Quan điểm về hàng xa xỉ của "biểu tượng thời trang" trẻ tuổi: Sang trọng đồng nghĩa với sự thoải mái và mang tính giải trí một chút
"Tôi cho rằng sự sang trọng không chỉ gói gọn trong sản phẩm. Bạn có thể đủ khả năng mua một thứ gì đó xứng đáng với mình nhưng nó phải kết nối được với cảm xúc và tinh thần của bạn".
Thế hệ Millennials (những người sinh ra trong khoảng từ năm 1980 tới năm 2000) và Gen-Z (thế hệ sinh ra khi mạng internet và smartphone trở nên phổ biến) ở Trung Quốc có những suy nghĩ và cảm nhận về thời trang và sự sang trọng theo một hướng hoàn toàn khác thế hệ trước đây. Thứ mà họ muốn là những trải nghiệm, những phong cách phù hợp với thị hiếu và mang lại cảm giác kết nối với cá nhân, chứ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thương hiệu.
Theo một báo cáo của Brain & Company thì tới năm 2025, những khách hàng có độ tuổi thuộc nhóm Millennials và Gen-Z sẽ chiếm tới 45% lượng khách thường xuyên sử dụng những sản phẩm xa xỉ.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Jing Daily, Michael Xufu Huang, một nhà sưu tầm trẻ tuổi và đồng thời là một biểu tượng thời trang trong giới nghệ thuật Trung Quốc đã chia sẻ những cảm nhận cá nhân về sự sang trọng và mối quan hệ giữa thời trang, nghệ thuật và công nghệ.
Michael Xufu Huang là một nhà sưu tầm trẻ tuổi và đồng thời là một biểu tượng thời trang trong giới nghệ thuật Trung Quốc.
Ý nghĩ của sự sang trọng hiện đang thay đổi và đó là một dấu hiệu cho thấy thế hệ trẻ ngày nay có những quan điểm hoàn toàn khác biệt với thế hệ trước đây. Theo anh, giới trẻ hiện nay định nghĩa sự sang trọng như thế nào?
Sang trọng đồng nghĩa với sự thoải mái và mang tính giải trí một chút. Tôi cho rằng sự sang trọng không chỉ gói gọn trong sản phẩm. Bạn có thể đủ khả năng mua một thứ gì đó xứng đáng với mình nhưng nó phải kết nối được với cảm xúc và tinh thần của bạn. Ở Trung Quốc bạn có thể bắt gặp vô vàn ví dụ về việc này. Mọi người ở thế hệ trước đã làm việc vô cùng chăm chỉ để nuôi sống gia đình. Giờ đây, khi mọi người đã dư dả tiền bạc họ bắt đầu quan tâm hơn tới những thứ “sang trọng” – những thứ giúp họ hạnh phúc hơn theo nhiều cách khác nhau như: mua sắm hàng hóa, xem phim, những kỳ nghỉ dưỡng… Tất cả những gì khiến mọi người hạnh phúc, thoải mái đó là sang trọng.
Có phải thế hệ Millennials đang dần thoát khỏi ảnh hưởng của cha mẹ và ông bà?
Chính xác là như vậy. Họ có những nhu cầu tinh thần khác biệt với thế hệ trước như muốn học hỏi nhiều thứ, muốn tìm hiểu nghệ thuật. Có thể nói thế hệ trẻ “đói khát” về văn hóa và các yếu tố tinh thần, họ muốn tìm hiểu rất nhiều thứ từ kịch, âm nhạc, phim ảnh… Họ quan tâm tới sự “sang trọng” vì họ muốn hiểu hơn về chính mình.
Tôi cho rằng đó cũng là một phần lý do tại sao triển lãm “Heart of Tin Man” của tôi có rất nhiều khách tham quan trẻ tuổi. Nó phản ánh cách thị trường cao cấp Trung Quốc đang vận hành: Nó cho phép những người trẻ tuổi được là chính mình.
Bạn có chú ý tới thương hiệu không? Bạn thích thể hiện mình ra sao?
Tôi cho rằng vì mình sống trong giới nghệ thuật nên tôi thích mặc những gì thật độc đáo. Bạn có thể bắt gặp tôi mặc đồ ngủ hoặc áo choàng tắm ở ngoài vì tôi không thích chạy theo bất cứ một xu hướng nào mà thích tự mình định hướng nó. Giờ tôi cũng có những người bạn thích mặc áo choàng tắm như tôi vậy. Tôi muốn tự mình tạo ra thời trang riêng và người khác sẽ phải hỏi tôi: “Nó tới từ đâu vậy?”.
Thói quen mua sắm của bạn ra sao? Bạn thích mua hàng trực tiếp hay mua qua các ứng dụng trực tuyến?
Với những món đồ đơn giản, tôi thường ghé qua Zara hay Calvin Klein hoặc mua trực tuyến. Nhưng khi tham dự sự kiện, tôi muốn một thứ gì độc đáo hơn và đó là khi tôi tới Dover Street Market bởi đó là nơi tôi có thể tìm được những món đồ chỉ có 10 hoặc 20 bản sao. Tóm lại, nếu là những thứ thông thường tôi sẽ mua trực tuyến, còn với những món đồ được thiết kế, tôi sẽ phải thử trước khi mua.
Xã hội có phải là một yếu tố tác động tới sự sang trọng không?
Đúng, khi tôi đi Argentina tôi muốn mua một thứ gì đó thật độc đáo và tôi đã nói chuyện với các nhà thiết kế ở đây bởi tôi muốn tương tác với họ. Điều này là rất quan trọng. Đó cũng là lý do tại sao hầu hết quần áo của tôi đều được mua trực tiếp ở cửa hàng bởi tôi muốn có những trải nghiệm xã hội. Nếu tôi thích một nhà thiết kế nào đó tôi sẽ giữ mối liên lạc với họ. Đặc biệt là với những bộ quần áo cao cấp, nếu tôi thích một nhãn hiệu nào đó tôi thường sẽ kết bạn với nhà thiết kế của nó. Bạn có thể tưởng tượng nó giống như hẹn hò vậy. Tôi không thích kết bạn với tất cả mọi người.
Theo bạn có mối liên hệ nào giữa thời trang, nghệ thuật không?
Nghệ thuật và thời trang đều là những lĩnh vực rất sáng tạo. Nghệ sĩ và nhà thiết kế đều là những người thích sưu tầm nghệ thuật. Những nghệ sỹ thường truyền cảm hứng cho mọi người. Khá nhiều nhà thiết kế trẻ đề nghị tôi giới thiệu cho họ những nghệ sỹ như vậy. Các nhà thiết kế giống như những nghệ sỹ tạo ra những sản phẩm độc đáo và có linh hồn. Đây là việc không phải ai cũng có thể làm được và bạn cần phải có một tư duy và thái độ nhất định để thực hiện nó.
Bạn có ví dụ nào gần đây về việc giao thoa giữa nghệ thuật, thời trang và công nghệ không?
Trong các chương trình của tôi đều sử dụng kính thực tế ảo VR nhằm tăng sự tương tác trải nghiệm mua sắm với khách hàng. Trong tương lai khi công nghệ phát triển chắc bạn sẽ thấy sản phẩm ra sao khi bạn mặc nó lên người. VR là sản phẩm được nghiên cứu và phát triển nhằm mang lại những trải nghiệm mới lạ. Tôi đã nhìn thấy chúng trên tạp chí Marfa và cho rằng thật thú vị biết bao.
Jing Daily