Quán quân “Cuộc chiến khởi nghiệp” châu Á: Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Việt Nam sẽ giúp chúng tôi tăng trưởng nhanh hơn!
Một starup Việt Nam trong lĩnh vực logistic vừa giành ngôi vị quán quân trong cuộc thi “PITCH – The Startup Battle” (Cuộc chiến khởi nghiệp). Đây là cuộc thi trong khuôn khổ Hội nghị công nghệ và khởi nghiệp RISE 2018 - sự kiện công nghệ có tiếng ở châu Á, diễn ra giữa tháng 7 tại Hong Kong.
Trao đổi với báo Trí Thức Trẻ, Phạm Khánh Linh - người sáng lập LOGIVAN chia sẻ, thị trường logistic Việt Nam còn tiềm năng rất lớn, trong khi các công ty công nghệ nước ngoài còn phải vật lộn ở thị trường nước họ.
Chị có cảm xúc như thế nào khi LOGIVAN trở thành "Startup tốt nhất" tại sự kiện công nghệ lớn nhất châu Á?
Tôi đã rất bất ngờ khi ông Casey Lau, đồng sáng lập RISE gọi tên LOGIVAN. Phải mất vài giây tôi mới tin điều đó là sự thật. Tôi bước nhanh về phía 2 diễn giả trong khi tay vẫn còn nắm chặt chiếc điện thoại. Người đồng sáng lập RISE đã chúc mừng và trao cúp cho tôi.
Ở phía đối diện, Andrew Connell từ HSBC ngỏ ý giữ giùm chiếc điện thoại để tôi có thể phát biểu trước các khách tham dự sự kiện. Tôi không biết phải nói gì vào thời điểm đó, và thậm chí còn đưa cả chiếc cúp và điện thoại của mình cho Andrew Connell.
Tôi đã cảm ơn những người đã bình chọn cho tôi. Được trao cúp là điều tôi chưa từng nghĩ đến khi tới RISE. Nói đến đây, Andrew Connell đã đặt lại chiếc cúp vào bàn tay của tôi. Hôm đó, tôi đã nhận cúp hai lần, từ hai người: nhà đồng sáng lập RISE và giám đốc đại diện Thái Bình Dương từ HSBC.
Trở lại thời điểm trước giây phút bối rối đó, câu hỏi nào từ các nhà đầu tư khiến chị nhớ nhất?
Tôi đã phải trình bày về LOGIVAN trước những quản lý cấp cao của GGV Capital, CEO của Zhenfund, Giám đốc công nghệ của Amazon.com, HSBC và đại diện của các hãng truyền thông như New York Times và Bloomberg. Cùng với những người tham gia sự kiện, còn có rất nhiều người theo dõi trực tiếp buổi trình bày trên các mạng xã hội. Đó là thử thách lớn.
Đại diện các doanh nghiệp đã đặt ra câu hỏi về sự khác biệt của chúng tôi với những ứng dụng khác trong khu vực. Thật sự, đó là câu hỏi mà chúng tôi phải trả lời hàng ngày. Tôi đã nhắc đến startup NinjaVan (Singapore), GoGoVan (Hong Kong) và giải thích rằng, LOGIVAN khác biệt vì thâm nhập vào chuỗi cung ứng phía trên và tạo nên nền tảng kết nối B2B giữa đơn vị có hàng hóa cần vận chuyển và những lái xe tải, xe container nhỏ lẻ.
Cách làm này phù hợp với những doanh nghiệp vận tải siêu nhỏ tại Việt Nam. Trong khi đó, thị trường Việt Nam lại có tính chất tương đồng với Myanmar, Campuchia,… và chắc chắn chúng tôi có tiềm năng mở rộng hoạt động ra toàn khu vực.
Nhận xét của đại biểu nào khiến chị nhớ nhất?
Tôi nhớ nhất câu nói của Paddy Cosgrave, đồng sáng lập – CEO của RISE. Câu nhận xét ấy cũng được Business Insider trích dẫn: "LOGIVAN đang làm những điều đáng kinh ngạc trong ngành logistics. Tôi mong có thể theo dõi đích đến tiếp theo của họ".
Đạt giải thưởng tại RISE, tôi mong sẽ có nhiều cơ hội đến với LOGIVAN, để startup của chúng tôi có thể nhanh chóng mở rộng hoạt động tại nhiều thành phố, đến với nhiều quốc gia.
Mới hoạt động được 9 tháng nhưng startup của chị đã liên tiếp nhận được giải thưởng và các khoản đầu tư lớn. Đâu là điểm hấp dẫn của LOGIVAN?
Đó là vì những vấn đề lớn về logistics cần được giải quyết, thị trường lớn, đội ngũ tài năng và những con số ấn tượng đã được xác thực.
Như bạn biết, ngành vận tải hàng hóa bằng xe tải tại Việt Nam có trị giá tới 23 tỷ USD, tăng trưởng 14% mỗi năm. Nhưng 90% doanh nghiệp vận tải có ít hơn 5 chiếc xe tải, họ đều là những doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, 70% xe tải chạy chiều về không chở hàng. Đây là lãng phí lớn khiến chi phí logistics chiếm tới 23% GDP của Việt Nam, cao hơn nhiều Singapore (8%), hay Trung Quốc (15%).
Tính tới tháng 06/2018, hàng nghìn giao dịch vận chuyển đã được kết nối bởi LOGIVAN, dù chúng tôi mới chỉ có dữ liệu của hơn 4.000 đầu xe tải. Theo con số mà chúng tôi thu thập được, ở Việt Nam có gần 1 triệu xe tải. Như vậy, tiềm năng tăng trưởng là rất lớn, và chắc chắn tổng lượng hàng hóa được vận chuyển sẽ còn cao hơn mức của ngày hôm nay rất nhiều lần.
Từng tiếp xúc với founder startup vận tải được định giá hàng tỷ USD tại Trung Quốc, và gặp gỡ Thuan Pham (Tổng giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu). LOGIVAN đã học hỏi được gì từ những cá nhân ấy?
Chúng tôi đã nhận được tư vấn về công nghệ của những nhà công nghệ xuất sắc nhất Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ). Chúng tôi còn nhận được lời khuyên trong kinh doanh từ nền tảng kết nối xe tải lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, các thị trường khác nhau cần có những giải pháp khác nhau. Những điều học hỏi được sẽ phải được ứng dụng phù hợp vào thị trường Việt Nam và Đông Nam Á.
Chị nghĩ sao nếu những người từng tư vấn cho LOGIVAN quyết định đầu tư vào Việt Nam?
Tôi không quá lo lắng về điều này. Đúng là những doanh nghiệp kia rất lớn, được định giá tới hàng tỷ USD, nhưng họ cũng đang phải "chiến đấu" ở thị trường nội địa. Vẫn chưa có ai giành được thị phần xứng đáng tại đất nước của họ. Tôi nghĩ rằng trong một vài năm nữa họ mới để tâm đến thị trường Đông Nam Á.
Chị đã từng có thời gian học tập và startup tại Anh Quốc, tiếp xúc với nhiều startup tại Trung Quốc và Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ). Vậy, chị nhận xét ra sao về hệ sinh thái khởi nghiệp tại những nước đó?
Ở Trung Quốc và Hoa Kỳ có rất nhiều vươn ươm khởi nghiệp. Các nguồn vốn đầu tư cũng luôn sẵn sàng đổ vào đây. Điều này thuận lợi cho việc kêu gọi vốn và thu hút đầu tư của startup.
Nhưng trong một thị trường có quá nhiều các nhân tài thì tính cạnh tranh cũng cao hơn. Việc giữ chân nhân sự tài năng cũng khó khăn hơn khi số lượng lớn công ty khởi nghiệp cùng tập trung ở một nơi.
Khi so sánh với môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam, chị thấy trong nước đang có những vấn đề gì?
Ở Việt Nam có quá ít quỹ đầu tư mạo hiểm ở giai đoạn đầu. Vì vậy, số lượng startup phát triển đến giai đoạn series A và series B rất thấp. (series A: vòng gọi vốn 1; series B: vòng gọi vốn thứ 2 – PV)
Tuy nhiên, tôi không cho rằng các nhà đầu tư trong nước thiếu quan tâm đến startup. Sở dĩ LOGIVAN gọi vốn từ Insignia Ventures Partners (Singapore) vì họ đã liên hệ trước với chúng tôi. Hoạt động đầu tư mạo hiểm nhiều khi diễn ra rất nhanh chóng, và tốc độ cũng là một yếu tố mà nhà đầu tư cần quan tâm.
Chị đánh giá như thế nào về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay? Những chính sách nào của Nhà nước đang là rào cản đối với startup?
Tôi muốn đề cập đến các startup trước. Một số startup Việt Nam đã chấp nhận bán hơn một nửa vốn chủ sở hữu chỉ với vài trăm nghìn USD. Điều này dẫn đến việc nhà sáng lập không đủ quyền quyết định đường hướng phát triển công ty. Động lực phấn đấu cũng sẽ giảm sút vì mỗi vòng gọi vốn sau đó mất đi khá nhiều cổ phần. Như vậy, founder và các cộng sự mới là nhân tố chính, quyết định startup tăng trưởng đến mức nào.
Về phía Chính phủ, tôi thấy những chính sách đã ban hành rất hứa hẹn và có tiềm năng giúp chúng tôi tăng trưởng nhanh hơn.
Xin cám ơn chị!