH cần có thủ tục gọn nhẹ để người dân tiếp cận khoản vay một cách hiệu quả. Ví dụ, một người nông dân muốn vay để mua một con bò cần tín chấp như thế nào, điều này cũng hoàn toàn khác với khoản vay của các DN. Do đó, chúng ta cần có cơ chế khác nhau, tùy thuộc vào khoản vay, quy mô và đối tượng” - ông Warrick Cleine gợi ý.Ông Warrick Cleine cũng đề xuất không dùng từ “tín dụng đen” nữa, mà nên gọi thị trường này là “tín dụng không chính thức” để tránh những cách hiểu không hay. Đồng thời đề xuất Chính phủ cần có hệ thống giám sát, kiểm soát bộ phận tín dụng này rõ ràng.

Giám đốc Công ty Cổ phần Tái cấu trúc DN Việt Nguyễn Kim Hùng cũng kiến nghị Chính phủ tạo ra khung pháp lý để giúp DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn này một cách hợp lệ. Bởi chi phí sử dụng vốn lên đến trên 10% nhưng chưa được hoạch định vào chi phí hợp lệ.

“Việc tiếp cận với nguồn vốn, quỹ, công ty tài chính rất xa vời, chưa kể đến các nguồn quỹ mà Nhà nước đang khuyến khích nên tôi mong rằng bằng cách nào đó, Chính phủ có thể hợp thức hóa tín dụng đen để giúp các DN vừa và nhỏ” - ông Hùng nói.

Một cách cởi mở hơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Hà Huy Tuấn nói trên thế giới tín dụng đen đã tồn tại rất lâu do cung cầu và hoạt động như NH. Vì vậy, ông Tuấn cũng đề nghị cần phải hợp thức hóa được tín dụng đen.

Bên cạnh đó, phía NH cũng phải đơn giản hóa thủ tục vay, thanh toán và nói rõ cho xã hội rằng “các NH thực ra cũng rất muốn cho vay”. Cuối cùng, ông Tuấn đề nghị Nhà nước cần nhìn nhận đúng về những sản phẩm, phương thức kinh doanh mới theo hướng kiểm soát và khuyến khích chứ không nên gò bó.

“Cơ quan quản lý cần truyền thông tích cực để người dân thấy được tính hai mặt của loại hình tín dụng này, đồng thời tố cáo những hình thức bẫy mang thuần tính lừa đảo” - phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề xuất.

Đề xuất cho thử nghiệm nhưng không hình sự hóa


Ông A. Alatabani, chuyên gia NH Thế giới, cho rằng để hạn chế những tác động không tốt của tín dụng đen cần phải có các gói sản phẩm tín dụng khác nhau cho thị trường. Ông cho rằng: “Các gói sản phẩm như thuê, mua tài sản có thể là kênh để các DN nhỏ và vừa tiếp cận khoản vay".


Là người tham gia tái cấu trúc cho rất nhiều DN, ông Nguyễn Kim Hùng cho rằng cộng đồng DN tư nhân cũng có thể góp phần hạn chế tín dụng đen. Bởi thực tế có những sàn giao dịch, kết nối của DN tư nhân có thể thu hút tới 35.000 tỉ đồng chỉ trong sáu tháng.


Quan điểm trái chiều về tín dụng đen - Ảnh 3.

Ông Hà Huy Tuấn đề nghị cần phải hợp thức hóa được tín dụng đen. Ảnh: CL


Theo ông Hùng, nếu có cơ chế, khung pháp lý, nền tảng cho các DN sử dụng công nghệ, các DN tư nhân sẵn sàng tham gia các giải pháp về vốn và có thể lượng tiền lớn. “Tôi đề xuất Chính phủ cho thử nghiệm những hình thức này như nền tài chính thứ cấp. Tuy nhiên, nếu thử nghiệm mà sai thì không nên hình sự hóa” - ông Hùng nói.


Theo Chân Luận

Pháp luật TP.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên